Doanh nghiệp Việt cần "bọc lót" lẫn nhau để "tối đa" lợi ích từ EVFTA

Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, khẳng định EVFTA đã mang lại những tác động tích cực to lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, song song với những thách thức lớn về yêu cầu kỹ thuật.
Doanh nghiệp Việt cần "bọc lót" lẫn nhau để "tối đa" lợi ích từ EVFTA ảnh 1Ông Vũ Anh Sơn, Đại diên Thương mại Việt Nam tại Pháp, chia sẻ một số điều cần lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư trực tiếp hoặc triển khai các hoạt động giao thương tại thị trường châu Âu. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, tạo nên dấu mốc quan trọng trên chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời mở ra một giai đoạn mới giúp mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

Nhân dịp này phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp về kết quả ba năm triển khai EVFTA tại địa bàn này.

- Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của EVFTA đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp?

Ông Vũ Anh Sơn: Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào ngày 1/8/2020 và cho tới nay, sau khi triển khai được ba năm, chúng ta có thể khẳng định tác động tích cực to lớn mà Hiệp định này mang lại cho xuất khẩu của Việt Nam.

Trước tiên phải kể đến uy tín mà Việt Nam có được khi là nước đang phát triển đầu tiên sẵn sàng tham gia vào một Hiệp định thế hệ mới với những cam kết có tiêu chuẩn cao với EU. Ở tầm vĩ mô, EU tin tưởng Việt Nam sẽ là đối tác quan trọng và tin cậy trong chiến lược tiếp cận các quốc gia Đông Nam Á và châu Á.

Ở tầm vi mô, đối với cộng đồng doanh nghiệp, chính uy tín này là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp châu Âu gia tăng hoặc lần đầu tiên tham gia vào hoạt động trao đổi thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.

Kế đó, những lợi ích thiết thực từ việc cắt giảm thuế quan đã đóng góp phần đặc biệt quan trọng duy trì đà xuất khẩu và phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong và sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Theo quy định của Hiệp định EVFTA, kể từ 31/12/2022 kết thúc áp dụng Chương trình Ưu đãi Phổ cập (GSP) mà EU dành cho Việt Nam và toàn bộ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU áp dụng theo quy định về quy tắc xuất xứ của EVFTA.

Bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới đang giảm sút và xu hướng khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu nói chung, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Pháp trong bốn tháng đầu năm 2023 vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định ở mức 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt giá trị hơn 2,12 tỷ euro.

Các ngành da giầy, điện tử điện thoại và dệt may vẫn là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực chiếm khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp.

Ngoài xuất khẩu dệt may có dấu hiệu chậm lại, xuất khẩu giày dép và điện thoại tăng mạnh với mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 lần lượt là 30,5% và 21,9%. Tính cả năm ngoái, xuất khẩu của ta sang Pháp đã tăng 18,8% so với năm 2020, từ 6,12 tỷ euro lên hơn 7,27 tỷ euro - mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Doanh nghiệp Việt cần "bọc lót" lẫn nhau để "tối đa" lợi ích từ EVFTA ảnh 2Xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường Pháp tăng trưởng mạnh. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

- Nông sản, vốn là thế mạnh của VN, đã bước đầu được khách hàng Pháp chấp nhận, vậy theo ông, EVFTA đã mang lại những lợi ích đặc biệt gì cho doanh nghiệp ta, đặc biệt là với mặt hàng gạo hiện nay?

Uy tín và những điều kiện ưu đãi thuế quan từ EVFTA mang lại đang tạo ra lợi thế tốt cho xuất khẩu của Việt Nam. Pháp, cũng như châu Âu, đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, đầu tư sản xuất để tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng.

Đối với nông sản, trước tiên có thể khẳng định Hiệp định EVFTA là một cú hích, một nguồn khích lệ quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia một cách chuyên nghiệp, có bài bản, kế hoạch rõ ràng hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế. Các doanh nghiệp ngày càng cảm nhận được sự liên quan trực tiếp giữa các hoạt động của doanh nghiệp mình với những xu hướng quốc tế mới như tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường...

Tại thị trường Pháp, sau hàng loạt các hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, định hướng tiêu dùng mà Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã triển khai, các sản phẩm của Việt Nam đang dần tìm được chỗ đứng và được người tiêu dùng bản địa biết đến.

Cơ hội cho hàng hóa Việt Nam không chỉ dừng lại tại nông sản. Điều quan trọng là sự quan tâm đúng mực và có chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp phải có một kế hoạch phát triển bài bản, với thị trường mục tiêu là Pháp hoặc bất kỳ một nước châu Âu nào phù hợp.

Những lợi ích thiết thực và những kỳ vọng mà EVFTA có thể mang lại cho hàng hóa Việt Nam đã được hiện thực hóa đối với mặt hàng gạo của ta khi lần đầu tiên được Thương vụ Việt nam tại Pháp trực tiếp hỗ trợ đưa lên kệ hàng trên hai chuỗi đại siêu thị lớn nhất Pháp là Carrefour và E.Leclerc.

[3 năm EVFTA: Các sản phẩm ngành nông nghiệp hưởng lợi lớn nhất]

Đây là lần đầu tiên ta thành công đưa gạo thương hiệu Việt Nam tiếp cận tới phân khúc bán lẻ lớn nhất tại châu Âu này, qua đó tiếp cận tới đông đảo người tiêu dùng Pháp.

Tiếp theo gạo, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đang tiếp tục khai thác những cơ hội và tiềm năng mà Hiệp định EVFTA mang lại để có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa hàng hóa thương hiệu Việt Nam tiếp cận tới phân khúc bán lẻ tại Pháp.

- Ở chiều ngược lại, ông đánh giá như thế nào về lợi ích mà EVFTA mang lại cho các đối tác Pháp, qua đó có thể gợi ý cho chúng ta những điều chỉnh phù hợp để gia tăng lợi ích của mình?

Hiệp định giữa EU và Việt Nam là hiệp định thương mại toàn diện nhất mà EU đã từng ký kết với một quốc gia đang phát triển. Hiệp định đã tính đến những yêu cầu phát triển của Việt Nam thông qua việc dành cho Việt Nam một khoảng thời gian dài hơn (10 năm) để xóa bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ EU.

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm xuất khẩu quan trọng của EU, như dược phẩm, hóa chất hoặc máy móc đã được hưởng các điều kiện nhập khẩu miễn thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Hàng nông sản như thịt bò hoặc dầu ôliu không phải chịu thuế trong ba năm đầu, trong khi sữa, trái cây và rau quả trong tối đa là năm năm.

Doanh nghiệp Việt cần "bọc lót" lẫn nhau để "tối đa" lợi ích từ EVFTA ảnh 3Hiệp định EVFTA là một "cú hích" đối với nông sản Việt Nam. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Các quy định toàn diện về vệ sinh và kiểm dịch động thực vật cũng giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp EU thông qua các thủ tục minh bạch và nhanh chóng hơn.

Hiệp định cũng có các quy định cụ thể để giải quyết các rào cản pháp lý đối với ôtô xuất khẩu của EU cũng như bảo hộ trước hành vì làm hàng nhái đối với 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống truyền thống của châu Âu (như phô mai Roquefort, rượu vang Porto và Jerez, rượu sữa Ailen hay thịt xông khói Prosciutto di Parma) được công nhận dưới dạng các Chỉ dẫn Địa lý.

- Theo ông, hàng hóa xuất khẩu của VN nói chung hiện nay vẫn phải đối mặt với những khó khăn gì khi xâm nhập thị trường Pháp?

Yếu tố kỹ thuật và quy tắc xuất xứ hàng hóa luôn là thách thức lớn đặt ra cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU nói chung và Pháp nói riêng.

Để đạt được mục tiêu này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu rất cao và phức tạp về kỹ thuật cũng như quy tắc xuất xứ. Các yếu tố này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư phát triển từ nguyên phụ liệu đầu vào cho tới các khâu thiết kế, sản xuất hàng hóa.

Việt Nam chưa thực sự phát triển về lĩnh vực công nghiệp, năng suất còn thấp, công nghệ chưa cao. Để đảm bảo các quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, môi trường đối với xuất khẩu hàng hóa cần phải đáp ứng các yêu cầu về công nghệ trong sản xuất, cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại, đây là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, về trung và dài hạn, với những định hướng và chính sách của Đảng và Nhà nước hướng tới phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm bước sang giai đoạn mới trong xuất khẩu.

Chúng ta sẽ sớm đến giai đoạn các doanh nghiệp không còn phải lo lắng hay băn khoăn liệu hàng hóa của mình có đáp ứng đủ tiêu chuẩn vào châu Âu hoặc Pháp hay không nữa.

Chúng ta sẽ tới gian đoạn phát triển theo chiều sâu, bền vững. Điều này đòi hỏi, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần nhìn nhận mỗi một quốc gia châu Âu là một thị trường tiềm năng riêng và cần phải có chính sách tiếp cận riêng.

- Để vượt qua những khó khăn đó cũng như phát huy tối đa lợi ích từ EVFTA, từ phía các doanh nghiệp cần có những điều chỉnh gì và từ phía Chính phủ VN?

Các doanh nghiệp Việt Nam cần thể hiện sự đoàn kết, xây dựng được cộng đồng chia sẻ thông tin rộng để cùng nhau phát triển và “bọc lót” lẫn nhau trong những gian đoạn thiếu nguồn cung tới các thị trường châu Âu.

Bên cạnh đó, cho tới nay, các doanh nghiệp vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mực tới thị trường châu Âu do đặc thù khó và cần nhiều thời gian, tiền bạc để đầu tư ban đầu.

Xu thế tiêu dùng hướng tới chuỗi cung ứng ngắn đang ngày càng phát triển, ngoài việc sẽ thúc đẩy tiêu dùng sản xuất trong nước, sẽ ảnh hưởng tới hàng hóa Việt Nam nếu như chúng ta không có sự quan tâm đúng mực và tuyên truyền và quảng bá.

Doanh nghiệp Việt cần "bọc lót" lẫn nhau để "tối đa" lợi ích từ EVFTA ảnh 4Xu thế chống biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều yêu cầu mới mang tính chất kỹ thuật cho các nhà cung cấp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xu thế chống biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều yêu cầu mới mang tính chất kỹ thuật cho các nhà cung cấp. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải liên tục cập nhật thông tin và nhanh chóng thay đổi để có thể bắt kịp các xu thế này. Tuy nhiên, sự thay đổi có gắn kết chặt chẽ nhiều ngành nghề với nhau vì vậy việc này trở nên càng khó khăn, thách thức hơn với doanh nghiệp.

Về phía các Bộ ngành Việt Nam cần đẩy mạnh trong hợp tác với Pháp đối với các ngành nghề mà Pháp có thể mạnh, đặc biệt như năng lượng, công nghệ cao, công nghệ nông nghiệp…

Khuyến khích Pháp tiếp tục đa dạng hóa đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu cao như công nghiệp phụ trợ (đặc biệt là công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, da giầy, ôtô...), công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp chế biến thực phẩm, năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghệ cao…

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam hợp tác, đầu tư, nhất là tận dụng lợi thế do EVFTA mang lại.

- Thương vụ đã có những sự hỗ trợ như thế nào với doanh nghiệp hai nước? Và trong tương lai sẽ làm gì để thúc đẩy thương mại hai chiều?

Cho đến nay, Thương vụ vẫn luôn chú trọng công tác thông tin thị trường, nắm bắt xu thế và thị hiếu mới, đồng thời thường xuyên cập nhật các thông tin về chính sách của Pháp cũng như của châu Âu có ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó Thương vụ cũng luôn nỗ lực kết nối doanh nghiệp trong nước với các đối tác là các tập đoàn phân phối, các nhà nhập khẩu tại Pháp để đẩy mạnh hơn nữa nhóm hàng nông nghiệp Việt Nam, vốn có thế mạnh xuất khẩu tại Pháp.

Thương vụ cũng chú ý hỗ trợ doanh nghiệp, giúp họ tham gia các Hội chợ chuyên ngành hoặc đa ngành nhằm quảng bá hình ảnh và hàng hóa Việt Nam tại thị trường này.

Trong thời gian tới, Thương vụ sẽ phối hợp cùng đối tác Pháp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa, thương hiệu hàng Việt Nam tới rộng rãi cộng đồng bản địa thông qua các hoạt động thiết thực như tổ chức các Tuần lễ Hàng Việt Nam, tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ chuyên ngành, tham gia trực tiếp vào các diễn đàn quan hệ Việt-Pháp…

- Trân trọng cảm ơn ông!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục