Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Le Monde của Pháp mới đây, ông Joseph Stiglitz, học giả từng đoạt giải Nobel Kinh tế, cho rằng đồng euro đã không mang lại sự phồn thịnh như hứa hẹn.
Ông Stiglitz cho rằng đồng euro là một thất bại kinh tế của châu Âu và đã có sai lầm ngay từ cội nguồn ý tưởng của dự án này.
Năm 1992, các nước châu Âu đã nêu ra một liên minh tiền tệ, trong đó các nước thành viên sẽ mất quyền điều chỉnh nền kinh tế quốc gia thông qua tỷ giá hối đoái và lãi suất và liên minh này hoạt động dựa trên việc các chính phủ làm chủ được các khoản tài chính công và lạm phát.
EU lúc đó cho rằng thị trường sẽ điều chỉnh những mất cân đối. Tuy nhiên, theo ông Stiglitz, EU đã sai lầm. Đồng euro không mang lại sự phồn thịnh, mà gây chia rẽ, thậm chí còn làm cho tình hình thêm nghiêm trọng khi xảy ra khủng hoảng. Bởi lẽ, khi xảy ra khủng hoảng, các nước phía Nam châu Âu không thể phá giá đồng euro để thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ nền kinh tế.
Họ buộc phải giảm mức lương với hy vọng nâng cao khả năng cạnh tranh kéo theo nạn thất nghiệp gia tăng. Do phải áp dụng chính sách hà khắc về ngân sách, các chính phủ buộc phải giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, với hậu quả là làm suy yếu khả năng tăng trưởng trong tương lai. Do vậy, theo ông Stiglitz, cần khẩn cấp xóa bỏ "vòng luẩn quẩn" này.
Ông kêu gọi thúc đẩy việc thành lập liên minh ngân hàng, các quỹ tương trợ để tạo ổn định, giúp đỡ các nước đang phải đối mặt với tình trạng trì trệ kinh tế.
Và để tăng các khoản chi ngân sách, EU cần phải lập một dạng ngân sách chung châu Âu, với các nguồn thu là thuế lũy tiến - ở mức thấp - đánh vào các doanh nghiệp và người lao động.
Lợi thế của biện pháp này là tạo ra nguồn thu chung cho châu Âu và tiến tới việc hài hòa mức thuế giữa các nước.
Bên cạnh đó, EU có thể phát hành công trái chung, tức là phát hành một dạng nợ chung của các nước châu Âu, đồng thời thiết lập các quy định ngăn ngừa lạm dụng, bảo đảm quản lý tốt nguồn tài chính công của các thành viên./.