“Cùng nhau, mọi hành động của chúng ta đều quan trọng” (Together, all our actions matter) là chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4/2 năm nay nhằm khẳng định sức mạnh của sự hợp tác và hành động tập thể trong cuộc chiến chống ung thư, vốn được coi là "căn bệnh tử thần" khi cứ mỗi phút lại cướp đi sinh mạng của 17 người.
Đây cũng là năm thứ ba thực hiện chiến dịch mang tên “Tôi đang và tôi sẽ hành động” (I am and I will), một chiến dịch dài hơi được xây dựng để truyền cảm hứng cho sự thay đổi và kêu gọi mọi cá nhân, tổ chức cũng như chính phủ trên toàn cầu cùng nhau hành động với mục tiêu hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, khỏe mạnh hơn, tương lai không có bệnh ung thư.
Mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 9,6 triệu người chết vì bệnh ung thư. Dù đây là bệnh không lây nhiễm song lại là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai thế giới hiện nay.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, bệnh nhân ung thư trở thành một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất cần được bảo vệ.
Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy cứ 6 trường hợp tử vong trên thế giới có 1 người chết vì ung thư.
Ung thư phổi, vú, đại trực tràng, tuyến tiền liệt, dạ dày, cổ tử cung là các loại ung thư phổ biến nhất hiện nay, nhưng ung thư gây tử vong cao nhất là phổi với khoảng 1,76 triệu người chết mỗi năm, đứng thứ hai là ung thư đại trực tràng (862.000 ca tử vong/năm), tiếp theo là ung thư dạ dày (783.000 ca tử vong/năm)...
Việc sử dụng thuốc lá được cho là nhân tố nguy hiểm nhất gây ung thư, đồng thời là “thủ phạm” gây ra khoảng 22% số ca tử vong vì căn bệnh này.
Ung thư trước đây thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng thời gian gần đây, căn bệnh quái ác này đang có xu hướng “trẻ hóa” khi trở thành một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Không giống như ung thư ở người trưởng thành, phần lớn các bệnh ung thư ở trẻ em không có nguyên nhân rõ ràng.
Ước tính, khoảng 300.000 trẻ em và thiếu niên ở độ tuổi 0-19 mắc ung thư mỗi năm, trong đó chủ yếu là ung thư máu, u não ác tính…
Tại các nước thu nhập cao, hơn 80% trẻ em mắc ung thư được chữa khỏi bệnh, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp và trung bình chỉ bằng 1/4 do hệ thống y tế còn lạc hậu, chưa đủ khả năng để chẩn đoán chính xác hay bệnh nhân không đủ điều kiện để tiếp cận các loại thuốc, công nghệ thiết yếu, cũng như liệu pháp điều trị.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, các bệnh nhân ung thư phải đối mặt với nguy cơ bị trì hoãn điều trị, thậm chí lùi lịch phẫu thuật khi các nước đang dồn lực ứng phó với virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Canada chỉ ra rằng nguy cơ tử vong tăng từ 6%-8% đối với những bệnh nhân ung thư bị hoãn phẫu thuật trong 4 tuần.
Việc trì hoãn một số quy trình điều trị khác còn gây ảnh hưởng lớn hơn, ví dụ như việc lùi lịch xạ trị ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng trong cùng thời gian trên có thể khiến nguy cơ tử vong tăng thêm 13%.
Các nhà khoa học ước tính việc lùi lịch phẫu thuật trong 12 tuần đối với các bệnh nhân ung thư vú sẽ làm gia tăng số ca tử vong tại Mỹ là 6.100 ca, tại Anh là 1.400 ca, tại Canada là 700 ca và Australia là 500 ca.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư thuộc diện những người có bệnh nền từ trước, đối tượng dễ bị tổn thương trong bối cảnh xảy ra một đại dịch bệnh khác.
[EU dành 4 tỷ euro cho kế hoạch phòng chống bệnh ung thư]
Nếu bị COVID-19 “tấn công,” nhóm người này cũng có nguy cơ tử vong cao hơn.
Chuyên gia về bệnh ung thư - Giáo sư Justin Stebbing thuộc Đại học Hoàng gia London nhấn mạnh cần phải bảo đảm cân bằng trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 và những bệnh nhân ung thư.
Các chuyên gia cho rằng nếu không hành động kịp thời, số người chết vì ung thư trên toàn cầu mỗi năm sẽ tăng lên 13 triệu người chỉ sau 1 thập niên nữa.
WHO chỉ rõ có thể ngăn ngừa được khoảng 30%-50% ca tử vong vì ung thư bằng cách thay đổi hoặc tránh những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh, đồng thời thực hiện những chiến lược phòng ngừa phù hợp bên cạnh việc phát hiện và điều trị sớm.
Qua đó giảm bớt gánh nặng về tài chính và căng thẳng cho người bệnh, giúp tiết kiệm chi phí cho căn bệnh này ước tính lên tới 1.160 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu.
Một trong những chiến lược mà WHO triển khai là loại bỏ ung thư cổ tử cung, được mệnh danh là “sát thủ” hàng đầu đối với phụ nữ - căn bệnh ung thư duy nhất có thể phòng ngừa được bằng vắcxin và cũng là bệnh ung thư duy nhất có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, các nước trên thế giới phải đảm bảo ít nhất 90% các bé gái được tiêm đầy đủ vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung trước 15 tuổi, nhằm cứu sống hàng triệu người vào năm 2050.
Còn ở trẻ em, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số bệnh nhiễm trùng mãn tính do virus hay vi khuẩn gây ra là yếu tố gây ung thư ở trẻ em hoặc có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khi trưởng thành.
Ví dụ như virus HPV có thể gây ung thư cổ tử cung, viêm gan B và C có thể gây ung thư gan hay vi khuẩn HP có thể gây ung thư dạ dày.
Ước tính, việc tiêm vắcxin ngừa virus HPV và viêm gan B có thể giúp phòng ngừa 1 triệu ca ung thư mới mỗi năm.
Trong suốt 2 thập niên qua kể từ khi WHO cùng Hiệp hội Phòng chống ung thư quốc tế (UICC) lấy ngày 4/2 hằng năm là Ngày Thế giới phòng chống ung thư, cộng đồng quốc tế đã đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến đẩy lùi căn bệnh quái ác này.
Trong đó phải kể đến việc phát triển và lưu hành vắcxin ngừa virus HPV vào năm 2006, hay các nước thành viên WHO lần đầu tiên đạt đồng thuận về việc ngăn chặn sử dụng đồ uống có cồn gây hại cho sức khỏe vào năm 2010, sau đó là những bước tiến trong việc hạn chế thuốc lá vào năm 2013, như cấm hút thuốc lá, cảnh báo bằng hình ảnh trên bao bì thuốc và các biện pháp kiểm soát hiệu quả khác…
Nhưng thực tế cho thấy khoảng 70% số trường hợp tử vong vì ung thư vẫn xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình - hệ lụy của tình trạng bất bình đẳng mà ông Ren Minghui, Trợ lý Tổng giám đốc WHO, cho là không thể chấp nhận được giữa các chương trình chống ung thư tại những nước giàu và nghèo.
Việc điều trị ung thư tốt hơn ở những nước thu nhập cao đã giúp tỷ lệ tử vong giảm 20% từ năm 2000 đến năm 2015, trong khi ở các nước thu nhập thấp và trung bình, con số này chỉ là 5%.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dường như những nỗ lực trong cuộc chiến chống ung thư của toàn cầu trong 2 thập niên qua có nguy cơ bị đảo ngược, trong khi tình trạng chênh lệch giữa nước giàu và nước nghèo ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi các quốc gia thu nhập thấp và trung bình phải tập trung nguồn lực hạn chế để chống lại COVID-19.
Do đó, nếu muốn giải quyết gánh nặng bệnh tật kép, chung tay hành động ở cấp độ toàn cầu là giải pháp trong cuộc chiến chống bệnh ung thư, như lời Giáo sư Sanchia Aranda, cựu Chủ tịch UICC: “các bên liên quan ở tất cả các lĩnh vực cần phải hợp tác cùng nhau nhằm bảo đảm những cam kết toàn cầu được biến thành hành động quốc gia có tác động mạnh mẽ, đặc biệt là ở những nước thu nhập thấp và trung bình, nơi mà gánh nặng ung thư đang gia tăng nhanh nhất.”./.