Độc đáo hệ thống Bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn – Di sản Tư liệu Thế giới

Là kho tàng tư liệu quý giá bằng chữ Hán và Nôm, với số lượng lớn gồm 78 bia còn bảo tồn được đến ngày nay, hệ thống Bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Di sản Tư liệụ Thế giới.
Độc đáo hệ thống Bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn – Di sản Tư liệu Thế giới ảnh 1Các ma nhai trên lối vào động Tàng Chơn, danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng)

Ngày 26/11 vừa qua, Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã công nhận Bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, là Di sản Tư liệu Ký ức khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm, với số lượng lớn gồm 78 bia ma nhai (trong đó có 76 bia chữ Hán và 02 bia chữ Nôm) còn bảo tồn được đến ngày nay, hệ thống Bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Di sản Tư liệu vừa được công nhận.

Hệ thống Bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến những năm 60 của thế kỷ XX, là loại hình độc đáo,hiếm thấy ở Việt Nam cũng như trong khu vực châu Á-Bình Dương.

[Việt Nam có thêm 2 Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương]

Trong số các Ma nhai xác định được niên đại thì sớm nhất là Ma nhai Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt của thiền sư Huệ Đạo Minh được khắc bản năm Tân Mùi (1631), muộn nhất là Bia Ma nhai Phụng Tạo Quán Thế Âm Bồ Tát Tôn Tượng (Phật lịch 2518-Ất Mùi 1955)..

Tại động Hoa Nghiêm có 20 Ma nhai. Động Huyền Không hiện đang lưu giữ 30 Ma nhai, trong đó có ngự bút của vua Minh Mạng “Huyền Không Động;” Động Tàng Chơn có 20 Ma nhai; Động Vân Thông có 2 Ma nhai; Động Linh Nham có 3 Ma nhai; hang Vân Căn Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa và hang Vân Nguyệt Cốc có 3 Bia Ma nhai là ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động.

Độc đáo hệ thống Bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn – Di sản Tư liệu Thế giới ảnh 2Thác Bản Ma nhai Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật ở Động Hoa Nghiêm, Ngũ Hành Sơn. (Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng)

Nội dung, phong cách biểu hiện của bia ma nhai có hình thức, phong cách biểu hiện đa dạng và độc đáo, với nhiều thể loại như ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Các tác phẩm được tạo hình trên đá độc đáo và ấn tượng, với nhiều kiểu chữ viết như Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ…

Ma nhai Ngũ Hành Sơn với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo đọng lại qua hệ thống bia ký thời các chúa Nguyễn còn đánh dấu một nét son đáng tự hào trên bản đồ phân bố Ma nhai tại Việt Nam. Điển hình là Ma nhai Nam Bảo Đài hinh bi được xem là Bia Ma nhai có kích thước lớn nhất (127 x 60 cm) với hệ thống hoa văn trang trí mang đặc trưng mỹ thuật thời Lê Trung Hưng, tinh xảo, đặc sắc nhất so với tất cả bia ma nhai mà các nhà nghiên cứu từng gặp.

Giá trị nghệ thuật còn được thể hiện rõ nét qua các bia ma nhai dạng bia ký niên đại thời chúa Nguyễn, trong số đó có hai bia nổi bật nhất là Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạcPhổ Đà Sơn Linh Trung Phật. Cả hai bia ma nhai này có niên đại vào thế kỷ XVII, sớm nhất trong số các bia hiện còn. Kiểu thức trang trí của nó có sự khác biệt, mang đậm dấu ấn thời Chúa Nguyễn.

Đặc biệt, Bia Ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, quý hiếm, không thể thay thế, được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang hệ giá trị trên nhiều mặt như lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa-giáo dục.

Những di sản này lưu trữ những “ký ức” về các mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc kinh tế, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực trên tuyến đường hàng hải như Nhật Bản, Trung Quốc từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, cũng như vị thế, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc hôn nhân quốc tế ở thế kỷ XVII.

Độc đáo hệ thống Bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn – Di sản Tư liệu Thế giới ảnh 3Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. (Nguồn: Cục Di sản Văn hóa)

Bên cạnh đó, những tấm bia ma nhai còn khắc họa những thông tin về lịch sử Phật giáo Việt Nam với tính chất hội nhập, mang tính quốc tế cao của Phật giáo ở thế kỷ XVII, khi khu vực Ngũ Hành Sơn được xem là trung tâm Phật giáo của Quảng Nam -Đà Nẵng, thu hút sự quan tâm và sùng bái của không chỉ người Việt Nam mà của các dân tộc khác, như người Nhật Bản và người Trung Quốc.

Cụ thể, dữ liệu khắc trên văn bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” (1640) và “Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc” (1631) cho thấy, ngay từ thế kỷ XVII, Phật giáo ở vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng có sự ảnh hưởng rộng khắp và mang tính quốc tế.

Những tấm bia cũng thể hiện một giai đoạn phát triển của hệ thống văn tự ở Việt Nam: sử dụng hài hòa, đan xen giữa chữ Hán và chữ Nôm; cũng như cung cấp những thông tin quý giá về nghệ thuật chạm khắc đá thủ công của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Có thể nói Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn có các ý nghĩa và giá trị vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia, là loại hình Di sản Tư liệu quan trọng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Nó đặc trưng cho giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa giữa các nước Đông Á, biểu hiện cho tầm nhìn chiến lược biển, chính sách ngoại giao rộng mở, mềm dẻo của Việt Nam từ thời trung đại được kế thừa cho tới ngày hôm nay.

Hiện nay, toàn bộ nội dung Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được dịch ra tiếng Việt và được xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu. Hệ thống công cụ tra cứu toàn bộ văn khắc gồm có mục lục các ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được lưu giữ theo cách truyền thống và tra cứu trên mạng nội bộ và Ngân hàng Dữ liệu Di sản Văn hóa Đà Nẵng tại Bảo tàng Đà Nẵng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục