Đồng Nai tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hút dòng vốn ngoại

Để trở thành điểm đến của nhà đầu tư, Đồng Nai không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó tiếp nhận và giải quyết nhiều loại hồ sơ qua mạng.
Đồng Nai tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hút dòng vốn ngoại ảnh 1 Đường vào Khu công nghiệp Biên Hòa 2 rộng rãi và khang trang. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Những năm qua, Đồng Nai luôn là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Để đạt được thành quả này, bên cạnh tận dụng các yếu tố khách quan, chính quyền tỉnh còn luôn đổi mới, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Công ty Fujitsu Việt Nam (vốn Nhật Bản) đã hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai hơn 25 năm.

Khi mới vào Đồng Nai, doanh nghiệp này đầu tư số vốn gần 80 triệu USD. Sau đó, doanh nghiệp không ngừng mở rộng sản xuất, xây thêm 2 nhà máy mới.

Đến nay, tổng vốn đầu tư của công ty tại Đồng Nai đã tăng lên gần 200 triệu USD.

[Đồng Nai tiếp tục trong nhóm thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất nước]

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, Đồng Nai có vị trí thuận lợi, các khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông rất phát triển. Ngoài ra, ngành chức năng còn đưa ra nhiều chính sách phù hợp.

Ông Ken-Ichiro Abe, Tổng Giám đốc Công ty Fujitsu Việt Nam, cho biết trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh ở Đồng Nai, Công ty Fujitsu Việt Nam nhận thấy ngành chức năng không gây phiền hà, đẩy khó cho doanh nghiệp. Khi đi làm các thủ tục liên quan đến xây dựng, môi trường, công ty được các cơ quan hướng dẫn tận tâm, sớm hoàn thiện hồ sơ.

Mỗi năm, Đồng Nai tổ chức rất nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp FDI, tại đây, doanh nghiệp nêu ra những khó khăn, vướng mắc và được giải quyết kịp thời.

Công ty Fujitsu Việt Nam thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam nên các cơ quan ở địa phương hiếm khi tiến hành thanh, kiểm tra. Điều này giúp công ty luôn hoạt động trong trạng thái bình thường, góp phần duy trì và phát triển thương hiệu.

Theo ông James Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Koyu & Unitek (liên doanh giữa Australia và Nhật Bản, đóng tại Khu công nghiệp Long Bình, tỉnh Đồng Nai), nhờ môi trường đầu tư tốt nên Công ty trách nhiệm hữu hạn Koyu & Unitek không ngừng mở rộng sản xuất kinh doanh, lợi nhuận tăng lên.

Khi mới vào Đồng Nai, công ty đầu tư 5 triệu USD xây dựng 1 nhà máy, đến nay đã tăng vốn lên 15 triệu USD.

Năm 2017, Công ty trách nhiệm hữu hạn Koyu & Unitek là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam xuất khẩu chính ngạch thịt gà sang Nhật Bản (mỗi tháng xuất khoảng 350 tấn). Để có được thành công này, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cơ quan chức năng.

Ông James Hiếu chia sẻ ông đánh giá rất cao môi trường đầu tư của Đồng Nai bởi tỉnh đã thực hiện giao dịch điện tử trong các lĩnh vực như thuế, đăng ký kinh doanh, bảo hiểm. Điều này giúp doanh nghiệp cảm thấy thoải mái khi thực hiện thủ tục hành chính, tiết kiệm được thời gian. Như hồ sơ thuế, doanh nghiệp chỉ cần kê khai qua mạng, ngành thuế tiếp nhận, nếu có sai sót, họ lập tức phản hồi để doanh nghiệp sửa chữa.

Những năm qua, ngành chức năng Đồng Nai đã hỗ trợ Công ty trách nhiệm hữu hạn Koyu & Unitek xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, liên kết với nông dân nuôi gà sạch.

Các cơ quan Trung ương và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện nhiều thủ tục, giấy tờ nhằm đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Ông James Hiếu đánh giá: "Môi trường đầu tư của Đồng Nai rất tốt, nhưng hệ thống giao thông của tỉnh phát triển không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51 (đoạn qua tỉnh Đồng Nai) và nhiều đường ở thành phố Biên Hòa thường xuyên bị ùn tắc, gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa."

Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, đến nay, Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Toàn tỉnh có hơn 1.500 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn gần 31 tỷ USD. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 11 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ông Cao Tiến Dũng cho biết để trở thành điểm đến của nhà đầu tư, Đồng Nai không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó tiếp nhận và giải quyết nhiều loại hồ sơ qua mạng. Tỉnh đã xây dựng Trung tâm hành chính công, đây là nơi tiếp nhận và trả kết quả hàng loạt thủ tục hành chính của doanh nghiệp.

Hiện mỗi năm, tỉnh tổ chức từ 4-5 cuộc đối thoại trực tiếp nhằm lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại các nước trên thế giới.

Đồng Nai tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hút dòng vốn ngoại ảnh 2Một nhà máy ở Đồng Nai. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trong thu hút FDI, Đồng Nai coi trọng việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các khu công nghiệp. Tất cả các khu công nghiệp của tỉnh đều có giao thông tốt, đầy đủ hệ thống điện, nước.

Các đơn vị đầu tư khu công nghiệp cũng xây sẵn nhiều nhà xưởng, khi nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép là họ có thể thuê nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị, lập tức đi vào sản xuất, kinh doanh.

Những năm qua, Đồng Nai đã triển khai chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 80%; người lao động trong tỉnh có tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo ông Cao Tiến Dũng, trong tương lai gần, Đồng Nai sẽ có sân bay Long Thành và hàng loạt tuyến cao tốc. Tuy nhiên, hiện hệ thống giao thông của tỉnh đang quá tải, để giải quyết, Đồng Nai đang xem xét mở thêm nhiều tuyến đường kết nối từ các khu công nghiệp ra quốc lộ, cao tốc; ưu tiên phát triển công nghiệp ở các huyện vùng xa như Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, thành phố Long Khánh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục