Trong 3 ngày từ 23-25/4, tại St. Petersburg (Nga) diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ 12 Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh.
Tham dự sự kiện có các thư ký hội đồng an ninh, cố vấn và trợ lý an ninh quốc gia, phó thủ tướng, người đứng đầu các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tình báo của 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như đại diện của 10 tổ chức quốc tế.
Đại diện nước chủ nhà là Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev. Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu.
Phát biểu khai mạc trong phiên toàn thể ngày 24/4, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Patrushev cho rằng Hội nghị này ngay từ đầu đã cho thấy sự cần thiết vì nó mở ra cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm những cách tiếp cận mới và các giải pháp tổng hợp chung cho các vấn đề cấp bách về an ninh khu vực và toàn cầu.
Đề cập đến các vấn đề an ninh quốc tế, ông Patrushev khẳng định: “Nga sẽ tiếp tục bảo vệ quá trình tạo ra trật tự thế giới công bằng, đáp ứng lợi ích của đa số các nước, dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng bản sắc văn hóa-văn minh.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thông điệp video chào mừng Hội nghị. Trong thông điệp, Tổng thống Putin khẳng định chủ nghĩa khủng bố quốc tế vẫn là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21, đồng thời, một vấn đề an ninh cấp bách hiện nay là bảo vệ không gian thông tin trước những mối đe dọa bên ngoài và bên trong.
Theo ông, chủ đề này có liên quan đến tất cả các nước, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc bảo đảm an ninh quốc gia, ổn định xã hội và phát triển kinh tế.
Tổng thống Nga bày tỏ: “Chúng tôi cho rằng cộng đồng thế giới cần tạo ra một cách có hệ thống và nhất quán các chuẩn mực và nguyên tắc thống nhất, ràng buộc về mặt pháp lý cho hành vi của các quốc gia trong lĩnh vực thông tin.”
Ông cũng tái khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác quan tâm nhằm đảm bảo an ninh khu vực và toàn cầu trong quá trình hình thành trật tự thế giới đa cực mới, đáp ứng lợi ích của đa số các nước trên thế giới.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - nhận định sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trên phạm vi toàn cầu đang đẩy nhanh các hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra trên diện rộng, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê của các hãng bảo mật quốc tế, Việt Nam nằm trong nhóm ba nước bị tấn công mạng nhiều nhất tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Hoạt động tội phạm công nghệ cao thường kết cấu với đối tượng ở nước ngoài, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác đa phương hiện có trong các khuôn khổ như Interpol, Europol, Aseanpol và những cơ chế khác để điều tiết, hỗ trợ các nước trong công cuộc đảm bảo an ninh mạng, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của Hội nghị và mong muốn tiếp tục cùng các đối tác và bạn bè quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến về phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 12 Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh cũng đã diễn ra cuộc gặp đa phương - phiên tham vấn lần thứ 4 lãnh đạo an ninh các quốc gia thành viên ASEAN và Nga, trong đó, Nga khẳng định quyết tâm tăng cường đối thoại với ASEAN trên mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực an ninh.
Trước đó, ngày 23/4, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có cuộc gặp song phương với Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Patrushev.
Tại cuộc gặp, hai bên bày tỏ mong muốn tăng cường đối thoại, đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật hai nước.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nga, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có buổi làm việc với Chính quyền thành phố St. Petersburg và đặt hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở “thủ đô Phương Bắc” của nước Nga./.
Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực về an ninh mạng
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hợp tác giữa Bộ Công an với các doanh nghiệp công nghệ Hoa Kỳ có thể mang lại những lợi ích trong việc nâng cao năng lực phòng, chống các đe dọa trên không gian mạng.