Thừa nhận nhiều kết quả trao đổi giữa doanh nghiệp và ngành hải quan chưa được phản hồi kịp thời, đẩy đủ, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đang xây dựng cơ chế phối hợp để thực hiện công tác tham vấn một cách bài bản từ năm 2015.
Nhận định trong "Hội thảo tham vấn hải quan-doanh nghiệp" vừa tổ chức sáng nay (1/12), ông Kim Long Biên, Phó trưởng Ban cải cách và hiện đại hoá hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, công tác tham vấn vốn là việc thu thập, tìm hiểu ý kiến, giải pháp cho các vấn đề mà các bên cùng quan tâm thực tế tới nay chỉ được thực hiện khá khiêm tốn.
Theo ông, công tác này đã được cơ quan hải quan tổ chức nhưng thường dưới hình thức lấy ý kiến xây dựng văn bản thông qua các hội nghị, hội thảo, đối thoại...
Cách thức tổ chức này được ông Biên đánh giá là dành quá ít thời gian để đi sâu thảo luận, xem xét giải pháp tối ưu. Trong khi ấy, công tác tham vấn thực chất đòi hỏi phải mang tính chuyên sâu và tìm ra giải pháp phù hợp để tạo sự đồng thuận.
Đặc biệt, cũng với hình thức hiện tại, đại diện Tổng cục Hải quan thừa nhận, kết quả tham vấn thường chưa được phản hồi một cách kịp thời và đầy đủ cho các bên liên quan.
"Doanh nghiệp thường không rõ các góp ý của mình được cơ quan hải quan tiếp thu như thế nào và không tiếp thu thì lý do vì sao," ông Biên nói.
Điều này theo ông đã phần nào hạn chế sự đóng góp, xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp vào những vấn đề hải quan và khiến chất lượng tham vấn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Ông Biên cũng thẳng thắn, sự kết nối giữa cơ quan hải quan, doanh nghiệp và các bên liên quan trong hoạt động tham vấn chưa được hình thành một cách bài bản. Các bên chưa có đầu mối liên lạc cho hoạt động này, nên khi có việc, các đơn vị thường mất nhhiều thời gian trong việc kết nối.
Từ đó, Phó trưởng Ban Cải cách và hiện đại hoá hải quan khẳng định, một trong những giải pháp quan trọng thời gian tới là thiết lập cơ chế tham vấn rõ ràng, đưa công tác tham vấn trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan hải quan các cấp.
Trao đổi rõ hơn về cơ chế này, ông Hoàng Đình Trung, đại diện Ban Cải cách và hiện đại hoá hải quan (Tổng cục Hải quan) cho hay, ngành hải quan đã xây dựng hướng dẫn tham vấn dựa trên chuẩn mực quốc tế với sự giúp đỡ của Tổ chức hải quan thế giới. Văn bản hướng dẫn này đã cơ bản hoàn thiện và sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong thời gian tới.
Trong dự thảo cơ chế trên, ông Trung cũng cho biết, ngành hải quan đã quy định cụ thể thời gian xử lý yêu cầu của doanh nghiệp với các đơn vị trong ngành. Cụ thể, chậm nhất trong 2 ngày làm việc, bên tiếp nhận yêu cầu tham vấn sẽ phải liên hệ, trao đổi làm rõ thông tin để từ đó ra quyết định tổ chức tham vấn ra sao.
Bổ sung thêm, ông Kim Long Biên đánh giá, để việc tham vấn hiệu quả, cơ quan hải quan và doanh nghiệp cần có đầu mối liên lạc và công bố công khai địa chỉ mỗi bên.
Đặc biệt, theo ông, định kỳ hàng năm, các bên liên quan cần xây dựng kế hoạch tham vấn và nội dung tham vấn. Việc tổ chức sau đó có thể theo kế hoạch thống nhất và linh hoạt tuỳ nhu cầu thực tế.
Về kế hoạch, ông Kim Long Biên, cho biết, ngay trong tháng Mười Hai năm nay, ngành hải quan dự định sẽ tổ chức tham vấn mẫu ở 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Cũng theo ông, trong năm 2015, phía hải quan sẽ tập trung thực hiện tham vấn với một số hiệp hội như Hiệp hội Dệt May Việt Nam. Hai bên sẽ lựa chọn một số vấn đề trọng tâm để thực hiện tham vấn một cách có bài bản như thảo luận, lựa chọn giải pháp, phản biện, tiếp thu, phản hồi. Trên cơ sở kết quả tham vấn trên, Tổng cục Hải quan sẽ chỉ đạo toàn ngành tập trung giải quyết cho doanh nghiệp dệt may và từ đó để đánh giá, nhân rộng ra các hiệp hội doanh nghiệp khác./.