Doanh nghiệp Israel muốn đưa công nghệ mới chữa ung thư vào Việt Nam

Thiết bị ProSense sử dụng khí nitơ hóa lỏng ở nhiệt độ cực thấp đưa vào cơ thể của bệnh nhân để tiêu diệt khối u, đặc biệt phát huy hiệu quả trong điều trị cho các bệnh nhân ung thư vú.
Doanh nghiệp Israel muốn đưa công nghệ mới chữa ung thư vào Việt Nam ảnh 1Nhân viên của IceCure mô phỏng quá trình khí nitơ hóa lỏng làm lạnh thiết bị đầu dò để tiêu diệt tế bào ung thư. (Ảnh: Vũ Hội/Vietnam+)

Hãng thiết bị y tế IceCure của Israel đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận sản phẩm ProSense là sản phẩm đột phá trong điều trị ung thư.

ProSense áp dụng phương pháp áp lạnh để tiêu diệt khối u một cách an toàn, nhanh chóng và không gây đau đớn cho bệnh nhân.

IceCure Medical là một công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ điều trị ung thư được thành lập vào năm 2006, đặt trụ sở tại thành phố Caesarea, miền Bắc Israel. Sản phẩm chủ lực của hãng là ProSense - một thiết bị được chế tạo dựa trên phương pháp nhiệt động, hay còn gọi là phương pháp áp lạnh trong điều trị y tế.

Doanh nghiệp Israel muốn đưa công nghệ mới chữa ung thư vào Việt Nam ảnh 2Chiết xuất khí nitơ vào bình. (Ảnh: Vũ Hội/Vietnam+)

Thiết bị ProSense sử dụng khí nitơ hóa lỏng ở nhiệt độ cực thấp đưa vào cơ thể của bệnh nhân để tiêu diệt khối u. Đặc biệt, ProSense phát huy hiệu quả trong điều trị khối u của các bệnh nhân ung thư vú mà giảm thiểu việc can thiệp vào cơ thể của bệnh nhân.

Sau một số năm phát triển, công nghệ này dần dần được áp dụng cho các khối u khác như thận, phổi, xương và gan, kể cả các khối u ác tính và di căn.

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có thêm khoảng 19 triệu ca mắc ung thư, trong đó số ca tử vong chiếm hơn một nửa, gần 10 triệu ca. Năm loại ung thư phổ biến bao gồm ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư dạ dày.

Tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận khoảng 165.000 ca ung thư mới, là nước có tỷ lệ tử vong ở người mắc ung thư cao hàng đầu châu Á - khoảng 115.000 ca tử vong/năm.

Doanh nghiệp Israel muốn đưa công nghệ mới chữa ung thư vào Việt Nam ảnh 3Toàn bộ quá trình làm lạnh được kiểm soát bằng hình ảnh siêu âm. (Ảnh: Vũ Hội/Vietnam+)

Phương pháp áp lạnh đã được thế giới sử dụng từ lâu, nhưng một trong những nhược điểm của nó là khó áp dụng lên các mô sinh học một cách chính xác, do các khối u nằm sâu và ở các vị trí nhạy cảm trong cơ thể của người bệnh. Vì vậy, kể từ những năm 1970, các bác sỹ đã hạn chế sử dụng phương pháp điều trị này.

Tuy nhiên, công nghệ Prosense sử dụng cách thức áp lạnh mới bằng khí nitơ hóa lỏng, giúp kiểm soát quá trình tăng-giảm nhiệt độ một cách nhanh chóng và chính xác.

Các bác sỹ sử dụng một mũi kim nối với bình khí nitơ chọc vào giữa khối u, sau đó bơm khí nitơ hóa lỏng để tạo thành một viên đá ở phần mũi kim, có nhiệt độ xuống tới âm 170 độ C. Với nhiệt độ thấp như vậy, không một tế bào nào có thể sống sót. Quá trình tăng-giảm nhiệt độ được lặp lại cho đến khi tất cả các tế bào ung thư bị phá hủy, tan vào cơ thể và được đào thải qua quá trình sinh học thông thường.

[Sản phẩm công nghệ mới mang lại hy vọng cho các bệnh nhân ung thư vú]

Bà Tlalit Bussi Tel-Tzure, Phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh và marketing toàn cầu của IceCure, cho biết quá trình trên được thực hiện thông qua một thiết bị siêu âm đầu dò để định vị chính xác vị trí của khối u. Bác sỹ chỉ sử dụng một thiết bị đầu dò, thay vì phải đưa nhiều thiết bị cùng lúc như phương pháp áp lạnh thông thường; thao tác nhanh và dễ dàng hơn.

Toàn bộ quá trình can thiệp được theo dõi chặt chẽ để kích cỡ viên đá không ảnh hưởng tới các tế bào khỏe mạnh hay mạch máu trong cơ thể. Bệnh nhân không cảm thấy đau, thậm chí không cần phải gây mê.

Đặc biệt, với ung thư vú, công nghệ này rất phát huy hiệu quả về tính thẩm mĩ nhờ can thiệp không xâm lấn.

“Quá trình này chỉ mất 20 đến 40 phút tùy thuộc vào kích cỡ và vị trí của khối u. Bệnh nhân có thể về nhà; không đau đớn, không để lại sẹo, không cần phải chăm sóc tại bệnh viện; ngực vẫn giữ được sự thẩm mỹ và bệnh nhân có thể hồi phục các vận động bình thường một cách nhanh chóng," bà Tel-Tzure nói.

Một ưu điểm nữa của ProSense là quá trình điều trị diễn ra nhanh chóng sẽ giúp cho bệnh viện và bệnh nhân giảm được các chi phí về giường bệnh, gây mê, chăm sóc hậu phẫu...

Doanh nghiệp Israel muốn đưa công nghệ mới chữa ung thư vào Việt Nam ảnh 4Nhân viên của IceCure mô phỏng quá trình khí nitơ hóa lỏng làm lạnh thiết bị đầu dò để tiêu diệt tế bào ung thư. (Ảnh: Vũ Hội/Vietnam+)

Với phương pháp áp lạnh thông thường, các bệnh viện phải dành riêng một phòng để kiểm soát nhiệt độ với nhiều thiết bị hỗ trợ cồng kềnh. Thiết bị của IceCure có kích thước chưa bằng một chiếc tủ lạnh loại nhỏ, có thể di chuyển cơ động đến từng phòng mổ hoặc giữa các bệnh viện.

Đầu tháng 4/2021 vừa qua, ProSense đã được Chương trình Thiết bị Đột phá của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp chứng nhận và đề xuất áp dụng với các bệnh nhân ung thư vú xâm lấn giai đoạn T1 hoặc những bệnh nhân không phù hợp để áp dụng biện pháp phẫu thuật.

Giám đốc Điều hành của IceCure, Eyal Shamir hy vọng ProSense giúp giảm thiểu sự can thiệp vào cơ thể người bệnh trong quá trình tiêu diệt khối u, hứa hẹn là một sản phẩm tiêu biểu cho phương pháp áp lạnh trong điều trị ung thư.

IceCure đang xin cấp chứng nhận sử dụng ở nhiều quốc gia và chứng nhận chữa trị đối với các loại bệnh ung thứ mới, từ đó đẩy nhanh quá trình thương mại hóa. Hiện sản phẩm ProSense đã có mặt tại nhiều nước ở châu Âu, châu Á, Nam Mỹ. Năm 2020, bất chấp đại dịch COVID-19, doanh số bán của IceCure tăng 2,4% nhờ vào việc phát triển các thị trường mới, đặc biệt là Nhật Bản, Singapore, Thái Lan.

Tại Việt Nam, IceCure cũng đang xúc tiến tìm đối tác phù hợp để xin giấy phép và đưa sản phẩm ra thị trường.

Bà Tlalit Bussi Tel-Tzure cho biết: “Chúng tôi đang có chiến lược phân phối toàn cầu và đang tìm kiếm đối tác phân phối địa phương. Chúng tôi rất vui nếu tìm kiếm được đối tác phù hợp tại Việt Nam để thâm nhập thị trường này và đưa sản phẩm vào thị trường sớm nhất có thể. Tôi hy vọng sản phẩm sẽ có mặt sớm tại thị trường Việt Nam”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục