Doanh nghiệp Nga đánh giá cao tiềm năng thương mại-đầu tư với Việt Nam

Các doanh nghiệp Nga đánh giá cao về tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam trên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến-chế tạo, nông sản, thực phẩm, may mặc...
Radar chuyển động bề mặt Alcor (SMR) của Almaz-Antey cung cấp dữ liệu cho các hệ thống giám sát và điều khiển giao thông trên không và mặt đất trong khu vực sân bay. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện Liên bang Nga đang có nhu cầu thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam và Nga hợp tác đầu tư và thâm nhập thị trường hai nước trong nhiều lĩnh vực, như công nghệ cao, công nghiệp chế biến-chế tạo, nông sản, thực phẩm, may mặc, giày dép...

Dư địa hợp tác rất lớn

Theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga, các doanh nghiệp của Nga rất quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam. Minh chứng là các công ty Nga tham dự các hội chợ triển lãm tại Việt Nam và tìm kiếm cơ hội kinh doanh xuất-nhập khẩu ngày càng tăng.

“Vừa qua, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga đã kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sớm phối hợp với Liên bang Nga tổ chức họp liên Chính phủ, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán, vận tải hàng hóa, di chuyển của các thương nhân,” ông Dương Hoàng Minh cho biết.

[Đại sứ Nga: Việt Nam đã đạt được những bước tiến ấn tượng]

Ông Minh cho hay Cục Xúc tiến Thương mại, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công thương đang phối hợp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với Công ty Leroy Merlin East chuyên về bán lẻ vật liệu xây dựng, đồ nội thất, ngoại thất tại Liên bang Nga (công ty con của Tập đoàn Leroy Merlin) để đưa hàng vào chuỗi siêu thị bán lẻ Leroy Merlin tại Nga.

“Tập đoàn này sẽ cử đoàn công tác sang làm việc trực tiếp với các đối tác Việt Nam giới thiệu được khoảng 10-15 nhà cung cấp tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, điện, điện tử, tiêu dùng, đồ nội thất, ngoại thất, vật liệu xây dựng... thâm nhập thị trường và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Nga,” ông Minh nhấn mạnh.

Hơn 70 doanh nghiệp Nga tham dự và giới thiệu gian hàng tại Diễn đàn "Công nghiệp đối thoại doanh nghiệp Nga-Việt" tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2022, Liên bang Nga có hơn 160 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng mức đầu tư là gần 1 tỷ  USD và đứng thứ 27 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam đã đầu tư 5 dự án sang Liên bang Nga với tổng mức đầu tư trên 500 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp và chế biến-chế tạo.

Trước đó, Tập đoàn Novatek, nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận để phát triển một dự án sản xuất năng lượng LNG (khí tự nhiên hóa lỏng trọng tải thấp) tích hợp tại Việt Nam.

[Nga bãi bỏ biện pháp kinh tế đặc biệt áp đặt với một số ngân hàng]

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn dầu khí lớn hàng đầu của Nga như Gazprom và Rosneft cũng thông tin dự kiến sẽ tham gia vào nhiều dự án mới ở thềm lục địa của Việt Nam vào năm 2030.

Đặc biệt, hiện tại Almaz-Antey là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nga trong lĩnh vực thiết kế thiết bị radar và các hệ thống điều khiển tự động đa mục đích đang coi Việt Nam là thị trường tiềm năng để hợp tác đầu tư, phát triển thương mại 2 chiều.

Almaz-Antey đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng để hợp tác đầu tư, phát triển thương mại 2 chiều. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiềm năng phát triển ngành công nghệ cao

Ông Alexander Ponomarenko, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc phụ trách Kinh tế nước ngoài của Tập đoàn Almaz-Antey, cho biết mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam về phát triển và sản xuất các thiết bị dân dụng đặc biệt dành cho kiểm soát không lưu (hệ thống ATC) và thiết bị hỗ trợ khí tượng.

“Việt Nam là thị trường tiềm năng để hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Về lĩnh vực thiết kế thiết bị radar và các hệ thống điều khiển tự động đa mục đích, Almaz-Antey sẵn sàng phát triển thương mại song phương bằng các hình thức linh hoạt phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay bên cạnh các hướng hợp tác truyền thống,” ông Ponomarenko chia sẻ.

Ông Alexander Ponomarenko cho biết thêm nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ Liên bang Nga và qua Diễn đàn "Công nghiệp đối thoại doanh nghiệp Nga-Việt,"Almaz-Antey đã làm việc với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Qua các buổi gặp, Almaz-Antey ghi nhận sự cởi mở của Việt Nam khi tiếp cận với các sản phẩm của công ty.

"Hy vọng sớm được hợp tác với phía Việt Nam," ông Ponomarenko nói và bày tỏ mong muốn được tham gia vào dự án sân bay Long Thành về triển khai hệ thống radar kiểm soát không lưu, radar dẫn đường, radar cất hạ cánh cho máy bay dân sự của Almaz-Antey.

Ông Alexander Ponomarenko, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc phụ trách Kinh tế nước ngoài của Tập đoàn Almaz-Antey. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Alexander Ponomarenko, thời gian gần đây, việc thiếu kiểm soát những thiết bị bay không người lái đã ảnh hưởng lớn đến các chuyến bay dân sự hoặc những địa điểm, trụ sở quan trọng. Do đó, Tập đoàn Almaz đã phát triển những công nghệ đặc biệt để vô hiệu hóa các thiết bị này và bảo đảm an toàn cho những địa điểm dân sự tụ tập đông người hoặc quan trọng.

Bên cạnh việc phát huy lợi thế công nghệ, ông Alexander Ponomarenko khẳng định Tập đoàn Almaz cũng linh hoạt trong việc đầu tư tại thị trường Việt Nam bằng việc có thể góp vốn để sản xuất không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam, mà đủ khả năng để xuất ra thị trường thế giới.

“Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan Nhà nước Việt Nam, vì vậy sẽ có sự đảm bảo cho các khoản đầu tư,” ông Alexander Ponomarenko nhấn mạnh.

Trung tuần tháng Hai vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Andrey Yatskin, Chủ tịch Nhóm Hợp tác với Quốc hội Việt Nam của Hội đồng Liên bang Nga với Việt Nam tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Liên bang Nga là một trong những đối tác ưu tiên, quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và mong muốn hai quốc gia tiếp tục hợp tác thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga khẳng định hai bên cần hợp tác thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước theo hướng thiết thực và hiệu quả, nhất là đối với lĩnh vực như nông, lâm, thủy sản, lương thực.

Bên cạnh đó, hai bên sẽ sớm bàn bạc mở lại đường bay sau đại dịch COVID-19 nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác kinh tế, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và công dân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đây là các lĩnh vực Liên bang Nga có thế mạnh./.

Chiều 17/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Andrey Vladimirovich Yatskin, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Andrey Vladimirovich Yatskin. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Andrey Vladimirovich Yatskin phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quà lưu niệm cho Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Andrey Vladimirovich Yatskin. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Vladimirovich Yatskitrao. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm với Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Vladimirovich Yatski và đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Andrey Vladimirovich Yatskin tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục