Độc đáo Di sản Văn hóa Nghề Thêu giày của người Xạ Phang ở Điện Biên

Nghề làm giày thêu không chỉ là truyền dạy tri thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn ẩn chứa những thông điệp nhân văn sâu sắc về lối sống tích cực, chăm chỉ, tính nhẫn nại, kiên trì của người Xạ Phang.
Độc đáo Di sản Văn hóa Nghề Thêu giày của người Xạ Phang ở Điện Biên ảnh 1Giày thêu trong bộ trang phục của nam và nữ ở người dân tộc Xạ Phang. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Là 1 trong 19 cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, người Xạ Phang có dân số khoảng hơn 2.000 người, cư trú thành bản, theo dòng họ ở các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa...

Quá trình định cư, lập bản, đến nay, đồng bào Xạ Phang vẫn gìn giữ, bảo lưu được nhiều nét văn hóa truyền thống, độc đáo, đặc sắc trong lao động, sinh hoạt hằng ngày, trong đó có nghề làm giày thêu.

Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang được thực hành, trao truyền trong gia đình, cộng đồng không chỉ đơn thuần là truyền dạy tri thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn ẩn chứa những thông điệp nhân văn sâu sắc về lối sống tích cực, chăm chỉ, tính nhẫn nại, kiên trì của người Xạ Phang. 

Đôi giày (tiếng Xạ Phang là liển hài) được những người phụ nữ Xạ Phang tự khâu và thêu cho các thành viên trong gia đình sử dụng và tích lũy dùng dần. 

Việc chế tác và thêu các họa tiết hoa văn sặc sỡ, độc đáo trên đôi giày thể hiện sự tinh tế, khéo léo và tư duy sáng tạo của người phụ nữ Xạ Phang. Mỗi đôi giày hoàn thiện trở thành một tác phẩm nghệ thuật, trong đó ẩn chứa tình cảm, tâm tư và những ước mơ, hy vọng của người tạo ra nó.

[Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang là Di sản Phi Vật thể Quốc gia]

Ngay từ khi còn ở độ tuổi thiếu niên, các bé gái người Xạ Phang đã được các bà, các mẹ, các chị hướng dẫn việc may vá, thêu thùa, làm các đồ dùng sinh hoạt và trang phục cá nhân. Những khi rảnh rỗi, dưới hiên nhà, không khó bắt gặp những người phụ nữ cần mẫn với từng đường kim mũi chỉ để tạo ra những đôi giày thêu vốn được coi là thước đo sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ Xạ Phang.

Để hoàn thiện một đôi giày thêu, người phụ nữ Xạ Phang phải mất khoảng thời gian từ 10-12 ngày.

Độc đáo Di sản Văn hóa Nghề Thêu giày của người Xạ Phang ở Điện Biên ảnh 2Chị Hoàng Lao Tú, người dân tộc Xạ Phang đang thêu những đôi giày. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Một đôi giày thêu tốt phải trải qua nhiều bước: Lựa chọn, chuẩn bị nguyên liệu đủ để làm giày, tiếp đến là lựa chọn kiểu giày phù hợp với đối tượng sử dụng để cắt và khâu đế giày, cắt tỉa tạo hình hoa văn và thêu hoa văn trên thân giày, khâu giáp thân giày, quai giày với đế để hoàn chỉnh giày.

Giày của người Xạ Phang có nhiều loại, trong đó có giày nam, giày nữ, giày cho người cao tuổi và giày dành riêng cho chú rể, cô dâu trong ngày cưới.

Giày cho người cao tuổi và giày chú rể chỉ có màu đen, mũi tròn và kín. Còn giày cho nam và nữ, từ trung tuổi trở xuống đều là các đôi giày nhiều màu sắc, nhiều họa tiết. Ðiểm khác nhau giữa giày nam và giày nữ là giày nữ kín mũi, còn giày nam hở một phần phía trước và thân giày.

Nguyên liệu chính để chế tác một đôi giày hoàn chỉnh gồm có vải, mo tre, chỉ khâu, chỉ thêu, keo dán, giấy bản và kèm theo các dụng cụ như: kéo, dao nhỏ, kim khâu, kim thêu, cục sáp ong khô. Vải để khâu đế giày và thân giày phải là loại vải dày, dai, có độ bền (thường dùng vải dệt thủ công của người Thái).

Chỉ khâu được làm từ vỏ một loại cây rừng, người Xạ Phang gọi là cây Mà, đây là loại sợi săn chắc, dẻo, dai, ít thấm nước. Để quá trình khâu giày sợi chỉ luôn trơn, bóng, không bị đứt và không thấm nước, người Xạ Phang thường chà sợi chỉ vào cục sáp ong khô trước khi thực hiện việc khâu giày.

Tiếp đến là phần đế giày, nguyên liệu chính dùng làm đế giày là những chiếc mo tre già, đã khô, tách ra khỏi thân măng, đây là loại vật liệu có sẵn tại địa phương được những người phụ nữ thu gom về ép phẳng, tích trữ và sử dụng khi cần thiết.

Công phu nhất là vật liệu lót giữa hai lớp đế giày, người ta phải lấy lá tre rừng thái nhỏ, luộc chín, giã nhuyễn, phơi khô để tăng độ xốp, tạo cảm giác êm ái khi sử dụng.

Đối với loại keo dán đế giày được người Xạ Phang làm ra từ củ của một loại cây rừng, người Xạ Phang gọi là cây Mùa Rỉ. Củ của cây Mùa rỉ được đào về, rửa sạch, gọt bỏ vỏ, lấy phần ruột, giã nhuyễn, hòa vào nước và lọc hết bã thô, cho lên nồi nấu sôi cho đến khi hỗn hợp chín và tạo thành hồ đặc như keo dán thì sử dụng được.

Độc đáo Di sản Văn hóa Nghề Thêu giày của người Xạ Phang ở Điện Biên ảnh 3Phụ nữ Xạ Phang khâu và thêu giày bằng phương pháp thủ công. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Điện Biên)

Các loại chỉ màu dùng để thêu giày là những loại chỉ tự nhiên với khá nhiều màu sắc như đỏ, hồng, xanh, vàng. Bởi vậy, giày thêu của người Xạ Phang không chỉ đơn thuần là vật dụng bảo vệ chân, giúp con người di chuyển mà nó đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ chính những đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Xạ Phang.

Thân giày được cắt định hình từ vải trắng, mặt ngoài của thân giày được táp một lớp vải màu làm nền thêu trang trí các mảng hoa văn sặc sỡ và được thêu hoa văn, dù là giày cho nam hoặc cho nữ thì cách thêu và hoa văn chính được thêu là như nhau, gồm các loại hoa lá cách điệu, thực vật thân leo, ngoài ra cũng có một số hoa văn hình học như: ô trám lồng, zíc zắc, sóng lượn, răng cưa...

Người thêu sử dụng các loại chỉ thêu có màu sắc đậm, tạo nên những mảng hoa văn trang trí nổi bật phần nào thể hiện cá tính mạnh mẽ và sự nồng nhiệt của người Xạ Phang. Đồng thời thể hiện sự tự tin, lạc quan, luôn hướng tới những niềm vui, những điều may mắn trong cuộc sống.

Tạo hoa văn và thêu trên giày mới chỉ nghe nói thì cảm thấy đơn giản, nhưng khi quan sát những người phụ nữ Xạ Phang thực hiện mới thấy cực kỳ khó, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và sự tập trung của người làm.

Để có được những mảng màu trang trí đặc sắc, tinh xảo thì bản thân những người phụ nữ phải có quá trình tự học, rèn luyện và sáng tạo thật sự nghiêm túc mới có thành quả.

Khâu, ghép thân với đế giày là công đoạn cuối để hoàn thiện giày. Nghệ nhân dùng loại chỉ to, chắc, những đường khâu giấu ẩn rất khéo, không lộ và thô, đảm bảo thẩm mỹ, góp phần tạo nên sản phẩm hoàn hảo.

Hiện nay, việc thêu hoa văn và tạo ra những đôi giày sặc sỡ của người Xạ Phang vẫn đang được duy trì thực hành trong nhiều gia đình.

Với giá trị tiêu biểu, nghề làm giày thêu của người Xạ Phang ở các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia ngày 9/3/2021./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục