Di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam từ cách đây hơn 300 năm, người Pà Thẻn Tuyên Quang vẫn luôn giữ gìn các phong tục, những nét văn hóa độc đáo của mình.
Chỉ cách Trung tâm huyện Lâm Bình gần 30km nhưng để đến được thôn Thượng Minh (xã Hồng Quang), chúng tôi phải mất gần hai giờ đồng hồ. Con đường rừng với hàng chục dốc đá thẳng đứng như muốn thử sức cả đoàn.
Nằm gọn giữa thung lũng, bao quanh là những ngọn núi đá vôi, thôn Thượng Minh là nơi sinh sống của gần 400 người dân tộc Pà Thẻn.
Hơn 300 năm, kể từ cuộc hành trình Nam tiến lịch sử thì cũng là chừng đó thời gian người Pà Thẻn ở Tuyên Quang vượt lên khó khăn, vất vả để sống, để khẳng định mình trước thiên nhiên.
Phong tục độc đáo Theo chân anh cán bộ văn hóa xã, chúng tôi tìm tới già làng Hùng Văn Hín (74 tuổi). Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc và cuộc sống mưu sinh của người Pà Thẻn, ông kể, tổ tiên của người Pà Thẻn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cách đây khoảng hơn 300 năm, người Pà Thẻn di cư về sống rải rác ở những ngọn núi đá của các huyện vùng cao tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên thời tiết khắc nghiệt, đất sản xuất thiếu, người Pà Thẻn luôn phải đối mặt với đói rét và dịch bệnh, vì thế mà chết dần, chết mòn chỉ còn vài chục người. Nhận thấy phía Nam là vùng đất tốt, có khí hậu trong lành, những người còn lại đã di cư về vùng Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) sinh sống. Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang hiện còn giữ lại nhiều phong tục, những nét văn hóa rất độc đáo. Khi đặt chân đến vùng đất mới, người Pà Thẻn có tục xem đất để chọn được “đất lành” cho cuộc sống ấm no, sung túc, trồng cây cây tốt, nuôi vật mau lớn. Phong tục này luôn được gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác. Lễ vật xem đất là những thực phẩm cần thiết hàng ngày bao gồm thịt gà, thịt lợn, thịt trâu, gạo, tất cả được nấu chín. Sau khi chọn được ngày tốt, họ xếp những đồ lễ thành một hàng dọc trên mảnh đất đó rồi lấy bát úp lại. Ba ngày sau, họ mở bát ra, nếu những đồ lễ đó chụm lại hoặc vẫn thẳng hàng, không bị xê dịch, không bị “kiến tha, mối đùn” thì đó là "đất lành." Sau khi chọn được mảnh đất ưng ý, người Pà Thẻn bắt đầu làm nhà theo hướng dựa lưng vào núi để mong được các thần linh phù hộ, che chở. Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang có sáu dân tộc chung sống gồm Pà Thẻn, Dao Tiền, Tày, Nùng, Thủy với 136 hộ, 656 nhân khẩu, trong đó, người Pà Thẻn đông nhất có gần 400 người chiếm hơn 60% dân số của thôn. Nhảy lửa - Lễ hội có một không hai Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, người Pà Thẻn có lễ hội nhảy lửa mang ý nghĩa thiêng liêng và huyền bí mà không dân tộc nào có. Già làng Hùng Văn Hín cho biết Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, được bắt đầu từ tháng Mười âm lịch cho tới tháng Giêng năm sau. Trong đời sống tinh thần, người Pà Thẻn luôn quan niệm xung quanh họ luôn có các vị thần che chở, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm để tồn tại và mưu sinh. Đối với họ, thần lửa là vị thần tối cao, linh thiêng nhất, lửa sẽ giúp mang lại cho người Pà Thẻn sự ấm áp, xua đuổi tà ma, đẩy lùi bệnh tật và mang sức mạnh phi thường cho người dân. Mỗi khi diễn ra Lễ hội nhảy lửa diễn ra, tất cả mọi người trong bản đều có mặt để hò reo, cổ vũ. Các lễ vật để cúng trong Lễ nhảy lửa rất giản đơn, chỉ cần một bát hương, một con gà luộc, mười chén rượu trắng và những cây củi trên rừng để đốt thành những đống than đỏ hồng. Phần lễ cúng kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Đầu tiên, thầy cúng xin phép thổ công, thổ địa cho được phép nhảy lửa và đốt lên đống lửa to. Dưới với sự điều khiển của thầy cúng, 10 thanh niên khỏe mạnh sẽ tập trung xung quanh nghe thầy khấn và gõ vào Pạndơ (chiếc đàn cúng trong lễ nhảy lửa) mỗi lúc một nhanh. Đến khi thầy cúng và các thành viên trong đội thấy người rung lên (họ cho rằng thần thánh đã nhập vào người) thì họ nhảy thẳng vào ngọn lửa đang cháy với đống than hồng rực bằng đôi chân trần mà không hề sợ hãi. Điều kỳ lạ là không ai bị bỏng. Ba anh em Phù Văn Thành (40 tuổi), Phù Văn Tâm (37 tuổi) và Phù Văn Sân (32 tuổi), đã từng tham gia nhảy lửa kể lại: "Lúc đó, trong người chúng tôi như có sức mạnh phi thường, sau khi thầy cúng làm lễ, chúng tôi nhảy cả hai chân vào đống than đỏ rực, bốc than tung lên như những chùm 'hoa lửa,' nhưng không hề cảm thấy nóng, không hề bị bỏng." Lễ hội nhảy lửa mới đây mới được huyện tổ chức khôi phục lại. Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết trước sự mai một và dần mất đi những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số, tỉnh Tuyên Quang đã có các dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đang dần tạo điều kiện cho các phong tục tập quán mang đậm bản sắc của từng dân tộc được phát huy. Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn bắt đầu được khôi phục lại từ năm 2009, để cho người dân Pà Thẻn nơi đây có cơ hội tham gia và giữ gìn nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc mình./.
Nguyễn Thị Thu Hằng (TTXVN)