Doanh nghiệp thu mua cầm chừng, người dân trồng ngô thiệt hại

Doanh nghiệp cam kết thu mua nhưng tiến độ rất cầm chừng, nhiều nông dân không thể chờ đợi, đã chặt bỏ cây bắp, thu hoạch trái để bán, chấp nhận thua lỗ.
Doanh nghiệp thu mua cầm chừng, người dân trồng ngô thiệt hại ảnh 1Vườn bắp sinh khối của anh Thái Hoàng Quốc Tuyển, ngụ thôn Xuân Tân, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa được phía doanh nghiệp thu mua. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Sau khi phóng viên TTXVN có bài phản ánh về tình trạng hàng trăm hộ dân trồng ngô (bắp) trên địa bàn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lấy cây để bán (hay còn gọi là trồng bắp sinh khối) vì bắp đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được doanh nghiệp liên kết thu mua, Công ty cổ phần Nhật Nhật Tân có trụ sở tại thành phố Vũng Tàu đã tiến hành thu mua bắp sinh khối cho nông dân.

Tuy vậy, từ thời điểm doanh nghiệp này thu mua đến nay, tiến độ rất cầm chừng, trong khi hàng chục ha bắp của nông dân đã bắt đầu khô héo. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng bắp vì đã quá thời gian thu hoạch trên 90 ngày.

Trước tình hình này, nhiều nông dân không thể chờ đợi, đã chặt bỏ cây bắp, thu hoạch trái để bán, chấp nhận thua lỗ.

[Gia Lai: Nông dân trồng dưa hấu bị thiệt hại nặng nề do mưa lớn]

Huyện Châu Đức có hơn khoảng 128ha bắp sinh khối của 106 hộ nông dân, tại 4 xã: Sơn Bình, Xuân Sơn, Đá Bạc và Bình Giã trồng theo dự án liên kết với doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Nhật Nhật Tân.

Bà Lê Thị An ở ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình trồng 1ha bắp sinh khối, đây cũng là vụ đầu tiên bà trồng giống bắp này. Đến nay, bắp trong ruộng đã trồng được hơn 3 tháng, tức là trên 90 ngày và quá thời gian mà công ty cam kết khi bà con trồng là từ 87-90 ngày sẽ thu hoạch.

Cây bắp càng ngày càng khô héo, bà phải thuê nhân công chặt bỏ cây, thu hoạch trái bán để kịp mùa vụ sản xuất tiếp theo. Sau tính toán, bà đang lỗ gần 20 triệu đồng chi phí đầu tư và công lao động.

Ông Hoàng Chiến ở ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình có vườn bắp 1,6ha, nếu trồng theo kỹ thuật để thu hoạch trái sẽ cho sản lượng trái đảm bảo từ 10-12 tấn trái/ha, nhưng trồng theo kỹ thuật lấy thân nên sản lượng trái bắp giảm hơn 50%, tức là chỉ khoảng 5 tấn trái/ha. Dù biết thua lỗ nhưng ông Chiến vẫn lựa chọn chặt bỏ cây bắp để thu hoạch trái, vớt vát phần nào chi phí đã đầu tư.

Ông Trần Hữu Liên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, cho biết theo thống kê, từ ngày 18/8 đến nay, doanh nghiệp này chỉ sử dụng 1 máy cắt thu hoạch bắp cho nông dân với công suất chỉ 5-6 sào/ngày, sản lượng chỉ 25-30 tấn.

Với tốc độ này, hơn 1 tháng mới thu hoạch xong toàn bộ diện tích bắp trên địa bàn xã. Điều này dẫn đến thiệt hại cho bà con vì thất thu, cây bắp khô héo sản lượng giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến vụ sản xuất tiếp theo của bà con vì quá thời vụ.

Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Đức, cho biết đối với việc chậm trễ thu hoạch, huyện cũng đã mời doanh nghiệp lên làm việc, trao đổi, thống nhất phương án thu mua, đảm bảo kịp thời, tránh thiệt hại cho bà con trồng bắp sinh khối. Về phía Công ty cổ phần Nhật Nhật Tân cũng đã cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thu mua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục