Tận dụng hơn nữa các ưu đãi từ CPTPP để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào Canada

Ước tính khoảng 4 tỷ USD hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Canada không khai thác được lợi ích từ CPTPP, nghĩa là hàng hóa Việt Nam đang bị đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường này.

Sản phẩm của Công ty Ống thép Hòa Phát đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu vào thị trường Canada. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Sản phẩm của Công ty Ống thép Hòa Phát đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu vào thị trường Canada. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra cơ hội lớn để Việt Nam-Canada thúc đẩy trao đổi thương mại.

Tuy nhiên, mức độ tận dụng các ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Canada vẫn còn rất hạn chế, chưa phát huy hết giá trị mà hiệp định này mang lại.

Đây là thông tin được bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada chia sẻ tại Hội thảo CPTPP - Đối thoại với Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh do Tổng Lãnh sự quán Canada tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 28/3.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, nếu như vào năm 2013 giá trị thương mại Việt Nam-Canada mới chỉ đạt 2,5 tỷ USD thì đến nay con số này đã đạt mức 10 tỷ USD. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Canada đạt trên 9 tỷ USD.

Tuy nhiên, đáng chú ý là trong số này mới chỉ có 18% sử dụng C/O CPTPP, còn lại hơn 80% vẫn sử dụng C/O MFN (cơ chế thuế tối huệ quốc) và GPT (chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập), trong khi tới tháng 12/2024, cơ chế ưu đãi cho GPT sẽ không còn hiệu lực.

Bà Trần Thu Quỳnh ước tính có khoảng 4 tỷ USD hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Canada không khai thác được lợi ích từ Hiệp định CPTPP. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam đang bị đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường này.

Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới việc khai thác ưu đãi Hiệp định CPTPP và đáp ứng các quy tắc xuất xứ để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam tại Canada. Qua đó, gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường này.

Bà Mary Ng, Bộ trưởng Phát triển kinh tế, thương mại và xúc tiến xuất khẩu Canada cho biết kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, thương mại hai chiều Việt Nam và Canada đã tăng trưởng 170%, đưa quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước trở thành “ngôi sao sáng” trong khối CPTPP.

Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả 2 nước và cần được tiếp tục được phát huy trong thời gian tới để đạt hiệu quả tốt hơn.

ca tra.jpg
Chế biến sản phẩm cá tra philê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Trần Hân. Đây là một trong những mặt hàng được thị trường Canada ưa chuộng. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)

Theo bà Mary Ng, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại khu vực ASEAN và Canada mong muốn nhân rộng mô hình hợp tác thành công này ra cả khu vực.

Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh và có quy mô ngày càng lớn. Việt Nam sẽ là cánh cửa quan trọng để Canada mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực ASEAN và cả châu Á.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Hiệp định CPTPP mang đến cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và Canada do cơ cấu nền kinh tế hai nước có tính bổ trợ lẫn nhau.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn kinh tế năng động của khu vực phía Nam và là cửa ngõ giao thương với các nước.

Trong những năm qua, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh luôn hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi thương mại với phương châm cộng đồng doanh nghiệp và Cục Hải quan Thành phố là đối tác tin cậy, là bạn đồng hành.

Đơn vị đã thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Ông Nghiệp mong muốn thời gian tới, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và Cơ quan biên mậu Canada sẽ có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi, giải đáp các vướng mắc tạo thêm niềm tin, sự yên tâm cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có nhiều biến động như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục