Đối thoại Shangri-La - Diễn đàn được trông đợi nhất thảo luận về tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm nay sẽ diễn ra từ 1-3/6 tại Singapore.
Với sự tham dự của các Bộ trưởng và các quan chức quốc phòng cấp cao đến từ gần 50 nước, trong đó nhiều nước cử Bộ trưởng Quốc phòng, như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, New Zealand, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào, Indonesia và Việt Nam, cùng giới chức lãnh đạo các tổ chức quốc tế, như Phó Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Rose Gottemoeller, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi..., cho thấy tầm quan trọng của diễn đàn lần này.
Đáng chú ý, Đối thoại Shangri-La 2018 (SLD 2018) diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên lần đầu tiên, dự kiến cũng sẽ được tổ chức tại Singapore vào ngày 12/6 tới, vì vậy bán đảo Triều Tiên sẽ là chủ đề nổi bật được tập trung bàn thảo bên cạnh những nội dung nghị sự quan trọng khác liên quan các thách thức về an ninh khu vực.
Diễn đàn năm nay sẽ có 5 phiên thảo luận toàn thể, bao gồm vai trò lãnh đạo của các nước lớn và các thách thức an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình dương; Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; Giải quyết khủng hoảng Triều Tiên; Những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và Nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực. Bên cạnh các phiên toàn thể còn có các phiên đồng thời, trong đó tập trung thảo luận nhiều vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay, như các chiến lược công nghệ mới và tương lai của xung đột, bảo đảm an ninh hàng hải, xung đột sắc tộc, chiến lược phát triển năng lực quân sự ở châu Á-Thái Bình dương hay quan lý cạnh tranh trong hợp tác an ninh v.v.
Nhận định về tình hình khu vực hiện nay, các chuyên gia cho rằng mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, tuy nhiên, xuất phát từ những xung đột và mâu thuẫn về lợi ích, thời gian qua môi trường chính trị, kinh tế và an ninh toàn cầu nói chung và khu vực nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều vấn đề nóng xuất hiện và diễn biến khó lường, trong đó có thể phải kể đến vấn đề hạt nhân, khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ… Điều này đã và đang đe dọa đến an ninh của nhiều quốc gia trong khu vực.
Theo chuyên gia Hoàng Thị Hà (Viện nghiên cứu Đông Nam Á-Singapore), những tiến triển gần đây trong quan hệ liên Triều và đàm phán chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đã giúp hạ nhiệt căng thẳng, đưa các bên trở về bán đối thoại sau một năm ở bên "bờ vực" của chiến tranh. Điều này mang đến hy vọng và cơ hội cho hòa bình ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và rộng ra trên toàn khu vực.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo rằng tìm kiếm hòa bình và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cho đến nay là hành trình dài của những vòng đàm phán bắt đầu bằng hy vọng và kết thúc trong thất vọng, của những lời hứa bị bỏ ngỏ và những thỏa thuận bị vi phạm.
Đây là vấn đề "thâm căn cố đế" nên khó có thể giải quyết bằng cách thông thường và cần có đột phá, cũng như thiện chí thực sự của các bên.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Malcolm Cook cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay đó là sự không chắc chắn về chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donal Trump, trong đó bao gồm cả chính sách đối ngoại tổng thể cũng như đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Chuyên gia này dẫn chứng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới là dấu hiệu cho thấy sự thành công của con đường ngoại giao và cho thấy tiềm năng để giải quyết khủng hoảng ở khu vực Đông Á là thông qua đàm phán. Tuy nhiên, nếu tiến trình này không thành công, có sự lo ngại về khả năng tình hình an ninh khu vực sẽ quay trở lại như đầu năm, đó là nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân.
Đưa ra cái nhìn tổng quát về tình hình an ninh khu vực, chuyên gia Lê Hồng Hiệp (Viện nghiên cứu Đông Nam Á - Singapore) nhận định bối cảnh và triển vọng an ninh khu vực chưa thực sự sáng sủa. Vấn đề Bán đảo Triều Tiên mặc dù có một số động thái ngoại giao tích cực chưa từng có, nhưng các tính toán, kế hoạch của các bên liên quan, đặc biệt là của Triều Tiên và Mỹ, vẫn còn có những xung đột.
Nhiều vướng mắc, như việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ được thực hiện theo cách thức nào, tuần tự ra sao... vẫn chưa được thống nhất và còn nhiều khác biệt. Chuyên gia Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh "Ngay cả khi Mỹ và Triều Tiên nối lại đàm phán và tiến hành các cuộc tiếp xúc để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới theo kế hoạch, con đường đi tới hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên vẫn còn là cả chặng đường dài."
Diễn đàn Shangri-La năm nay được coi là cơ hội tốt, thậm chí được coi là “bước đệm” để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tuy nhiên, những nội dung sẽ được các đại biểu tập trung đề cập còn nằm ở các chiến lược rộng hơn trong đối phó với các nguy cơ cũng như bảo đảm an ninh khu vực, nhất là trong bối cảnh hàng loạt thách thức về cả an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống vẫn đang đặt ra nhiều quan ngại.
Trong đó, phải kể đến mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và hồi giáo cực đoan ngày càng nghiêm trọng với những diễn biến phức tạp, thể hiển rõ nét qua hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Indonesia gần đây; hay tình hình Biển Đông cũng tiếp tục nổi lên những diễn biến đáng lo ngại với việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trái phép tại các thực thể ở Biển Đông.
Đặc biệt, trong bối cảnh sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược giữa các nước lớn một mặt tạo cơ hội, song cũng gây ra những rào cản đối với hợp tác của khu vực, tác động tới cơ chế giải quyết những "điểm nóng" an ninh trong khu vực, trọng tâm chính và được dư luận đặc biệt quan tâm tại diễn đàn năm nay sẽ là chủ đề về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và cấu trúc an ninh khu vực đang thay đổi.
Theo chương trình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ có bài phát biểu trong phiên toàn thể đầu tiên, đề cập vai trò của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, ông Mattis sẽ nêu quan điểm của Mỹ trong hàng loạt vấn đề an ninh khu vực.
Giới phân tích cho rằng bài phát biểu của ông Mattis sẽ là minh chứng cho việc Mỹ có dành sự tập trung cho hàng loạt thách thức ở khu vực như chính quyền Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố hay không, đồng thời hy vọng chiến lược quốc phòng mới vừa được Lầu Năm góc công bố gần đây, trong đó tập trung ưu tiên đối phó với Trung Quốc và Nga, cũng được ông Mattis đề cập cụ thể hơn.
Bài diễn văn chủ chốt của diễn đàn năm nay được dành cho phần phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong đó phác thảo vai trò của New Delhi trong việc định hình trật tự trong bối cảnh thế giới liên tục bất ổn và đưa ra cách tiếp cận không hiếu chiến trong các vấn đề ở Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên, một Thủ tướng Ấn Độ tham dự Đối thoại Shangri-La.
Ông Tim Huxley - Giám đốc điều hành của IISS-Asia, đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, nhận định việc Thủ tướng Modi phát biểu tại diễn đàn quy tụ các nhà lãnh đạo quốc phòng và an ninh từ khắp khu vực châu Á-Thái Bình dương một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của chính sách "hướng Đông" mà Ấn Độ đang theo đuổi. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu được lắng nghe những quan điểm của Ấn Độ về các vấn đề khu vực, tìm hiểu rõ hơn về vai trò của Ấn Độ trong cấu trúc an ninh khu vực đang hình thành, đặc biệt là trong nhóm Bộ Tứ khu vực (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), và trong chiến lược Ấn Độ dương-Thái Bình dương.
Nhiều chuyên gia nhận định việc ban tổ chức mời Thủ tướng Modi lần đầu tiên đăng đàn tại sự kiện là một lựa chọn “mang tính chiến lược,” đặc biệt là trong bối cảnh khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang nổi lên trở thành "từ khóa" của an ninh khu vực.
Dư luận hy vọng phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ, cũng như thông điệp mà các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Australia đưa tại diễn đàn lần này có thể giúp làm rõ hơn khái niệm Ấn Độ dương-Thái Bình dương, cũng như vai trò của Bộ Tứ trong cấu trúc an ninh khu vực hiện nay, từ đó tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, gây dựng lòng tin nhằm góp phần thiết thực vào giải quyết các thách thức.
Để duy trì hòa bình và ổn định khu vực, không thể thiếu vai trò quan trọng của các tổ chức đa phương như ASEAN, bởi về mặt địa lý, Đông Nam Á là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Về mặt thể chế, các diễn đàn do ASEAN đề xuất và chủ trì, như Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF), Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) hay Cấp cao Đông Á (EAS) …, đều có sự tham gia của tất cả các cường quốc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đặc biệt, chính sách đối ngoại tự chủ được các nước thành viên ASEAN duy trì lâu nay sẽ là "cái neo" chắc chắn trong bối cảnh sức ép từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng.
[Đại tướng Ngô Xuân Lịch sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore]
Tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La 2018 và có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn.
Việt Nam là khách mời từ những kỳ Shangri-La đầu tiên, tuy nhiên, đây là lần thứ 4 cấp Bộ trưởng tham gia. Điều này thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung, qua đó xây dựng lòng tin làm nền tảng thúc đẩy hợp tác vì hòa bình và phát triển.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam trình bày quan điểm về những vấn đề an ninh khu vực có liên quan đến lợi ích chính đáng của quốc gia, với chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Dự kiến, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch sẽ có bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ 3 với chủ đề định hình trật tự an ninh đang biến đổi tại châu Á.
Đối thoại Shangri-La là cơ hội để các nhà lãnh đạo quốc phòng các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương gặp gỡ, thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực nổi bật cùng quan tâm, trình bày quan điểm, thể hiện tính minh bạch trong chính sách quốc phòng-an ninh của mỗi quốc gia, từ đó tạo dựng lòng tin trong các vấn đề mang tính chiến lược.
Dư luận hy vọng các chủ đề được thảo luận tại diễn đàn năm nay sẽ thu hút nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, thực chất và hữu ích, góp phần tích cực trong việc định hình sách lược đối phó với các thách thức cũng như bảo đảm ổn định, an ninh bền vững, thúc đẩy hợp tác phát triển tại khu vực./.