Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm ảnh 1Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Cục Sở hữu trí tuệ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thông tin về hoạt động sở hữu trí tuệ trong 6 tháng đầu năm của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đưa ra ngày 23/7 cho thấy, công tác tiếp nhận và xử lý đơn đã có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, tính đến hết ngày 30/6/2019, lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp nhận được tăng cao so với cùng kỳ (tăng 15%), trong đó đơn đăng ký sáng chế, đơn kiểu dáng công nghiệp và đăng ký quốc tế nhãn hiệu tăng cao lần lượt là 22,7%, 23,5% và 27,5%.

Đặc biệt, công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng mạnh với số lượng đơn được xử lý tăng cao kỷ lục đến 66,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó kết quả xử lý đơn sáng chế và nhãn hiệu tăng rất cao, lần lượt là 79,2% và 83,8%.

Cục Sở hữu Trí tuệ cũng đã tập trung xử lý các đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam và đơn khiếu nại tồn sâu (kết quả xử lý đơn khiếu nại tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2018).

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Cục Sở hữu trí tuệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm của đơn vị này, từ việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để thi hành Hiệp định CPTPP đến việc hoàn thành xây dựng dự thảo Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị ký ban hành. Cục Sở hữu trí tuệ cũng tập trung triển khai nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để trình Chính phủ trong tháng 10/2019...

Ông Tạc khẳng định, với tốc độ nộp đơn ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước, các hoạt động hợp tác quốc tế phải tham gia thường xuyên hơn, công tác xây dựng và xử lý văn bản ngày càng gấp rút… thì đây thực sự là khối lượng công việc khổng lồ, điều này cũng cho thấy sự nỗ lực rất lớn trên mọi mặt trận từ đối nội đến đối ngoại của tập thể cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, ông Tạc cũng nhận định, khi lượng đơn nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ ngày càng tăng thì cần phải có giải pháp xử lý và đây cũng là thách thức rất lớn đối với Cục Sở hữu trí tuệ và Bộ Khoa học Công nghệ.

[Sửa đổi quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ để thực thi hiệu quả CPTPP]

Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP, FTA và gần đây nhất EVFTA thì vai trò của sở hữu trí tuệ ngày càng tăng và rất nhiều việc cần phải làm. Thứ trưởng Phạm Công Tạc đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cần tăng cường trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng và tiến độ xử lý đơn để thực sự là bước đột phá trong sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung và Cục Sở hữu trí tuệ nói riêng.

Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí, trong 6 tháng cuối năm 2019, bên cạnh việc trình Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; triển khai nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để trình Chính phủ trong tháng 10/2019..., Cục sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xử lý đơn sở hữu trí tuệ, trong đó ưu tiên các đơn sáng chế và nhãn hiệu, cũng như đơn sáng chế của người nộp đơn Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng Mạng lưới các Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (IP-Hub)... Tích cực, chủ động tham gia đàm phán nội dung sở hữu trí tuệ trong các FTA; hoàn tất thủ tục gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục