“Doanh nghiệp đã tận dụng tốt các lợi thế mà hiệp định CPTPP mang lại”

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, tăng trưởng thương mại của Việt Nam vào các nước như Canada, Peru, Mexico khi tham gia hiệp định CPTPP đã đạt được mức tăng rất cao.

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bộ Công Thương họp báo thường kỳ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kể từ khi đưa vào thực thi 3 hiệp định gồm hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh (UKVFTA) và hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các hiệp định khác trong khuôn khổ Asean đã thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường là đối tác quan trọng của Việt Nam.

Thông tin trên được bà Phạm Quỳnh Mai, phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên cho biết tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 19/6, tại Hà Nội.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên được thực thi của thế kỷ 21. Hiệp định CPTPP gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, được ký kết và có hiệu lực trong năm 2018.

Chia sẻ thêm, bà Mai thông tin, hiệp định CPTPP có 3 thị trường mới mà Việt Nam chưa ký FTA trước đó, gồm: Canada, Peru, Mexico. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, tăng trưởng thương mại của Việt Nam vào các nước thành viên mới của CPTPP đạt được tăng trưởng cao.

Mặc dù, một số thành viên khác có xuất khẩu giảm nhưng việc giảm là do khó khăn chung của kinh tế thế giới, do giảm tổng cầu, giá cả hàng hóa gia tăng, lạm phát ở nhiều nước khiến nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nước giảm.

“Dù vậy, tỷ lệ áp dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để thực thị hiệp định CPTPP đối với một số mặt hàng vẫn gia tăng rất cao. Đơn cử, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác tăng hơn 100%, điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các lợi thế mà hiệp định CPTPP mang lại,” bà Mai cho hay.

Dẫn chứng từ một số khảo sát của Liên hiệp Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tỷ lệ tận dụng ưu đãi của một số hiệp định FTA khác mà Việt Nam đã ký còn chưa cao, bà Mai cho rằng việc này là do một số thị trường thuế đã giảm về khá thấp nên cũng không tận dụng được nhiều C/O ưu đãi, tuy nhiên dư địa vẫn còn và doanh nghiệp cần phải nắm vững hơn các thông tin về mức thuế suất có thể hưởng lợi từ các FTA để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các thị trường này.

Nhấn mạnh điểm quan trọng khi thực thi hiệp định CPTPP, theo bà Mai, đây là hiệp định tự do thế hệ mới, bao gồm các cam kết ở các lĩnh vực mà Việt Nam chưa cam kết bao giờ, như: mua sắm Chính phủ, cam kết trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại phát triển bền vững… thì sau khi thực thi hiệp định CPTPP, với sự chủ trì của Bộ Công Thương và thông qua phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng đã đôn đốc các bộ ngành xây dựng nhiều văn bản pháp luật để thực thi CPTPP.

Bà Mai cho hay, đến nay, các bộ, ngành đã ban hành hơn 20 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các cam kết của hiệp định này và cũng được các thành viên đánh giá cao trong việc Việt Nam rất nghiêm túc thực hiện các cam kết của CPTPP.

"Trong quá trình thực thi CPTPP, Bộ Công Thương đang phối hợp với các thành viên hiệp định này có thể tiến hành rà soát những điều chưa được trong hiệp định và khả năng nâng cấp hiệp định này lên, đơn cử như cam kết để có lợi cho hàng hóa của Việt Nam và trong việc cam kết phát triển bền vững, đã phối hợp với các hiệp hội, cơ quan liên quan để phổ biến tới các doanh nghiệp, bởi xu thế là tiêu dùng Xanh, sản xuất sạch, để khi xuất khẩu sang các nước phát triển, có thể đáp ứng được yêu cầu của các thị trường đó," bà Mai nói.

Unknown.jpeg
Đại diện Vụ chính sách Thương mại Đa biên nói về hiệp định CPTPP. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết CPTPP là hiệp định thế hệ mới, mức độ mở cửa cao nhất và mới nhất, vì vậy, hiệp định có sức hút mạnh mẽ và nhiều nước đang tiếp tục xin tham gia vào CPTPP.

Tuy vậy, ông Tân cũng lưu ý, việc tận dụng được các lợi thế trong hiệp định phải xuất phát từ các chủ thể, gồm Nhà nước (trong đó Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành khác chịu trách nhiệm công tác tuyên truyền); tiếp đến là trách nhiệm của các địa phương, từng vùng miền sẽ có cơ hội riêng và cần nắm bắt để khai thác các lợi thế đó.

“Việc phối hợp bây giờ không phải giữa quốc gia với quốc gia nữa mà có thể từng vùng, từng địa phương hoặc ở các nước có thể từng bang và hiện nay mối quan hệ như vậy càng ngày càng tích cực hơn, nhưng cuối cùng vẫn ở doanh nghiệp và đặc biệt vị trí vai trò của hiệp hội cần được nâng lên để kết hợp cùng doanh nghiệp có thể tận dụng CPTPP để tiếp tục vươn ra thị trường quốc tế,” Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục