Đối thoại chính sách thuế-hải quan với doanh nghiệp Hàn Quốc

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam hơn 9.200 dự án với tổng số vốn đạt hơn 74 tỷ USD; thu hút và sử dụng khoảng gần 1 triệu lao động, đóng góp 30% giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Đối thoại chính sách thuế-hải quan với doanh nghiệp Hàn Quốc ảnh 1Nhân viên Samsung Việt Nam bên dây chuyền sản xuất. (Ảnh: DiLi/Vietnam+)

Ngày 18/2, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách thuế-hải quan với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Đây là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước chia sẻ về các chính sách tài chính, trong đó tập trung vào lĩnh vực thuế-hải quan; đồng thời cũng là dịp để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp nhằm hướng dẫn, giải đáp hoặc ghi nhận để nghiên cứu hoàn thiện cơ chế và thủ tục hành chính.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, đến nay, theo số liệu của các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam hơn 9.200 dự án, với tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 74 tỷ USD, đứng đầu về tổng số vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đã thu hút và sử dụng khoảng gần 1 triệu lao động, đóng góp 30% giá trị xuất khẩu của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, đồng thời tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội. Bộ Tài chính ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà hy vọng rằng môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện và là điểm đến cho các doanh nghiệp nước ngoài; trong đó, có doanh nghiệp Hàn Quốc.

Thứ Trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trong những năm trước đây, hằng năm Bộ Tài chính đều phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc để tổ chức hội nghị này, tuy nhiên trong các năm 2019-2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên chưa tổ chức được.

Việc Bộ Tài chính và Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức đối thoại hôm nay, kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến là sự nỗ lực của các cơ quan trong việc khắc phục khó khăn, trở ngại để hợp tác phát triển.

Trong năm 2020-2021, Bộ Tài chính, mà trực tiếp là cơ quan thuế và hải quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như giãn hoãn tiền thuế, tiền thuê đất, cũng như chính sách giảm thuế đối với một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Các giải pháp này đã góp phần vào việc đảm bảo dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh; từ đó đã hỗ trợ phục hồi chuỗi cung ứng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và duy trì việc làm cho người lao động.

Ngày 11/1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; trong đó có chính sách miễn, giảm thuế (giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022) cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; trong đó có giải pháp giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của COVID-19; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; tiếp tục nghiên cứu rà soát các loại phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng của COVID-19.

[Chính sách thuế-hải quan: Tạo nguồn thu để có dư địa cho doanh nghiệp]

Bên cạnh đó các cơ quan thuế, hải quan đã tiếp tục nỗ lực trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, cũng như thủ tục kê khai nộp thuế, hoàn thuế cho người nộp thuế.

Cụ thể, kê khai thuế đạt 99,97% số doanh nghiệp; hệ thống hải quan điện tử đã được triển khai tại tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc, với 100% quy trình thủ tục và 100% doanh nghiệp tham gia thực hiện.

Tháng 6/2019, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý thuế mới có hiệu lực từ 1/7/2020. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành đầy đủ các Nghị định hướng dẫn cũng như ban hành theo thẩm quyền các Thông tư.

Luật Quản lý thuế và các văn bản liên quan là cơ sở để cho cơ quan thuế, cơ quan hải quan tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính để thực hiện ngày càng tốt hơn chức trách nhiệm vụ của mình, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế đã triển khai thí điểm hóa đơn điện tử tại sáu tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó sẽ mở rộng ra cả nước từ 1/7/2022. Tổng cục Hải quan đang xây dựng Đề án hải quan thông minh, nhằm cải cách mạnh mẽ trong việc chuyển đổi số đối với lĩnh vực hải quan.

Đối thoại chính sách thuế-hải quan với doanh nghiệp Hàn Quốc ảnh 2Nhà máy sản xuất PP và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG (doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

"Qua hội nghị đối thoại này, chúng tôi sẽ tiếp nhận thêm các ý kiến của doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm tiếp tục củng cố cơ chế chính sách cũng như thực thi nghiệp vụ để phục vụ ngày càng hiệu quả, phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn tới," Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Xuân Hà khẳng định.

Tại hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-Wan cho rằng, trong bối cảnh hoạt động doanh nghiệp ngày càng được toàn cầu hóa, các quy định và thủ tục hành chính của mỗi nước luôn là vấn đề được các doanh nghiệp đã đầu tư hoặc đang xem xét đầu tư vào quốc gia đó được ưu tiên cân nhắc hàng đầu.

Đặc biệt, những nội dung về thuế luôn phức tạp và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Do đó, hội nghị đối thoại về chính sách thuế và hải quan với doanh nghiệp Hàn Quốc có ý nghĩa to lớn.

Tại hội nghị, Tùy viên Thuế-Đại sứ quán Hàn Quốc, ông Song Won Yeong đề nghị miễn giảm các loại thuế và mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi trong tình hình dịch COVID-19. Ông cũng đề nghị phía Việt Nam có quyết định nhanh chóng về phương pháp xác định giá tính thuế (APA), gia hạn thời gian áp dụng.

Ông Song Won Yeong thông tin rằng, lịch trao đổi, đàm phán giữa cơ quan chức năng hai nước về từng doanh nghiệp liên quan đến APA Việt Nam-Hàn Quốc vẫn đang bị trì hoãn trong thời gian dài.

APA là cơ chế xác định giá tính thuế một cách rõ ràng và rất hữu ích đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp APA vẫn đang bị trì hoãn một thời gian dài và cơ chế này chưa thể phát huy được hiệu quả.

“Chúng tôi kiến nghị nhanh chóng tái khởi động lại đàm phán, trao đổi APA đã và đang bị trì hoãn trong thời gian dài vừa qua và nhanh chóng có giải pháp để sớm đưa ra quyết định cuối cùng," ông Song Won Yeong nói.

Ngoài ra theo luật sửa đổi mới gần đây, thời gian áp dụng quyết định APA giảm từ 5 năm xuống còn 3 năm. Vì vậy, phía Hàn Quốc cho rằng đây là quyết định có phần đi ngược lại với mục đích của cơ chế APA là nhằm hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Phía Hàn Quốc đề nghị cơ quan chức năng tích cực nghiên cứu và xem xét phương án điều chỉnh lại thời gian áp dụng APA là 5 năm, giống với tiêu chuẩn chung của cộng đồng quốc tế.

Ngoài các vấn đề trên, doanh nghiệp Hàn Quốc còn đề xuất thành lập Tổ tham vấn với sự tham gia của chuyên viên và chuyên gia đến từ Tổng cục Thuế, Tổng tục Hải quan, Đại sứ quán Hàn Quốc, KOCHARM, KCCI và KOTRA, hoạt động định kỳ hàng quý.

Đối thoại chính sách thuế-hải quan với doanh nghiệp Hàn Quốc ảnh 3Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Pavonine Vina (doanh nghiệp Hàn Quốc), thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Tại hội nghị Kế toán viên-Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) kiến nghị, cần thiết cải thiện chính sách thanh toán thuế tạm tính doanh nghiệp tăng cường.

Trưởng Đại diện Công ty TNHH Seou Việt Nam, ông Cho Seong Ryong có câu hỏi liên quan tới việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đối với nhà thầu nước ngoài đang thực hiện dự án xây dựng tại Việt Nam. Tổng quản lý Khách Sạn Lotte Hotel, ông Sim Hee Seung có câu hỏi về thuế chuyển nhượng đối với giao dịch cổ phần ở nước ngoài đối với công ty Việt Nam.

Về lĩnh vực hải quan, đại diện Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc-KOTRA có câu hỏi liên quan đến việc xử lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu bởi nhà thầu chính, nhà thầu phụ nhằm xây dựng nhà xưởng, văn phòng của doanh nghiệp chế xuất; có miễn thuế hay không đối với nguyên vật liệu tái xuất vào khu phi thuế quan sau khi nhập khẩu trong nước?

Nhiều câu hỏi của doanh nghiệp Hàn Quốc khác liên quan các vấn đề như: hoàn thuế hàng hóa tái xuất; đối tượng miễn khai báo xuất khẩu nội địa của doanh nghiệp chế xuất; có phải chịu thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu thành phẩm gia công hoàn chỉnh từ nước thứ ba hay không?

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, cùng đại diện các cơ quan thuế và hải quan Việt Nam đã có những câu trả lời đầy đủ thỏa đáng với doanh nghiệp Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục