Đồng euro đang bị đẩy vào thế bấp bênh hơn bao giờ hết khi mà những đồn đoán Hy Lạp sắp mất khả năng thanh toán tiếp tục làm rung chuyển các thị trường chứng khoán, tiền tệ và đè nặng lên các nền kinh tế ở lục địa già.
Kịch bản Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ càng lộ diện, thì nguy cơ tan vỡ của Eurozone càng rõ nét.
Gia tăng nguy cơ Hy Lạp ra khỏi Eurozone
Theo báo chí Đức, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Philop Roesler cho rằng châu Âu không còn loại trừ tình huống để mặc Hy Lạp bị vỡ nợ nhằm cứu vãn đồng tiền chung châu Âu.
Ông Roesler thẳng thừng tuyên bố việc để Hy Lạp bị vỡ nợ một cách “có bài bản” không còn là chủ đề cấm kỵ nữa và đề nghị áp đặt các cơ chế trừng phạt đối với các nước không tôn trọng các cam kết về ngân sách.
Thậm chí Chính phủ Đức đang chuẩn bị hai kế hoạch đối phó, theo đó kịch bản thứ nhất là Hy Lạp sẽ vẫn ở lại Eurozone và kịch bản thứ hai là nước này sẽ từ bỏ đồng euro để trở lại với đồng nội tệ drachma của họ.
Nhưng dù sao Đức vẫn giả định rằng Hy Lạp sẽ làm hết khả năng để thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm giải quyết dứt điểm bài toán thâm hụt ngân sách. Mục tiêu chung của Đức vẫn là sự ổn định của đồng euro và mong muốn Hy Lạp vẫn là thành viên của Eurozone, chứ không phải là thành viên đầu tiên bị trục xuất.
Cho dù Hy Lạp có được tiếp tục ở lại Eurozone hay không, giới lãnh đạo chính trị Đức đều nhất trí quan điểm: Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý tình huống một nước bị mất khả năng thanh toán. Ra đời tháng 5/2010, EFSF là một quỹ tín dụng chung có nhiệm vụ duy trì ổn định tài chính tại châu Âu và trợ giúp các nước trong Eurozone gặp khó khăn.
Hiện nay, khả năng can thiệp của Quỹ lên tới 440 tỷ euro, sau khi các nước Eurozone cam kết nâng cao khả năng bảo lãnh nợ.
Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu cách đây gần 2 tháng đã quyết định mở rộng thêm chức năng của Quỹ, ngoài việc mua vào trái phiếu do chính phủ các nước trong Eurozone phát hành, Quỹ có thể mua lại cả trái phiếu trên thị trường thứ cấp, tham gia hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn, cấp tín dụng cho các chính phủ gặp khó khăn về tài chính công.
Đến lúc này nỗi lo không còn là của riêng Đức, nhà tài trợ lớn nhất cho các chương trình cứu trợ của Eurozone.
Tại Hà Lan, một trong những nước có đường lối cứng rắn đối với những thành viên Eurozone bị thâm hụt ngân sách, đa số người dân ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Mark Rutte là châu Âu phải chỉ định một quan chức cao cấp phụ trách ngân sách của EU, có thẩm quyền trừng phạt những nước không tôn trọng các quy định về ngân sách. Bộ trưởng Tài chính Slovakia, Ivan Miklos, cảnh báo việc mất khả năng thanh toán của một số thành viên Eurozone và kêu gọi EFSF phải tạo ra các điều kiện cần thiết để hạn chế những nguy cơ này.
Quyết thắt lưng buộc bụng
Trước sức ép của thị trường và để đổi lấy đợt giải ngân thứ 6 trị giá 8 tỷ euro trong gói cứu trợ đầu tiên của IMF và EU, Chính phủ Hy Lạp đã vội vã loan báo gói các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới để cắt giảm thâm hụt ngân sách thêm 2 tỷ euro.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou khẳng định gói các biện pháp mới đủ mạnh để Athens đáp ứng mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách trong hai năm 2011-2012, đồng thời bác bỏ khả năng tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Trước đó, tại châu Âu đã rộ lên tin đồn Hy Lạp không quyết tâm tuân thủ các cam kết xin cứu trợ và có thể buộc phải ra khỏi Eurozone.
Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ, Olli Rehn, đã hoan nghênh nỗ lực mới của Athens và cho biết nếu Hy Lạp đáp ứng được các mục tiêu tài chính, bộ ba sẽ hoàn tất đợt kiểm tra theo đúng lịch trình và một quyết định có thể được đưa ra vào cuối tháng này.
Hôm 2/9 bộ ba gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF đã tạm ngừng cuộc kiểm tra định kỳ đối với Hy Lạp sau khi xảy ra tranh cãi về mức độ và nguyên nhân gây ra thâm hụt ngân sách.
Tuy vậy, tình hình kinh tế Hy Lạp đang có diễn biến theo chiều hướng không được như trông đợi. Theo Bộ Tài chính Hy Lạp, thâm hụt ngân sách trong 8 tháng đầu năm nay đã lên tới 18,1 tỷ euro (24,67 tỷ USD), tăng mạnh so với 14,813 tỷ euro cùng kỳ năm ngoái do kinh tế chìm sâu hơn vào suy thoái. Kinh tế Hy Lạp được dự báo sẽ giảm ít nhất 5% năm nay thay vì con số 3,5% đưa ra trước đó.
Sức ép dồn lên các ngân hàng châu Âu
Đồn đoán hãng xếp hạng tín dụng Moody's sắp đánh tụt hạng tín nhiệm ba ngân hàng lớn của Pháp là BNP Paribas, Crédit Agricole và Société Générale - vốn nắm giữ khá lớn trái phiếu chính phủ Hy Lạp - đang gây thêm áp lực lên các ngân hàng châu Âu nói chung và ngân hàng Pháp nói riêng.
Theo các nhà quan sát, trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ, các ngân hàng của Đức và Pháp sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất vì là những chủ nợ chính của Hy Lạp. Cho tới lúc này chưa rõ liệu chính phủ các nước có "ra tay" giải cứu hệ thống ngân hàng như hồi năm 2008 hay không.
Theo các nhà phân tích, trở ngại đầu tiên là nguy cơ ngân hàng thiếu tiền mặt trầm trọng do giới đầu tư không dám mạo hiểm đổ tiền vào thị trường chứng khoán. Tiếp theo là rủi ro thua lỗ do sự giảm tốc của nền kinh tế, ảnh hưởng cuộc khủng hoảng nợ công, mà trước mắt là nguy cơ chính phủ Hy Lạp mất khả năng thanh toán.
Một khó khăn nữa là chính phủ một số nước châu Âu sẽ rất khó gánh thêm tài chính khi các món nợ của ngân hàng đã gần như tương đương với GDP.
Trong khi đó, các bộ trưởng tài chính châu Âu vẫn còn chia rẽ về việc giải quyết những trở ngại đối với gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp đã được đồng ý trên nguyên tắc hồi tháng 7.
Việc ông Juergen Stark, ủy viên Hội đồng quản trị ECB, xin từ chức để phản đối việc ECB mua trái phiếu Hy Lạp, khiến các thị trường lo ngại ECB khó tạo được sự thống nhất trong khối Eurozone trong nỗ lực tài trợ thêm cho Hy Lạp, đồng thời cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong ECB về cách thức đẩy lùi cuộc khủng hoảng nợ khu vực.
Xem ra đến lúc này châu Âu đang đứng trước một thách thức lớn là phải xét lại toàn bộ học thuyết kinh tế và xa hơn là xem xét lại triết lý tương trợ lẫn nhau trong những thời khắc khó khăn./.
Kịch bản Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ càng lộ diện, thì nguy cơ tan vỡ của Eurozone càng rõ nét.
Gia tăng nguy cơ Hy Lạp ra khỏi Eurozone
Theo báo chí Đức, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Philop Roesler cho rằng châu Âu không còn loại trừ tình huống để mặc Hy Lạp bị vỡ nợ nhằm cứu vãn đồng tiền chung châu Âu.
Ông Roesler thẳng thừng tuyên bố việc để Hy Lạp bị vỡ nợ một cách “có bài bản” không còn là chủ đề cấm kỵ nữa và đề nghị áp đặt các cơ chế trừng phạt đối với các nước không tôn trọng các cam kết về ngân sách.
Thậm chí Chính phủ Đức đang chuẩn bị hai kế hoạch đối phó, theo đó kịch bản thứ nhất là Hy Lạp sẽ vẫn ở lại Eurozone và kịch bản thứ hai là nước này sẽ từ bỏ đồng euro để trở lại với đồng nội tệ drachma của họ.
Nhưng dù sao Đức vẫn giả định rằng Hy Lạp sẽ làm hết khả năng để thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm giải quyết dứt điểm bài toán thâm hụt ngân sách. Mục tiêu chung của Đức vẫn là sự ổn định của đồng euro và mong muốn Hy Lạp vẫn là thành viên của Eurozone, chứ không phải là thành viên đầu tiên bị trục xuất.
Cho dù Hy Lạp có được tiếp tục ở lại Eurozone hay không, giới lãnh đạo chính trị Đức đều nhất trí quan điểm: Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý tình huống một nước bị mất khả năng thanh toán. Ra đời tháng 5/2010, EFSF là một quỹ tín dụng chung có nhiệm vụ duy trì ổn định tài chính tại châu Âu và trợ giúp các nước trong Eurozone gặp khó khăn.
Hiện nay, khả năng can thiệp của Quỹ lên tới 440 tỷ euro, sau khi các nước Eurozone cam kết nâng cao khả năng bảo lãnh nợ.
Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu cách đây gần 2 tháng đã quyết định mở rộng thêm chức năng của Quỹ, ngoài việc mua vào trái phiếu do chính phủ các nước trong Eurozone phát hành, Quỹ có thể mua lại cả trái phiếu trên thị trường thứ cấp, tham gia hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn, cấp tín dụng cho các chính phủ gặp khó khăn về tài chính công.
Đến lúc này nỗi lo không còn là của riêng Đức, nhà tài trợ lớn nhất cho các chương trình cứu trợ của Eurozone.
Tại Hà Lan, một trong những nước có đường lối cứng rắn đối với những thành viên Eurozone bị thâm hụt ngân sách, đa số người dân ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Mark Rutte là châu Âu phải chỉ định một quan chức cao cấp phụ trách ngân sách của EU, có thẩm quyền trừng phạt những nước không tôn trọng các quy định về ngân sách. Bộ trưởng Tài chính Slovakia, Ivan Miklos, cảnh báo việc mất khả năng thanh toán của một số thành viên Eurozone và kêu gọi EFSF phải tạo ra các điều kiện cần thiết để hạn chế những nguy cơ này.
Quyết thắt lưng buộc bụng
Trước sức ép của thị trường và để đổi lấy đợt giải ngân thứ 6 trị giá 8 tỷ euro trong gói cứu trợ đầu tiên của IMF và EU, Chính phủ Hy Lạp đã vội vã loan báo gói các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới để cắt giảm thâm hụt ngân sách thêm 2 tỷ euro.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou khẳng định gói các biện pháp mới đủ mạnh để Athens đáp ứng mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách trong hai năm 2011-2012, đồng thời bác bỏ khả năng tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Trước đó, tại châu Âu đã rộ lên tin đồn Hy Lạp không quyết tâm tuân thủ các cam kết xin cứu trợ và có thể buộc phải ra khỏi Eurozone.
Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ, Olli Rehn, đã hoan nghênh nỗ lực mới của Athens và cho biết nếu Hy Lạp đáp ứng được các mục tiêu tài chính, bộ ba sẽ hoàn tất đợt kiểm tra theo đúng lịch trình và một quyết định có thể được đưa ra vào cuối tháng này.
Hôm 2/9 bộ ba gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF đã tạm ngừng cuộc kiểm tra định kỳ đối với Hy Lạp sau khi xảy ra tranh cãi về mức độ và nguyên nhân gây ra thâm hụt ngân sách.
Tuy vậy, tình hình kinh tế Hy Lạp đang có diễn biến theo chiều hướng không được như trông đợi. Theo Bộ Tài chính Hy Lạp, thâm hụt ngân sách trong 8 tháng đầu năm nay đã lên tới 18,1 tỷ euro (24,67 tỷ USD), tăng mạnh so với 14,813 tỷ euro cùng kỳ năm ngoái do kinh tế chìm sâu hơn vào suy thoái. Kinh tế Hy Lạp được dự báo sẽ giảm ít nhất 5% năm nay thay vì con số 3,5% đưa ra trước đó.
Sức ép dồn lên các ngân hàng châu Âu
Đồn đoán hãng xếp hạng tín dụng Moody's sắp đánh tụt hạng tín nhiệm ba ngân hàng lớn của Pháp là BNP Paribas, Crédit Agricole và Société Générale - vốn nắm giữ khá lớn trái phiếu chính phủ Hy Lạp - đang gây thêm áp lực lên các ngân hàng châu Âu nói chung và ngân hàng Pháp nói riêng.
Theo các nhà quan sát, trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ, các ngân hàng của Đức và Pháp sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất vì là những chủ nợ chính của Hy Lạp. Cho tới lúc này chưa rõ liệu chính phủ các nước có "ra tay" giải cứu hệ thống ngân hàng như hồi năm 2008 hay không.
Theo các nhà phân tích, trở ngại đầu tiên là nguy cơ ngân hàng thiếu tiền mặt trầm trọng do giới đầu tư không dám mạo hiểm đổ tiền vào thị trường chứng khoán. Tiếp theo là rủi ro thua lỗ do sự giảm tốc của nền kinh tế, ảnh hưởng cuộc khủng hoảng nợ công, mà trước mắt là nguy cơ chính phủ Hy Lạp mất khả năng thanh toán.
Một khó khăn nữa là chính phủ một số nước châu Âu sẽ rất khó gánh thêm tài chính khi các món nợ của ngân hàng đã gần như tương đương với GDP.
Trong khi đó, các bộ trưởng tài chính châu Âu vẫn còn chia rẽ về việc giải quyết những trở ngại đối với gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp đã được đồng ý trên nguyên tắc hồi tháng 7.
Việc ông Juergen Stark, ủy viên Hội đồng quản trị ECB, xin từ chức để phản đối việc ECB mua trái phiếu Hy Lạp, khiến các thị trường lo ngại ECB khó tạo được sự thống nhất trong khối Eurozone trong nỗ lực tài trợ thêm cho Hy Lạp, đồng thời cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong ECB về cách thức đẩy lùi cuộc khủng hoảng nợ khu vực.
Xem ra đến lúc này châu Âu đang đứng trước một thách thức lớn là phải xét lại toàn bộ học thuyết kinh tế và xa hơn là xem xét lại triết lý tương trợ lẫn nhau trong những thời khắc khó khăn./.
Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)