Những con sóng vần vũ đu đưa rồi táp thẳng vào mũi con thuyền sắt không động cơ sức chứa 12 người đang lầm lũi lê từng mét trên mặt biển.
Phía mũi con thuyền, sợi dây thừng to chừng cổ tay người lúc căng, lúc chùng, buộc chặt vào đuôi chiếc xuồng gắn máy gầm gừ nhảy ổ gà trên mũi sóng.
Vượt sóng
Biển động cấp 6, cấp 7, tiếng Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ 146 - Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác ra Trường Sa dõng dạc xuyên qua tiếng sóng biển ồn ã vỗ chan chát vào mạn thuyền: "Chúng ta phải cố gắng khắc phục thời tiết xấu, tới đủ hai điểm đảo còn lại trên Đảo Đá Tây để chuyển hàng Tết trong ngày đầu tiên của năm 2011."
Nhận lệnh thủ trưởng, nhóm thủy thủ căng mắt, tập trung cao độ lái con thuyền chở nhóm nhà báo và đoàn công tác cùng hàng hóa ra điểm đảo. Mưa lây phây, gió thổi bạt người đứng. Thuyền đi ngược gió, cột sóng nâng thuyền lên cao hai ba mét rồi bất thình lình biến mất làm cho chiếc thuyền như mất điểm tựa, rơi tự do xuống mặt biển.
Cả đoàn trong người nhộn nhạo, bầm dập vì sóng, vì va đập. Thỉnh thoảng, một vài con sóng “mồ côi” vỗ mạnh vào mũi tàu, tung bọt thẳng vào đoàn người. Mồm miệng ai nấy đều mặn chát vì nước biển, cố gắng bám chặt vào thành con thuyền sắt đang như con ngựa bất kham, rung, lắc dữ dội. Một vài thành viên trong đoàn lảo đảo, say theo từng nhịp sóng.
Sau chừng 1 giờ cưỡi trên lưng chiếc thuyền sắt trên đoạn đường chỉ độ 2km, cả đoàn công tác gồm những thủy thủ và các nhà báo cũng đã đến được Điểm đảo Đá Tây C - điểm đảo khó khăn nhất trong cụm Đảo chìm Đá Tây, quần đảo Trường Sa.
Toàn đội hình Điểm đảo Đá Tây C tập trung trên cầu tàu đón đoàn, neo thuyền và hỗ trợ đoàn công tác lên đảo. Đàn chó của bộ đội trên đảo gồm hơn chục chú khuyển mạnh khỏe, săn chắc, lâu lắm mới thấy nhóm người lên đảo, cũng ùa ra cầu tàu, khoe đuôi mừng rối rít.
Độc đáo vườn treo
Cụm đảo chìm Đá Tây có vị trí địa lý đặc biệt trong quần đảo Trường Sa, đồng thời cũng là cụm đảo rất thuận lợi cho kinh doanh, dịch vụ khai thác hải sản, nghề cá. Trong cụm đảo thường xuyên có các tàu cá của ngư dân và doanh nghiệp trong nhiều tỉnh, thành của cả nước đến đánh bắt, khai thác.
Mặc dù có điều kiện cơ sở vật chất khó khăn hơn hai điểm đảo còn lại nhưng nét độc đáo của Đá Tây C là hệ thống vườn treo với nhiều sản phẩm rau xanh tươi tốt và số lượng vật nuôi đông đảo để cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sỹ.
Điểm trưởng Đá Tây C, Trung úy Phạm Quang Thụ cho biết năm 2010, đơn vị đã chủ động tăng gia được gần 700kg rau xanh, khai thác, nuôi trồng gần 550kg cá và khoảng hơn 110kg thịt các loại. Đảo duy trì tốt phong trào thi đua “bếp nuôi quân giỏi” và tận dụng mọi địa hình, địa vật có thể làm diện tích đặt các chậu bọt biển trồng rau.
Từ chân tháp gió năng lượng sạch, hàng rau mồng tơi, lá rau hơn bàn tay, chen nhau vươn đều, lan rộng xanh mướt. Dưới mái hiên tháp pháo, hay trên nắp téc chứa nước ngọt của đơn vị, những thùng xốp chứa tivi, radio, máy tính được tận dụng triệt để thành những chậu chứa đất trồng được mang tới từ đất liền xa xôi. Trên những hộp xốp mảnh khảnh đó, nào rau mồng tơi, ớt chỉ thiên, rau cải vươn lên đầy sức sống.
Ngô Xuân Du, chàng trai 24 tuổi gốc Đông Anh, Hà Nội kể về khu vườn chỉn chu của mình một cách say mê: "Bốn tháng rời Thủ đô ra đảo, ngoài giờ trực làm nhiệm vụ dẫn luồng, phụ trách đèn, cờ là em lại dành trọn thời gian cho vườn rau."
Du cùng một đồng đội dựng một chuồng cọp bằng những mảng bè gỗ trôi dạt trên biển hoặc kiếm được từ các hòm đồ chuyển ra đảo. Nhờ có chiếc chuồng cọp đặc biệt này, khu vườn rau được che chắn, ngăn cách với gió, nắng và nước biển để nảy nở, sinh sôi bất chấp khí hậu vô cùng khắc nghiệt của thời tiết biển đảo.
Nói về động lực phấn đấu, chiến đấu, nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn của mình, Du thành thật, hiện nay, điều kiện sống, chiến đấu, đời sống vật chất tinh thần ngoài hải đảo đã được cải thiện rất nhiều so với những năm trước đây. Là lính mới, lần đầu tiên ra đảo nhưng Du thấy chế độ đãi ngộ, lương bổng của Nhà nước, quân chủng Hải quân cho cán bộ chiến sỹ là đảm bảo, điều kiện vật chất cũng nhiều hơn, giúp cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, phấn đấu.
Bữa cơm tất niên
Cũng trong hai ngày, từ tối 31/12 và sáng ngày đầu tiên của năm mới, Đoàn công tác đã chuyển hết số hàng hóa Tết, thăm hỏi và kiểm tra công tác hai điểm đảo Đá Tây A, Đá Tây B.
Đêm cuối cùng của năm cũ, cả đoàn công tác vui vẻ trong bữa cơm tất niên trên Đảo Đá Tây B với món cá bò thiết giáp, giá tự ngâm và rau xanh do bộ đội tự trồng trên đảo.
Bữa cơm như vui thêm với những lời ca, tiếng đàn của anh em cán bộ, chiến sỹ. Quá nửa đêm, trong tiếng sóng biển gầm gừ, vẫn thoảng thấy lời ca, tiếng đàn guitar của anh em bộ đội chào năm mới.
Những tưởng sau cuộc liên hoan, bộ đội sẽ được nghỉ ngơi vậy mà trong lúc những nhà báo trải nghiệm đêm đầu tiên ngủ trên đảo chìm thì chuông báo động réo vang, lập tức các cán bộ chiến sỹ tập hợp, vào vị trí chiến đấu. Một bài kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được đích thân Lữ phó Nguyễn Hồng Quân tổ chức, theo dõi và đánh giá.
Đời lính biển, vui nhưng không bao giờ quên nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Điểm trưởng Đá Tây B, Thượng úy Ngô Gia Thế tâm sự./.
Phía mũi con thuyền, sợi dây thừng to chừng cổ tay người lúc căng, lúc chùng, buộc chặt vào đuôi chiếc xuồng gắn máy gầm gừ nhảy ổ gà trên mũi sóng.
Vượt sóng
Biển động cấp 6, cấp 7, tiếng Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ 146 - Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác ra Trường Sa dõng dạc xuyên qua tiếng sóng biển ồn ã vỗ chan chát vào mạn thuyền: "Chúng ta phải cố gắng khắc phục thời tiết xấu, tới đủ hai điểm đảo còn lại trên Đảo Đá Tây để chuyển hàng Tết trong ngày đầu tiên của năm 2011."
Nhận lệnh thủ trưởng, nhóm thủy thủ căng mắt, tập trung cao độ lái con thuyền chở nhóm nhà báo và đoàn công tác cùng hàng hóa ra điểm đảo. Mưa lây phây, gió thổi bạt người đứng. Thuyền đi ngược gió, cột sóng nâng thuyền lên cao hai ba mét rồi bất thình lình biến mất làm cho chiếc thuyền như mất điểm tựa, rơi tự do xuống mặt biển.
Cả đoàn trong người nhộn nhạo, bầm dập vì sóng, vì va đập. Thỉnh thoảng, một vài con sóng “mồ côi” vỗ mạnh vào mũi tàu, tung bọt thẳng vào đoàn người. Mồm miệng ai nấy đều mặn chát vì nước biển, cố gắng bám chặt vào thành con thuyền sắt đang như con ngựa bất kham, rung, lắc dữ dội. Một vài thành viên trong đoàn lảo đảo, say theo từng nhịp sóng.
Sau chừng 1 giờ cưỡi trên lưng chiếc thuyền sắt trên đoạn đường chỉ độ 2km, cả đoàn công tác gồm những thủy thủ và các nhà báo cũng đã đến được Điểm đảo Đá Tây C - điểm đảo khó khăn nhất trong cụm Đảo chìm Đá Tây, quần đảo Trường Sa.
Toàn đội hình Điểm đảo Đá Tây C tập trung trên cầu tàu đón đoàn, neo thuyền và hỗ trợ đoàn công tác lên đảo. Đàn chó của bộ đội trên đảo gồm hơn chục chú khuyển mạnh khỏe, săn chắc, lâu lắm mới thấy nhóm người lên đảo, cũng ùa ra cầu tàu, khoe đuôi mừng rối rít.
Độc đáo vườn treo
Cụm đảo chìm Đá Tây có vị trí địa lý đặc biệt trong quần đảo Trường Sa, đồng thời cũng là cụm đảo rất thuận lợi cho kinh doanh, dịch vụ khai thác hải sản, nghề cá. Trong cụm đảo thường xuyên có các tàu cá của ngư dân và doanh nghiệp trong nhiều tỉnh, thành của cả nước đến đánh bắt, khai thác.
Mặc dù có điều kiện cơ sở vật chất khó khăn hơn hai điểm đảo còn lại nhưng nét độc đáo của Đá Tây C là hệ thống vườn treo với nhiều sản phẩm rau xanh tươi tốt và số lượng vật nuôi đông đảo để cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sỹ.
Điểm trưởng Đá Tây C, Trung úy Phạm Quang Thụ cho biết năm 2010, đơn vị đã chủ động tăng gia được gần 700kg rau xanh, khai thác, nuôi trồng gần 550kg cá và khoảng hơn 110kg thịt các loại. Đảo duy trì tốt phong trào thi đua “bếp nuôi quân giỏi” và tận dụng mọi địa hình, địa vật có thể làm diện tích đặt các chậu bọt biển trồng rau.
Từ chân tháp gió năng lượng sạch, hàng rau mồng tơi, lá rau hơn bàn tay, chen nhau vươn đều, lan rộng xanh mướt. Dưới mái hiên tháp pháo, hay trên nắp téc chứa nước ngọt của đơn vị, những thùng xốp chứa tivi, radio, máy tính được tận dụng triệt để thành những chậu chứa đất trồng được mang tới từ đất liền xa xôi. Trên những hộp xốp mảnh khảnh đó, nào rau mồng tơi, ớt chỉ thiên, rau cải vươn lên đầy sức sống.
Ngô Xuân Du, chàng trai 24 tuổi gốc Đông Anh, Hà Nội kể về khu vườn chỉn chu của mình một cách say mê: "Bốn tháng rời Thủ đô ra đảo, ngoài giờ trực làm nhiệm vụ dẫn luồng, phụ trách đèn, cờ là em lại dành trọn thời gian cho vườn rau."
Du cùng một đồng đội dựng một chuồng cọp bằng những mảng bè gỗ trôi dạt trên biển hoặc kiếm được từ các hòm đồ chuyển ra đảo. Nhờ có chiếc chuồng cọp đặc biệt này, khu vườn rau được che chắn, ngăn cách với gió, nắng và nước biển để nảy nở, sinh sôi bất chấp khí hậu vô cùng khắc nghiệt của thời tiết biển đảo.
Nói về động lực phấn đấu, chiến đấu, nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn của mình, Du thành thật, hiện nay, điều kiện sống, chiến đấu, đời sống vật chất tinh thần ngoài hải đảo đã được cải thiện rất nhiều so với những năm trước đây. Là lính mới, lần đầu tiên ra đảo nhưng Du thấy chế độ đãi ngộ, lương bổng của Nhà nước, quân chủng Hải quân cho cán bộ chiến sỹ là đảm bảo, điều kiện vật chất cũng nhiều hơn, giúp cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, phấn đấu.
Bữa cơm tất niên
Cũng trong hai ngày, từ tối 31/12 và sáng ngày đầu tiên của năm mới, Đoàn công tác đã chuyển hết số hàng hóa Tết, thăm hỏi và kiểm tra công tác hai điểm đảo Đá Tây A, Đá Tây B.
Đêm cuối cùng của năm cũ, cả đoàn công tác vui vẻ trong bữa cơm tất niên trên Đảo Đá Tây B với món cá bò thiết giáp, giá tự ngâm và rau xanh do bộ đội tự trồng trên đảo.
Bữa cơm như vui thêm với những lời ca, tiếng đàn của anh em cán bộ, chiến sỹ. Quá nửa đêm, trong tiếng sóng biển gầm gừ, vẫn thoảng thấy lời ca, tiếng đàn guitar của anh em bộ đội chào năm mới.
Những tưởng sau cuộc liên hoan, bộ đội sẽ được nghỉ ngơi vậy mà trong lúc những nhà báo trải nghiệm đêm đầu tiên ngủ trên đảo chìm thì chuông báo động réo vang, lập tức các cán bộ chiến sỹ tập hợp, vào vị trí chiến đấu. Một bài kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được đích thân Lữ phó Nguyễn Hồng Quân tổ chức, theo dõi và đánh giá.
Đời lính biển, vui nhưng không bao giờ quên nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Điểm trưởng Đá Tây B, Thượng úy Ngô Gia Thế tâm sự./.
Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)