'Dòng chảy phương Bắc 2' vẫn được tiếp tục bất chấp sự phản đối của Mỹ

Các quan chức hàng hải của Đức đã đưa ra cảnh báo đối với tàu thuyền tránh khu vực Biển Baltic từ 5-31/12, đây là nơi các đoạn đường ống cuối cùng của dự án "Dòng chảy phương Bắc" đang được lắp đặt.
Công trình lắp đặt đường ống trong dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức ngày 26/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công trình lắp đặt đường ống trong dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức ngày 26/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các hoạt động hoàn tất dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" dự kiến sẽ được tiếp tục bất chấp sự phản đối của Mỹ đối với đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức này.

Các quan chức hàng hải của Đức đã đưa ra cảnh báo đối với tàu thuyền tránh khu vực Biển Baltic từ ngày 5-31/12. Đây là nơi các đoạn đường ống cuối cùng đang được lắp đặt.

Trang web theo dõi tàu thuyền marinetraffic.com cũng ghi nhận các tàu lắp đặt đường ống của Nga như Fortuna và Akademik Cherskiy đang di chuyển về phía khu vực này.

Trước đó, phát biểu trên báo Handelsblatt của Đức ngày 5/12, quyền Đại sứ Mỹ tại Đức Robin Quinville nhấn mạnh: "Đã đến lúc Đức và EU cần áp đặt lệnh cấm xây dựng đường ống..."

Theo Washington, đây không chỉ là một dự án kinh tế đơn thuần mà có thể là công cụ chính trị của Moskva, tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ châu Âu.

Dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" là đường ống dẫn khí đốt trị giá 10 tỷ euro (khoảng 11 tỷ USD) kéo dài 1.200km sắp hoàn thiện dưới Biển Baltic.

[Mỹ hối thúc EU ngừng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga]

Đường ống này được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên vận chuyển từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Từ lâu, Mỹ đã chỉ trích các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, đồng thời công bố các biện pháp trừng phạt liên quan dự án nói trên.

Dự án đã bị đình lại khoảng một năm trước, song việc xây dựng sẽ được tiếp tục vào cuối tuần này. Dự án hiện chỉ còn khoảng 6% trong tổng chiều dài 1.200km của đường ống còn dang dở.

Ngoài tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, các công ty quốc tế tham gia dự án bao gồm nhiều "ông lớn" của châu Âu như Wintershall và Uniper (cùng của Đức), Shell (Anh và Hà Lan), Engie (Pháp) và OMV (Áo).

Ba Lan, Ukraine và các nước Baltic cũng phản đối quyết liệt đường ống này, vì lo ngại dự án sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Chuyên gia phân tích Yuriy Korolchuk, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Ukraine, cho rằng dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" hoàn thành có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến Kiev, vì hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga qua đường ống ở Ukraine có thể giảm đáng kể.

Chuyên gia này nhận xét dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" có thể hoàn công vào tháng 4-6/2021, vì 93% dự án đã được hoàn thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục