Mỹ đưa biện pháp trừng phạt dự án khí đốt Nga vào dự luật quốc phòng

Các biện pháp trừng phạt nói trên dự kiến được đưa vào Đạo luật Ủy quyền quốc phòng của Mỹ, nhằm vào những công ty tạo điều kiện xây dựng đường ống dẫn khí đốt.
Mỹ đưa biện pháp trừng phạt dự án khí đốt Nga vào dự luật quốc phòng ảnh 1Công trình lắp đặt đường ống trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức ngày 26/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 11/11, các trợ lý Quốc hội Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt được cho là có thể cản trở dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) - một trong những dự án quan trọng nhất của Nga tại châu Âu - đã được đưa vào dự luật chính sách quốc phòng thương niên của Mỹ.

Theo nguồn tin trên, các biện pháp trừng phạt nói trên dự kiến được đưa vào Đạo luật Ủy quyền quốc phòng của Mỹ, nhằm vào những công ty tạo điều kiện xây dựng đường ống dẫn khí đốt, bao gồm cả các tàu trợ giúp các hoạt động đặt đường ống hoặc di chuyển đá ở đáy biển.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt trên cũng sẽ được áp dụng với các công ty cung cấp bảo hiểm cho việc xây dựng và chứng nhận đường ống ở Đan Mạch.  

Những người ủng hộ dự luật trên hy vọng các biện pháp trừng phạt sẽ ngăn tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sử dụng tàu đặt đường ống Akademik Cherskiy hoàn thành chặng cuối cùng dài 120km của dự án trong vùng biển Đan Mạch.

[Quan chức Đức phản đối trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc 2]

Dự luật sẽ trở thành luật sau khi được hai viện Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Donald Trump ký ban hành.

Dự án Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD do tập đoàn Gazprom đứng đầu sẽ tăng gấp đôi công suất đường ống hiện có đưa khí đốt dưới biển tới châu Âu thông qua Đức.

Chính quyền Tổng thống Trump và các nhà lập pháp của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ cho rằng đường ống dẫn khí trên sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Nga đối với châu Âu.

Trong khi đó, Gazprom và Đức khẳng định Nord Stream 2 hoàn toàn là một dự án thương mại, trong bối cảnh nhu cầu khí đốt ở Đức đang tăng lên khi nước này giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và điện than./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục