Đồng Nai: Tạo điều kiện để lao động dân tộc thiểu số di cư ổn định cuộc sống

Tại Hội thảo, các đại biểu trình bày tham luận tập trung các vấn đề: thực trạng người dân tộc thiểu số di cư đến tỉnh hiện nay; những thách thức với vấn đề di cư của người dân tộc thiểu số ở tỉnh...

Ngày 26/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo Lao động người dân tộc thiểu số di cư đến Đồng Nai-Thực trạng và giải pháp nhằm đánh giá tình hình lao động dân tộc thiểu số di cư đến làm việc tại tỉnh Đồng Nai.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có trên 50 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số khoảng 3,3 triệu người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có gần 199.000 người, chiếm hơn 6% dân số toàn tỉnh, xếp thứ 2 so với khu vực miền Đông Nam Bộ.

Đồng Nai có 32 khu công nghiệp, thu hút 1,2 triệu lao động; trong đó có gần 29.300 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, phía Bắc di cư vào Đồng Nai.

Tại Hội thảo, các đại biểu trình bày 19 tham luận, tập trung thảo luận các vấn đề như thực trạng người dân tộc thiểu số di cư đến Đồng Nai giai đoạn hiện nay; những thách thức đặt ra đối với vấn đề di cư của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện nay; kiến nghị các chính sách cho người lao động dân tộc thiểu số di cư…

Là đơn vị thu hút lượng lớn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số di cư đến Đồng Nai làm việc, chủ yếu từ các tỉnh miền núi phía Bắc, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai có gần 4.000 người lao động, trong đó khoảng 30% là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc.

Ông Phan Quang Bá, Giám đốc Nông trường Cẩm Đường, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, cho biết nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là xây dựng đội ngũ lao động có trình độ, chuyên môn, gắn bó lâu dài. Tuy nhiên có những thời điểm, Tổng Công ty thiếu lao động trầm trọng, nhất là lao động trực tiếp, trong khi thị trường lao động tại địa phương ngày càng khan hiếm.

Vì vậy, Tổng Công ty tuyển dụng lao động tại các tỉnh, thành trên cả nước, nhất là lao động dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc. Tổng Công ty tới tận nơi, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân, tham gia các hội chợ giới thiệu việc làm để tuyển lao động.

Theo ông Phan Quang Bá, để thu tuyển và quản lý lực lượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số gặp không ít khó khăn. Khác biệt về ngôn ngữ, môi trường làm việc, thói quen, tập quán… là những yếu tố khó để giữ chân lao động dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, Tổng Công ty đã từng bước ổn định lao động, tập trung chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động như tài trợ toàn bộ chi phí tàu xe đưa đón, xây dựng nhà, bố trí nơi ăn, chốn ở, trang bị những vật dụng sinh hoạt cơ bản, đào tạo tay nghề… nhờ vậy, lao động người đồng bào dân tộc thiểu số cống hiến và gắn bó lâu dài với Tổng Công ty.

Giáo sư-Tiến sỹ Trần Trung, Giám đốc Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc, cho biết Ủy ban Dân tộc nhận thấy vấn đề lao động người dân tộc thiểu số di cư rất cần có những đánh giá thực trạng, rà soát chính sách để tham mưu cho Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm tạo sinh kế cho đồng bào, phát huy nguồn nhân lực, ổn định đời sống, an ninh trật tự ở các địa phương.

Kết quả thảo luận tại Hội thảo của tỉnh Đồng Nai thu nhận được rất nhiều ý kiến có giá trị, có thể nhân rộng kinh nghiệm cho các tỉnh khác và nâng tầm thành chính sách quốc gia. Ủy ban Dân tộc sẽ tổng hợp những kết quả thảo luận tại hội thảo, tham mưu cho các cơ quan Trung ương thể chế hóa, đưa vào các văn bản sắp tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đề nghị Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học. Đây là cơ sở để xác định nội dung cần nghiên cứu, tham mưu chính sách cho Ủy ban Nhân dân tỉnh phù hợp với đặc điểm các dân tộc thiểu số di cư đến Đồng Nai.

Ban Dân tộc tỉnh tham mưu, đề xuất nhiệm vụ phù hợp công tác quản lý nhà nước đối với lao động di cư là người dân tộc thiểu số, đảm bảo các chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội..

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, kịp thời nắm bắt tình hình, phối hợp với các cấp, ngành giữ vững an ninh, trật tự tại địa phương, đặc biệt lưu tâm đến các khu vực có đông nhà trọ.

Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội quan tâm, thực hiện tốt công tác đại đoàn kết dân tộc, tập hợp, đoàn kết đồng bào, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đối với lao động di cư là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục