Ngày 17/10 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (gọi tắt là EVFTA). Phía EU cũng khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này đi vào thực thi trong thời gian sớm nhất.
Điều này được ghi nhận là tin vui cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp của cả 2 phía Việt Nam và EU.
Để có cái nhìn cụ thể hơn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) đã có cuộc trao đổi với VietnamPlus nhằm phân tích và đánh giá những cơ hội và thách thức khi thực thi hiệp định này.
[Việt Nam-EU quyết tâm thúc đẩy, sớm ký kết hiệp định thương mại tự do]
Hầu hết các dòng thuế về 0%
- Cuối tuần qua, Ủy ban châu Âu đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA, vậy dưới góc độ chuyên gia thương mại, ông nhìn nhận như thế nào về thông tin này?
Phó Giáo sư Phạm Tất Thắng: Đây là thông tin rất vui cho nền kinh tế Việt Nam bởi chúng ta cũng đã bỏ rất nhiều công sức đàm phán với EU để có một Hiệp định thương mại tự do với thị trường khó tính, rộng lớn và chứa đựng những hy vọng đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.
Cho đến thời điểm này có thể khẳng định, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực trong tương lai gần sắp tới.
- Vậy đâu là những cơ hội đối với nền kinh tế của Việt Nam, thưa ông?
Phó Giáo sư Phạm Tất Thắng: Trước hết là về thuế, hầu hết sẽ được đưa về mốc 0%, và một điểm đáng chú ý là trong việc thời hạn được áp dụng thì các cơ quan đàm phán còn tính tới một điểm nữa là đặc thù giữa EU và nền kinh tế Việt Nam để đảm bảo sức chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam cho phù hợp với cam kết đó.
Như vậy có thể thấy rất rõ, khi các dòng thuế về 0% thì hàng hóa của Việt Nam có điều kiện để đưa sang thị trường rất khó tính và rộng lớn này, ngược lại Việt Nam cũng có điều kiện để tiếp nhận hàng hóa mang tiêu chuẩn châu Âu về Việt Nam, như vậy nền kinh tế có lợi và người dân cùng có lợi.
- Ông có thể nói cụ thể hơn điểm nổi bật nào có thể giúp doanh nghiệp và người dân kỳ vọng từ Hiệp định này, thưa ông?
Phó Giáo sư Phạm Tất Thắng: Điều thứ nhất là những hàng hóa có chất lượng cao của Việt Nam đảm bảo tiêu chí xuất khẩu và không bị vướng vào những rào cản kỹ thuật của EU thì chúng ta có thể đưa sang thị trường này được ổn định, bài bản và đảm bảo tương lai cho hàng hóa đó có thể tiêu thụ lâu dài ở thị trường này.
Điểm thứ 2 rất kỳ vọng đó là người tiêu dùng Việt Nam có thể mua sắm và sử dụng được hàng hóa có tiêu chuẩn của EU, phải nhấn mạnh là hàng tiêu chuẩn rất cao, đảm bảo an toàn và chất lượng tốt.
Hơn nữa chúng ta có thể tiếp nhận được công nghệ hiện đại của EU và như vậy trong các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp… sẽ có điều kiện làm cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Phía EU cũng cần có sự tiếp nhận về đầu tư và ngược lại Việt Nam cũng đang tiếp nhận ưu tiên tiếp nhận đầu tư từ EU. Bên cạnh đó, ở hiệp định EVFTA còn mở ra khả năng để chúng ta mở rộng phát triển đầu tư trực tiếp giữa 2 bên vào thị trường của nhau.
Cơ hội vàng cho doanh nghiệp
- Cơ hội thấy rõ là việc cắt giảm thuế khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EU được ký kết và thực thi. Vậy theo ông doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng được các cơ hội của hiệp định này?
Phó Giáo sư Phạm Tất Thắng: Doanh nghiệp Việt Nam cần phải thấy đây là cơ hội vàng để chúng ta có điều kiện bước vào kinh doanh tại một thị trường cao cấp. Và như vậy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên cần phải nghiên cứu thị trường này một cách kỹ lưỡng, làm thế nào để có nhiều thông tin về người tiêu dùng, hệ thống phân phối cũng như nhu cầu của họ để từ đó có được sản phẩm phù hợp nhất với thị trường EU.
Tiếp đến, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tận dụng đến mức cao nhất đội ngũ làm Xúc tiến thương mại đã và sẽ có ở tại thị trường EU đặc biệt là đội ngũ Tham tán thương mại và chuyên gia có thể tư vấn cho doanh nghiệp trong việc xác định định hướng để đưa được hàng vào EU.
Có thể thấy, chúng ta không thể vào được thị trường EU nếu chúng ta không đưa được hàng vào hệ thống phân phối có uy tín nằm ở trên thị trường EU, vì vậy cần phải có sự xúc tiến, nghiên cứu để tìm ra được những nhà phân phối phù hợp với từng loại hàng hóa, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là tìm hiểu kỹ lưỡng những quy định về hành rào kỹ thuật trong thương mại, đây là những quy định rất khắt khe, nếu như vướng phải sẽ không còn cơ hội nữa và từ đó có giải pháp để tháo gỡ trong các tình huống cụ thể, giảm thiểu các thiệt hại xuống mức thấp nhất.
- Có ý kiến cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp nhất là thủy sản sẽ chịu tác động của Hiệp định này, vậy theo ông chúng ta nên làm gì để hóa giải thách thức và biến đó thành cơ hội phát triển?
Phó Giáo sư Phạm Tất Thắng: Thủy sản của Việt Nam vẫn đang chịu thẻ vàng của EU do vậy cần có giải pháp để gỡ thẻ vàng, không để vấn đề nặng nề hơn, đấy là việc làm mang tính chất vừa lâu dài nhưng cũng vừa giải quyết vấn đề trước mắt.
Việt Nam có một thế mạnh, có lẽ mà chúng ta phải có một chiến lược tốt hơn để khai thác, đó là khí hậu ở EU rất lạnh, do vậy chỉ cần lệch mùa như vậy thôi nếu chúng ta tổ chức tốt và sản xuất tốt đảm bảo tiêu chuẩn của EU thì riêng hàng rau quả, nông, lâm sản, thực phẩm… được sản xuất ra trong vụ Đông Xuân của Việt Nam có thể cung cấp sang thị trường này đúng vào mùa băng giá.
Theo tôi, nếu phát huy được điều kiện này đã đem lại lợi ích to lớn cho người nông dân và nền kinh tế.
- Xuất khẩu của Việt Nam sang một số nước thuộc EU trong 9 tháng:
- Ông đánh giá thế nào về nguồn vốn FDI để đầu tư vào công nghệ cao thời gian qua? trước cuộc cách mạng 4.0, theo ông Việt Nam cần làm gì để tận dụng được ưu thế của EVFTA ?
Phó Giáo sư Phạm Tất Thắng: Những nhận định về yếu kém trong tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài là hoàn toàn chính xác. Đã có thời gian chúng ta tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài bằng bất cứ giá nào, chúng ta không đánh giá kỹ tác động môi trường và đặc biệt chúng ta chưa tạo ra được sự liên kết, liên thông và tạo được ra hệ thống sự liên kết giữa các doanh nghiệp nội-ngoại và như vậy các dòng vốn FDI khi vào Việt Nam hoạt động một cách độc lập và tính lan tỏa rất kém.
Nếu như tiếp tục làm theo cách đó thì hiệu quả của FDI rất thấp và không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Nhà nước, do vậy cần phải thay đổi lại cách làm này, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rõ ràng chúng ta rất cần công nghệ nguồn, công nghệ cao của EU trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp sạch, kể cả trong các hoạt động dịch vụ để tốt hơn nữa.
Cũng cần phải lưu ý, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của EU rất cao do vậy Việt Nam cần tận dụng EVFTA để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và có được nhiều nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu trong thời gian sắp tới.
- Để EVFTA có tính lan tỏa cao trong thời gian tới, theo ông về phía các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần làm gì trong thời gian tới?
Phó Giáo sư Phạm Tất Thắng: Đầu tiên cần phải tuyên truyền để doanh nghiệp, hiệp hội và người dân biết được chúng ta sắp ký kết và có thể mở ra được những cơ hội gì từ hiệp định EVFTA và khi ký kết rồi, muốn tận dụng được các cơ hội đó thì cần chuẩn bị những gì. Đồng thời phân tích rõ để thấy được những thách thức sẽ đặt ra cho hàng hóa Việt Nam như thế nào.
Đơn cử lĩnh vực chăn nuôi, nếu không thay đổi thì rất khó đưa được hàng của Việt Nam sang thị trường này. Hoặc việc đánh bắt thủy hải sản nếu vẫn vi phạm vào thẻ vàng thì chắc chắn mặt hàng này cũng không thể tiếp tục đưa vào EU.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý đến vấn đề đảm bảo quy tắc xuất xứ, hay đảm bảo việc rác thải sau sử dụng như thế nào? nếu không tìm hiểu kỹ sẽ không thể đưa được các mặt hàng chất lượng cao như máy tính, điện thoại di động vào thị trường này.
- Xin cảm ơn ông./.