Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn, do đó doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các điều kiện để tận dụng tốt nhất những ưu đãi mà CPTPP mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo "Hiệp định CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam," do Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 25/10.
Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương cho rằng trong số những FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết và đàm phán thì CPTPP là FTA có mức độ mở cửa thị trường cao nhất, xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại.
Cụ thể, 66% dòng thuế sẽ về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; trong đó, các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như nông sản-thủy sản, điện tử; 86,5% dòng thuế sẽ về 0% sau 3 năm và sau 11 năm thì 97,8% dòng thuế sẽ được xóa bỏ. Không chỉ điều chỉnh các vấn đề thương mại truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà CPTPP còn điều chỉnh nhiều vấn đề mới như thương mại điện tử, mua sắm công, lao động, môi trường...
Theo bà Phạm Quỳnh Mai, Hiệp định CPTPP - bao trùm thị trường gần 500 triệu dân, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu - là FTA có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp khi tạo ra động lực thúc đẩy mở cửa thị trường, phát triển đầu tư, thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều quốc gia mới như Canada, Mexico, Peru. Do đó, CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, giảm thâm hụt thương mại và mức độ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Về mặt thể chế, CPTPP cũng tạo ra động lực để Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện khung khổ pháp lý-thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch hơn cho doanh nghiệp.
[Việt Nam và các nước thành viên đang tiến hành thủ tục phê chuẩn CPTPP]
Bà Trần Thị Thu Huyền, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng CPTPP đi vào thực thi sẽ thúc đẩy dịch chuyển thương mại theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường thành viên còn lại nhờ lợi thế ưu đãi thuế quan so với các quốc gia ngoài CPTPP, đồng thời, có thể nhập khẩu hàng hóa có chất lượng, công nghệ cao phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Ngược lại, việc tham gia CPTPP cũng khiến các doanh nghiệp chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn với hàng hóa nhập khẩu từ các thành viên.
Theo bà Trần Thị Thu Huyền, với những cam kết về dịch vụ-đầu tư sâu rộng trong nhiều lĩnh vực cùng các quy định chặt chẽ về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ... CPTPP sẽ tạo điều kiện để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài cả về số lượng và chất lượng.
Đặc biệt, một số ngành sản xuất và dịch vụ như thực phẩm, đồ uống, dệt may, da giày của Việt Nam được dự báo sẽ thu hút đầu tư lớn cả về công nghệ và sản xuất nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa khắt khe để tận dụng ưu đãi thuế quan từ CPTPP.
Làn sóng đầu tư FDI một mặt sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong nước nhưng mặt khác cũng góp phần giải quyết bài toán nguyên phụ liệu cho nhiều ngành hàng của Việt Nam.
Để tận dụng tốt các cơ hội, ưu đãi mà CPTPP mang lại, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu và nắm vững các cam kết của Việt Nam cũng như nước đối tác trong lĩnh vực, ngành hàng của mình. Cùng đó, phải tranh thủ tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn, thay đổi tư duy, biến thách thức thành động lực để đổi mới công nghệ, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm cạnh tranh tốt hơn không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay cả thị trường tiêu dùng trong nước./.