Đồng Nai sẽ thành lập thành phố sân bay với đầy đủ các tiện ích số

Đồng Nai sẽ thành lập thành phố sân bay lấy Sân bay Long Thành làm trọng tâm, trở thành một địa điểm lưu trú hiện đại với đầy đủ các tiện ích số.

Khu vực xây dựng Sân bay Long Thành. (Ảnh: TTXVN phát)
Khu vực xây dựng Sân bay Long Thành. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 23/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, logistics và khai thác lợi thế khu vực quanh Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (Sân bay Quốc tế Long Thành).

Hội nghị có sự tham gia của hàng trăm hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền Nam với hệ thống hạ tầng toàn diện gồm đường bộ, đường hàng không, đường biển; tỉnh đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, kho bãi cho doanh nghiệp trong vùng.

Với mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế, Đồng Nai đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển logistics với 2 sân bay là Sân bay Quốc tế Long Thành và Sân bay Biên Hòa (sân bay lưỡng dụng); cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics, các tuyến đường sắt, cao tốc, bến xe với quy mô dự kiến gần 9.000ha.

Hiện Đồng Nai đã quy hoạch và kêu gọi đầu tư 3 trung tâm logistics hiện đại cấp vùng với diện tích gần 450ha, gồm: Trung tâm logistics phía nam Sân bay Long Thành; Trung tâm logistics phía bắc Sân bay Long Thành; Trung tâm logistics hậu cần cảng Phước An.

Đồng thời xây dựng tổ hợp đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu với diện tích khoảng 300ha trong đô thị sân bay Long Thành, làng giáo dục diện tích 300ha ở huyện Nhơn Trạch.

Với vùng sân bay Long Thành, qua nghiên cứu quy hoạch đô thị các sân bay lớn trên thế giới như: Thành phố hàng không Incheon-Hàn Quốc; Khu đô thị kinh tế sân bay Trịnh Châu-Trung Quốc; Đô thị sân bay Chagi-Singapore, Đồng Nai sẽ thành lập thành phố sân bay lấy Sân bay Long Thành làm trọng tâm, trở thành một địa điểm lưu trú hiện đại với đầy đủ các tiện ích số.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, trong quy hoạch thương mại, dịch vụ đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Đồng Nai có 26 trung tâm thương mại; nhiều kho xăng dầu và các dự án logistics; trong đó lớn nhất là Tổng kho Trung chuyển miền Đông với quy mô hơn 600ha. Với khu vực phụ cận sân bay Long Thành, ngành chức năng đã quy hoạch gần 900ha đất thương mại, dịch vụ để kêu gọi đầu tư.

Tại hội nghị, các hiệp hội, doanh nghiệp đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến tiến độ sân bay Long Thành, các dự án giao thông kết nối với sân bay, những vấn đề liên quan giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành (khi đi vào khai thác).

Đồng thời, đề nghị tỉnh tăng thêm cơ hội trao đổi giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, chia sẻ rộng rãi thông tin về các dự án.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tại Đồng Nai cho biết qua hội nghị, doanh nghiệp nắm được nhiều thông tin bổ ích về quy hoạch, các dự án; hiểu rõ hơn về lợi thế của Đồng Nai trong tương lai.

Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) sẽ chia sẻ thông tin với cơ quan chức năng, doanh nghiệp Đài Loan, hỗ trợ doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Đồng Nai.

Theo ngành chức năng Đồng Nai, dự kiến cuối năm 2025 sân bay Long Thành sẽ đưa vào khai thác, lúc đó Sân bay Quốc tế Long Thành và Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ cùng hoạt động song song.

Hiện tỉnh có nhiều dự án giao thông lớn nhằm kết nối, khai thác lợi thế từ sân bay Long Thành như: Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường sắt đô thị Thủ Thiêm-Biên Hòa.

san_bay_long_thanh_1.jpg
Phối cảnh dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai khẳng định Đồng Nai sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để tăng cường kết nối giao thông, đặc biệt là kết nối giữa đường bộ với đường hàng không, đường biển; đẩy mạnh hợp tác công tư với các dự án phát triển hạ tầng giao thông; tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, đối tác lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc trong phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm.

Tỉnh tiếp tục cải cách hành chính, ưu tiên giảm thiểu quy trình, thời gian xử lý hồ sơ một cửa. Luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Trong lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Đồng Nai chú trọng các địa bàn trọng điểm như huyện Long Thành, Nhơn Trạch, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết Đồng Nai luôn cầu thị, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để đón nhà đầu tư. Tỉnh mong muốn doanh nghiệp hợp tác để phát triển, tạo sự chuyển biến lớn trong ngành thương mại, dịch vụ, logistics tại địa phương.

Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị ngành chức năng trong tỉnh cần minh bạch thông tin về quy hoạch, các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án đường cao tốc.

Các đơn vị xây dựng phương án kết nối giao thông đảm bảo có chiều sâu về khoa học; đồng thời quan tâm công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang tính thực tiễn, đưa ra các giải pháp đẩy nhanh thực hiện các đột phá; loại bỏ quy hoạch chồng chéo, cản trở sự phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục