Doanh nghiệp sẽ hạ cước vận tải trong tháng Bảy

Theo đại diện các Hiệp hội Vận tải, hiện hầu hết các hãng taxi đều đã giảm giá cước, chỉ còn một số hãng dự kiến tuần này sẽ tiếp tục điều chỉnh, với mức giảm từ 200 tới 1.000 đồng/km.

Trong khi đó, giá cước vận tải hành khách sẽ không có thay đổi gì, còn vận tải hàng hóa thì giảm chậm trong tháng Bảy. Tuy nhiên, từ 1/7 giá điện, nước… đều lên, chi phí sinh hoạt lên, nên các doanh nghiệp lại phải tính toán tăng thêm thu nhập cho lái xe thông qua hình thức hỗ trợ, tăng tỷ lệ ăn chia giữa hãng và lái xe... để bù chi phí xã hội.


Ngay sau khi giá xăng dầu giảm từ 600 đồng/lít vào 19 giờ tối qua (2/7), đại diện các Hiệp hội Vận tải cho rằng, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải giảm giá cước tùy theo từng loại hình vận tải.

Theo đại diện các Hiệp hội Vận tải, hiện hầu hết các hãng taxi đều đã giảm giá cước, chỉ còn một số hãng dự kiến tuần này sẽ tiếp tục điều chỉnh, với mức giảm từ 200 tới 1.000 đồng/km. Trong khi đó, giá cước vận tải hành khách sẽ không có thay đổi gì, còn vận tải hàng hóa thì giảm chậm trong tháng Bảy.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, hai lần tăng giá xăng dầu đợt đầu năm chủ yếu tăng mạnh ở giá xăng và có tác động nhiều đến xe taxi nên các hãng taxi đều tăng giá cước từ 500 tới 1.000 đồng/km.

“Thời gian gần đây khi giá xăng giảm, các hãng taxi đều đồng loạt giảm giá cước với mức giảm từ 200 tới 1.000 đồng/km tùy từng loại xe và hãng taxi,” ông Hùng đánh giá.

Ông Hùng cũng phân tích, từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu liên tục có sự thay đổi (7 lần tăng giảm giá xăng dầu), trong đó có hai lần tăng và 5 lần giảm. Xăng tăng hai lần với tổng cộng là 3.000 đồng/lít, dầu diezel tăng 1.500 đồng/lít; năm lần giảm thì xăng giảm 3.200 đồng/lít, dầu diezel giảm 2.000 đồng/lít.

“Đối với những đơn vị vận tải chưa có sự điều chỉnh giá cước khi giá xăng dầu tăng thì sẽ vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, đơn vị đã tăng giá sẽ bắt buộc có sự hạ giá cước để đảm bảo tính cạnh tranh vận tải,” ông Hùng khẳng định.

Với vận tải hàng hóa, ông Hùng cho rằng, khi tổng giá dầu diezel tăng thêm 1.500 đồng/lít thì các đơn vị vận tải đã thương thảo với khách hàng để có thêm phần bù chi phí giá dầu tăng. Hiệp hội cũng đã chỉ đạo những doanh nghiệp vận tải hàng hóa nào đã tăng giá thì giờ giá dầu giảm thì phải giảm giá cước cho khách hàng.

Theo ông Hùng, sau khi xăng liên tục giảm, giá cước vận tải hàng hóa sẽ giảm chậm chút nhưng bắt buộc giảm ngay trong tháng Bảy. Mức giảm cụ thể như thế nào sẽ do sự thương lượng giữa khách hàng và đơn vị vận tải.

“Nếu không giảm cũng không được, khách hàng họ thấy giá dầu giảm sẽ yêu cầu giảm ngay, hơn nữa để đảm bảo tính cạnh tranh, các doanh nghiệp cũng phải tự tính toán để cân đối,” ông Hùng nhấn mạnh.

Với vận tải hành khách, theo ông Hùng, khi giá xăng dầu tăng phần lớn các doanh nghiệp đều chưa tăng giá cước, giờ mức giảm giá xăng dầu chỉ tác động giảm 1,2% chi phí đầu vào, nếu có giảm giá cước cũng chỉ giảm 0,7%, mức giảm đấy không đủ để giảm giá cước.

“Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp khi nào xăng dầu tăng giảm từ 10% trở lên sẽ tính toán tới việc tăng giảm giá cước. Trong hai lần tăng giá xăng dầu mức tăng chỉ khoảng 5% nên đa phần doanh nghiệp không tăng cước. Đợi khi giá dầu diezel giảm sâu hơn nữa sẽ giảm giá cước,” ông Hùng tính toán.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội cho hay, tuần trước các hãng taxi trên địa bàn hầu hết đều đã giảm giá cước, dự kiến trong tuần này một số hãng chưa giảm sẽ tiếp tục điều chỉnh.

“Với vận tải hành khách phần lớn đều không tăng khi giá dầu tăng nên sẽ không có chuyện giảm. Ngành vận tải khách đang phải "gồng" mình chịu đựng nhiều sức ép khi giá xăng dầu biến động. Giá xăng tăng đã kéo theo giá đầu vào vận tải như lương lái xe, giá dịch vụ bến xe, xử phạt hành chính vi phạm tăng... Ngay khi giá xăng giảm, những đơn vị vận tải đã tăng giá sẽ cần phải có sự tính toán lại chi phí, khấu hao để có sự điều chỉnh hợp lý,” ông Liên cho biết.

Theo ông Liên, thời gian tới Hiệp hội sẽ tính tới phương án không tăng giảm giá cước theo giá xăng dầu nữa mà sẽ xây dựng giá cước theo mặt bằng chung. Theo đó, giá cước chỉ thay đổi khi giá xăng dầu tăng-giảm dưới 10%.

Lý giải cho điều này, ông Liên cho rằng, các đơn vị vận tải vẫn đang hoạt động nhỏ lẻ, quản lý lỏng lẻo nên giá cước không có sự giám sát, kiểm tra khi nhà xe bắt khách dọc đường. Hiện nay, Nhà nước cũng tăng cường công tác quản lý về tuyến cố định qua các văn bản, thông tư yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải hoạt động chuyên sâu hơn nên các doanh nghiệp vận tải sẽ phải xây dựng lại khung giá cước vận tải để doanh nghiệp hoạt động có lãi, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

"Ở nước ngoài, vận tải đường bộ giá cước bao giờ cũng cao hơn đường sắt nhưng ở Việt Nam thì ngược lại nên ngành vận tải không có lãi do chênh lệch khấu hao chi phí quá lớn. Hầu hết, hình thức vận tải bao gồm nhiều thành phần nhưng hoạt động manh mún, phát triển không đồng đều," ông Liên thừa nhận.

Theo tin từ Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội, hiện nay các đơn vị đang tính toán giảm dần dần, trong tuần trước đã có một số hãng giảm và dự kiến tuần này sẽ thêm một số hãng giảm thêm. Đây là vấn đề cạnh tranh nên các hãng đều phải tính.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội này, từ 1/7 giá điện, nước… đều lên, chi phí sinh hoạt lên, nên các doanh nghiệp lại phải tính toán tăng thêm thu nhập cho lái xe thông qua hình thức hỗ trợ, tăng tỷ lệ ăn chia giữa hãng và lái xe... để bù chi phí xã hội.

Ngoài ra, đại diện các Hiệp hội vận tải cũng đồng tình với những chính sách trợ giúp doanh nghiệp vận tải để kìm và hạ giá xăng thông qua quỹ bình ổn giá xăng dầu; điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu xăng dầu phù hợp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục