Đoàn cấp cao Chính phủ làm việc với giới học giả Havard

Theo giáo sư David King, để thúc đẩy TPP, Việt Nam nên tăng cường hợp tác với các nhóm có chung lợi ích tại Mỹ để cùng vận động thúc đẩy hoàn tất hiệp định này.
Đoàn cấp cao Chính phủ làm việc với giới học giả Havard ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi tọa đàm với giới học giả Đại học Havard. (Ảnh: Lê Dương/Vietnam+)

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Mỹ, ngày 18/9, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Văn Ninh và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã có ngày làm việc với nhóm học giả hàng đầu của Đại học Havard ở thành phố Boston, bang Massachussetts.

Tham dự buổi trao đổi và tọa đàm với Phó Thủ tướng có các giáo sư nổi tiếng của Đại học Havard như ông David Dapice, David King và tiến sỹ Vũ Xuân Thành. Ngoài ra còn có các thành viên của đoàn là lãnh đạo, đại diện các bộ Ngoại giao, Tài chính, Công Thương và Văn phòng Chính phủ.

Tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng và các học giả Đại học Havard đã trao đổi về tình hình chính trị hiện nay của Mỹ, đánh giá chiến lược tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, so sánh thành tựu kinh tế và những khác biệt giữa các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và những bài học rút ra cho kinh tế Việt Nam.

Đánh giá về tác động của bối cảnh chính trị nội bộ Mỹ hiện tại đối với tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), giáo sư David King cho rằng hiện ít có khả năng Quốc hội Mỹ sớm thông qua luật trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Barack Obama để ký TPP.

Cũng theo vị giáo sư này, để thúc đẩy TPP, Việt Nam và các nước tham gia đàm phán cần đặc biệt quan tâm đến dư luận Mỹ và tăng cường hợp tác với các nhóm có chung lợi ích tại Mỹ để cùng vận động thúc đẩy hoàn tất hiệp định này.

Các học giả cũng đưa ra những đánh giá và khuyến nghị với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về chiến lược tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, trong đó khuyến nghị Việt Nam thay đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào đầu tư và tín dụng ngân hàng sang dựa vào đổi mới và cách tân.

Các học giả cũng nhấn mạnh đến nhu cầu bức thiết phải cải cách thể chế kinh tế với trọng tâm là cải cách doanh nghiệp nhà nước, chính sách đầu tư công và khu vực ngân hàng.

Buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam với các học giả Mỹ được đánh giá là rất cởi mở và thẳng thắn, với mục tiêu đưa ra các khuyến nghị cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.

Nhìn chung, các học giả đều đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, cũng như sự hội nhập toàn cầu của kinh tế Việt Nam trong những năm qua, đồng thời kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong những năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục