Là con trai dân tộc Dao đầu bằng ở Lai Châu, trong đời ai cũng một lần làm Lễ Tủ Cải. Chỉ có trải qua “kỳ sát hạch” - Tủ Cải, người con trai mới được tổ tiên công nhận là con cháu, ghi tên vào gia phả, được cộng đồng bản làng nhìn nhận thực sự trưởng thành, và nhất là các thiếu nữ mới cho... lọt vào mắt xanh.
Kiêng kỵ đủ thứ
Từ ngày 22 đến 28/2, nhóm ba gia đình họ Phàn và họ Lù người Dao đầu bằng ở bản Tẩn Phù Nhiêu đã tổ chức “sát hạch” bốn cậu con trai từ 14 đến 15 tuổi, trong bảy ngày. Mỗi ngày, mỗi cậu bé này chỉ được ăn hai lưng cơm với rau và uống lưng chén nước.
Các cậu không được đi lại như ngày thường mà phải nằm nghiêng ở nhà. Khi “nỗi buồn thường nhật” mà dâng lên, các cậu bé phải lấy nón che đầu, lấy tay che mặt, không để ánh mặt trời soi vào, rồi lần từng bước đi ra ngoài giải quyết...
Anh Trần A Dâu bản Tẩn Phù Nhiêu, năm nay 24 tuổi, đã có hai con, từng trải qua “kỳ sát hạch” năm 14 tuổi, nhớ lại “những ngày làm Tủ Cải, mình phải kiêng đủ mọi thứ,” không được chặt cây rừng, không được ăn mỡ, không được đào đất, không được làm chết từ con kiến.
Ngay cả bố Dâu và ba thầy cúng làm lễ Tủ Cải cho Dâu cũng phải kiêng, trước lễ Tủ Cải 21 ngày và sau lễ Tủ Cải bảy ngày họ đều không được ngủ ... với vợ.
Ông Lù A Luân, thầy cúng hạng nhất ở bản Tẩn Phù Nhiêu nói: “Trong suốt lễ Tủ Cải chỉ cần một ai đó như người làm lễ hay người thụ lễ không tuân theo những điều kiêng kỵ thì Tủ Cải không thành.”
Người thụ lễ nếu thấy khát uống trộm nước sau này sẽ thường xuyên bị chảy máu cam. Nếu thấy đói, ăn thêm cơm, thịt thì lúc làm lễ sẽ bị choáng đầu, ngồi không vững, sau này đi ăn cỗ, hay ngồi nói chuyện trong đám đông nhất là có nhiều con gái sẽ bị nôn, oẹ...
Phải kiêng nhiều như thế nhưng là con trai dân tộc Dao đầu bằng, ai cũng muốn từ 9 hoặc 10 tuổi trở lên thì được bố, mẹ cho làm Tủ Cải. Vì làm Tủ Cải càng muộn thì chứng tỏ người đó nhà nghèo. Trên 18 tuổi mới làm Tủ Cải thì rất khó lấy được vợ. Còn không làm Tủ Cải, lúc chết người ta không làm ma cho mà chỉ chôn người ấy như chôn một con vật.
Tủ Cải kiêng không làm vào ngày con Lợn, con Rắn. Thời gian làm từ 5, 7, 9 ngày hay nhiều hơn là do thầy cúng xem sách quyết định. Mỗi đứa con trai, gia đình phải mời ít nhất ba thầy cúng làm lễ cho. Và kể từ khi làm Tủ Cải về sau này, đứa trẻ sẽ tôn trọng và xưng hô với ba thầy cúng nhận làm Tủ Cải cho theo quan hệ bố con.
Khi đã chọn được ngày tốt, địa điểm tổ chức, những đứa trẻ cùng gia đình, thầy cúng bắt đầu kiêng kỵ. Tủ Cải được diễn ra với hàng trăm thủ tục, nghi thức diễn tả sự hình thành trời, đất và con người cùng các lời răn dạy làm người sống hướng thiện, hướng về nguồn cội, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng.
Tập trung đậm đặc nhất là các nghi thức trong suốt hai ngày cuối cùng của “kỳ sát hạch.” Cũng chính thế mà “kỳ sát hạch” này được dân bản tổ chức “to tương đương làm ma khi chết và to hơn đám cưới.”
Ngày nay gia đình có một đứa trẻ làm Tủ Cải góp khoảng chục con gà, một con lợn 50kg, 300.000 đồng để cùng tổ chức làm lễ và thiết đãi dân bản. Khi lễ Tủ Cải xong, mỗi thầy cúng được gia đình có con làm Tủ Cải ngoài cảm ơn bằng mời ăn cơm, uống rượu còn tặng một cái đùi lợn mang về...
Thời khắc đời trai
Ấy là hai ngày cuối cùng của “kỳ sát hạch”. Khoảng 13 giờ chiều hôm trước, cậu bé cuối cùng diện trang phục mới dân tộc Dao đầu bằng được các thầy cúng đưa về tập hợp tại nhà anh Phàn A Páo bản Tẩn Phù Nhiêu. Đến khoảng 18 giờ chiều, nhà anh Páo chật kín người.
Giữa nhà ban thờ được đặt chia ra hai phần. Một phần làm lễ cho một cậu bé được đi rơi, một phần để làm lễ cho ba cậu bé không được đi rơi. Hương khói nghi ngút hòa quyện cùng tiếng trống, tiếng chuông, các thầy cúng lầm rầm khấn sáu bài cúng với nội dung cầu xin các thần linh, ông bà, tổ tiên về chứng giám, giúp đỡ, đặt thêm cho mỗi đứa trẻ một cái tên nữa để ghi vào gia phả dòng họ. Cái tên này chỉ được gọi lên trong các lễ cúng về sau.
Theo nhịp trống, nhịp chiêng, các thầy cúng thay phiên nhau làm lễ, lên đồng, một nhóm phụ nữ ngồi gần hát luyến, đối theo. Chừng nửa tiếng các thầy cúng nghỉ giải lao một lần, gia đình lại mang rượu ra mời để tỏ lòng cảm ơn.
Cứ như vậy, suốt đêm tiếng trống, tiếng chuông cứ đều đều vang lên khắp bản. Tất cả những ai thức xem, cổ vũ đều được chia lộc bánh sôi, bánh mật ba lần.
Đến khoảng 5 giờ sáng, những đứa trẻ không đi rơi được làm lễ ra đời trước bằng các nghi lễ như đóng dấu thông hành, soi ngọn đèn dầu cây tía tô với ý nghĩa để tẩy sạch thể xác trước khi tiếp nhận linh hồn. Hay nghi thức buộc đồng xu lên đầu đứa trẻ rồi cắt với ý nghĩa như cắt rốn khi sinh...
Đến tảng sáng, đất trời còn giao nhau bởi màn sương đêm dày đặc, tiếng trống, tiếng chiêng dồn dập. Các thầy cúng phát lệnh mang ba cờ hình con rết, đưa một đứa trẻ ra khu đất bằng phẳng đã chuẩn bị sẵn bệ rơi (Mà đài). Từ nhà ra Mà đài chừng 100m, các thầy cúng làm bốn lần nghi lễ gặp khó khăn giữa đường mà cậu bé phải vượt qua, được hiểu như trong cuộc sống đời thường cũng vậy.
Sau khi đưa cậu bé lên Mà đài, các thầy cúng cùng nhau làm nghi thức rủ nhau vào rừng tìm dấu vết, bắt con chồn, con sóc... để sau này cậu bé trưởng thành học tập. Cho đến khi mặt trời ửng lên những tia nắng đầu tiên, cũng là lúc cậu bé rơi khỏi Mà đài trong tư thế như một bào thai, ở dưới có nhiều trai tráng đỡ bằng những tấm chăn bông phủ lên chiếc võng đan bằng dây rừng.
Khi đứa trẻ rơi xuống, được các trai bản khỏe mạnh đỡ bằng những tấm chăn bông gói chặt một lúc. Rồi thầy cúng cầm dao ra cắt chiếc võng, mở tấm chăn bông, gỡ hai tay đứa trẻ đan chặt vào nhau ra, nhẹ nhàng dìu cậu bé dậy và bón những miếng bánh, ngụm nước đầu tiên sau một tuần ăn, uống kiêng khem./.
Kiêng kỵ đủ thứ
Từ ngày 22 đến 28/2, nhóm ba gia đình họ Phàn và họ Lù người Dao đầu bằng ở bản Tẩn Phù Nhiêu đã tổ chức “sát hạch” bốn cậu con trai từ 14 đến 15 tuổi, trong bảy ngày. Mỗi ngày, mỗi cậu bé này chỉ được ăn hai lưng cơm với rau và uống lưng chén nước.
Các cậu không được đi lại như ngày thường mà phải nằm nghiêng ở nhà. Khi “nỗi buồn thường nhật” mà dâng lên, các cậu bé phải lấy nón che đầu, lấy tay che mặt, không để ánh mặt trời soi vào, rồi lần từng bước đi ra ngoài giải quyết...
Anh Trần A Dâu bản Tẩn Phù Nhiêu, năm nay 24 tuổi, đã có hai con, từng trải qua “kỳ sát hạch” năm 14 tuổi, nhớ lại “những ngày làm Tủ Cải, mình phải kiêng đủ mọi thứ,” không được chặt cây rừng, không được ăn mỡ, không được đào đất, không được làm chết từ con kiến.
Ngay cả bố Dâu và ba thầy cúng làm lễ Tủ Cải cho Dâu cũng phải kiêng, trước lễ Tủ Cải 21 ngày và sau lễ Tủ Cải bảy ngày họ đều không được ngủ ... với vợ.
Ông Lù A Luân, thầy cúng hạng nhất ở bản Tẩn Phù Nhiêu nói: “Trong suốt lễ Tủ Cải chỉ cần một ai đó như người làm lễ hay người thụ lễ không tuân theo những điều kiêng kỵ thì Tủ Cải không thành.”
Người thụ lễ nếu thấy khát uống trộm nước sau này sẽ thường xuyên bị chảy máu cam. Nếu thấy đói, ăn thêm cơm, thịt thì lúc làm lễ sẽ bị choáng đầu, ngồi không vững, sau này đi ăn cỗ, hay ngồi nói chuyện trong đám đông nhất là có nhiều con gái sẽ bị nôn, oẹ...
Phải kiêng nhiều như thế nhưng là con trai dân tộc Dao đầu bằng, ai cũng muốn từ 9 hoặc 10 tuổi trở lên thì được bố, mẹ cho làm Tủ Cải. Vì làm Tủ Cải càng muộn thì chứng tỏ người đó nhà nghèo. Trên 18 tuổi mới làm Tủ Cải thì rất khó lấy được vợ. Còn không làm Tủ Cải, lúc chết người ta không làm ma cho mà chỉ chôn người ấy như chôn một con vật.
Tủ Cải kiêng không làm vào ngày con Lợn, con Rắn. Thời gian làm từ 5, 7, 9 ngày hay nhiều hơn là do thầy cúng xem sách quyết định. Mỗi đứa con trai, gia đình phải mời ít nhất ba thầy cúng làm lễ cho. Và kể từ khi làm Tủ Cải về sau này, đứa trẻ sẽ tôn trọng và xưng hô với ba thầy cúng nhận làm Tủ Cải cho theo quan hệ bố con.
Khi đã chọn được ngày tốt, địa điểm tổ chức, những đứa trẻ cùng gia đình, thầy cúng bắt đầu kiêng kỵ. Tủ Cải được diễn ra với hàng trăm thủ tục, nghi thức diễn tả sự hình thành trời, đất và con người cùng các lời răn dạy làm người sống hướng thiện, hướng về nguồn cội, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng.
Tập trung đậm đặc nhất là các nghi thức trong suốt hai ngày cuối cùng của “kỳ sát hạch.” Cũng chính thế mà “kỳ sát hạch” này được dân bản tổ chức “to tương đương làm ma khi chết và to hơn đám cưới.”
Ngày nay gia đình có một đứa trẻ làm Tủ Cải góp khoảng chục con gà, một con lợn 50kg, 300.000 đồng để cùng tổ chức làm lễ và thiết đãi dân bản. Khi lễ Tủ Cải xong, mỗi thầy cúng được gia đình có con làm Tủ Cải ngoài cảm ơn bằng mời ăn cơm, uống rượu còn tặng một cái đùi lợn mang về...
Thời khắc đời trai
Ấy là hai ngày cuối cùng của “kỳ sát hạch”. Khoảng 13 giờ chiều hôm trước, cậu bé cuối cùng diện trang phục mới dân tộc Dao đầu bằng được các thầy cúng đưa về tập hợp tại nhà anh Phàn A Páo bản Tẩn Phù Nhiêu. Đến khoảng 18 giờ chiều, nhà anh Páo chật kín người.
Giữa nhà ban thờ được đặt chia ra hai phần. Một phần làm lễ cho một cậu bé được đi rơi, một phần để làm lễ cho ba cậu bé không được đi rơi. Hương khói nghi ngút hòa quyện cùng tiếng trống, tiếng chuông, các thầy cúng lầm rầm khấn sáu bài cúng với nội dung cầu xin các thần linh, ông bà, tổ tiên về chứng giám, giúp đỡ, đặt thêm cho mỗi đứa trẻ một cái tên nữa để ghi vào gia phả dòng họ. Cái tên này chỉ được gọi lên trong các lễ cúng về sau.
Theo nhịp trống, nhịp chiêng, các thầy cúng thay phiên nhau làm lễ, lên đồng, một nhóm phụ nữ ngồi gần hát luyến, đối theo. Chừng nửa tiếng các thầy cúng nghỉ giải lao một lần, gia đình lại mang rượu ra mời để tỏ lòng cảm ơn.
Cứ như vậy, suốt đêm tiếng trống, tiếng chuông cứ đều đều vang lên khắp bản. Tất cả những ai thức xem, cổ vũ đều được chia lộc bánh sôi, bánh mật ba lần.
Đến khoảng 5 giờ sáng, những đứa trẻ không đi rơi được làm lễ ra đời trước bằng các nghi lễ như đóng dấu thông hành, soi ngọn đèn dầu cây tía tô với ý nghĩa để tẩy sạch thể xác trước khi tiếp nhận linh hồn. Hay nghi thức buộc đồng xu lên đầu đứa trẻ rồi cắt với ý nghĩa như cắt rốn khi sinh...
Đến tảng sáng, đất trời còn giao nhau bởi màn sương đêm dày đặc, tiếng trống, tiếng chiêng dồn dập. Các thầy cúng phát lệnh mang ba cờ hình con rết, đưa một đứa trẻ ra khu đất bằng phẳng đã chuẩn bị sẵn bệ rơi (Mà đài). Từ nhà ra Mà đài chừng 100m, các thầy cúng làm bốn lần nghi lễ gặp khó khăn giữa đường mà cậu bé phải vượt qua, được hiểu như trong cuộc sống đời thường cũng vậy.
Sau khi đưa cậu bé lên Mà đài, các thầy cúng cùng nhau làm nghi thức rủ nhau vào rừng tìm dấu vết, bắt con chồn, con sóc... để sau này cậu bé trưởng thành học tập. Cho đến khi mặt trời ửng lên những tia nắng đầu tiên, cũng là lúc cậu bé rơi khỏi Mà đài trong tư thế như một bào thai, ở dưới có nhiều trai tráng đỡ bằng những tấm chăn bông phủ lên chiếc võng đan bằng dây rừng.
Khi đứa trẻ rơi xuống, được các trai bản khỏe mạnh đỡ bằng những tấm chăn bông gói chặt một lúc. Rồi thầy cúng cầm dao ra cắt chiếc võng, mở tấm chăn bông, gỡ hai tay đứa trẻ đan chặt vào nhau ra, nhẹ nhàng dìu cậu bé dậy và bón những miếng bánh, ngụm nước đầu tiên sau một tuần ăn, uống kiêng khem./.
Nguyễn Công Hải (Vietnam+)