Động thái ngăn chặn tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp Trung Quốc

Kể từ tháng 5/2020, các cuộc kiểm toán đã phát hiện và chuyển đến cơ quan hữu quan Trung Quốc 192 manh mối về các vụ trốn thuế lớn, liên quan đến hơn 143 tỷ nhân dân tệ và hơn 1.160 người.
Động thái ngăn chặn tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp Trung Quốc ảnh 1Công nhân sản xuất tại một phân xưởng ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo bài viết trên trang Đa Chiều (Hong Kong), Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra thông báo vào ngày 18/7/2021 rằng để triển khai các quyết sách lớn của Trung ương và bảo đảm ‘quy hoạch 5 năm lần thứ 14’ có bước khởi đầu tốt đẹp, nước này sẽ triển khai đợt tổng kiểm tra lớn lần thứ tám trong giai đoạn từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2021.

Mục đích của đợt tổng kiểm tra này là để thanh tra tại chỗ 16 tỉnh/thành phố (bao gồm cả Bắc Kinh và Thiên Tân), đồng thời thu thập các thông tin liên quan đến vấn đề giảm thuế, giảm phí giúp doanh nghiệp phát triển, mở rộng nhu cầu trong nước, đảm bảo việc làm và sinh kế của người dân.

Trước đó ngày 14/7/2021, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chủ trì cuộc họp điều hành của Quốc vụ viện Trung Quốc. Thông cáo báo chí do trang web của Chính phủ Trung Quốc công bố cho biết tại cuộc họp này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã khẳng định: "Quốc vụ viện đã thành lập một đội điều tra đặc biệt, dù là đơn vị hay cấp nào cũng đều phải tiến hành thanh tra đến cùng, truy cứu tránh nhiệm nghiêm khắc. Căn cứ theo pháp luật và quy định để trừng phạt, xử lý và truy bắt nghiêm minh, không được nhẹ tay, dung túng. Cần phải nghiêm trị các hành vi vi phạm pháp luật, quy định, những trường hợp điển hình cần phải đưa ra trước công luận."

[Trung Quốc muốn tách rời các công ty trong nước với phương Tây]

Phát biểu của Thủ tướng được đưa ra trong bối cảnh ngành Kiểm toán Trung Quốc phát hiện nhiều vụ hàng hóa bán lại (hàng chuyển khẩu) với số lượng lớn, vi phạm quy định và trốn thuế. Thủ tướng Lý Khắc Cường trong phiên họp Quốc vụ viện ngày 14/7 cho biết có rất nhiều "tình tiết rất nghiêm trọng."

Báo cáo cho biết ngày 7/6, Tổng Kiểm toán Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Hầu Khải trong báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách trung ương năm 2020 và việc kiểm toán các khoản thu-chi tại cuộc họp lần thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Nhân đại Trung Quốc đã chỉ ra kể từ tháng 5/2020, các cuộc kiểm toán đã phát hiện và chuyển đến cơ quan hữu quan 192 manh mối về các vụ việc lớn, liên quan đến hơn 143 tỷ nhân dân tệ và hơn 1.160 người.

Trong đó, 9 manh mối về trốn thuế và các vấn đề khác đã được phát hiện, liên quan đến hơn 1,8 tỷ nhân dân tệ, chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực như tiêu thụ ôtô, nông sản và nộp thuế cá nhân của các nhóm thu nhập cao.

Báo cáo còn chỉ ra trong nhiều năm qua, không ít các vấn đề đã nhiều lần xuất hiện trong việc thực hiện ngân sách của các ban ngành trung ương, nhất là ở các đơn vị cấp 2 và cấp 3, điều này cho thấy hệ thống và cơ chế quản lý ngân sách của các sở chưa hoàn thiện, việc thực hiện chưa hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề hàng hóa bán lại với số lượng lớn vi phạm quy định, báo cáo kiểm toán không tiết lộ thêm chi tiết. Tuy nhiên, thông tin công khai cho thấy kể từ năm 2021, giá hàng hóa của Trung Quốc liên tục tăng, vì lý do này, Quốc vụ viện đã yêu cầu hạn chế giá cả hàng hóa tăng cao một cách phi lý tại các cuộc họp điều hành vào ngày 12/5, 19/5, 18/6 và 7/7.

Phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường có liên quan mật thiết đến các vấn đề kinh tế do ông phụ trách. Kể từ khi cải cách mở cửa, Trung Quốc không cho phép tư bản xâm nhập vào chính trị để ảnh hưởng đến các chính sách quốc gia, nhưng do luật và quy định không hoàn thiện và các biện pháp quản lý ngắn hạn, để trục lợi phi pháp, tội phạm về tài chính ở Trung Quốc đã tăng mạnh.

Ngay cả sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, lãnh đạo nước này đã bắt đầu tiến hành công tác giám sát chặt chẽ vấn đề tài chính tiền tệ.

Kể từ sau Đại hội 18 đến nay, vụ án nổi bật gây ảnh hưởng lớn nhất chính là vụ sụp đổ thị trường chứng khoán ở Trung Quốc vào giữa năm 2015. Cuộc chiến thị trường vốn được coi là "đảo chính kinh tế," làm rung chuyển giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, đã được nhiều tài liệu nhắc đến.

Trong khi đó, những vụ trốn thuế nghiêm trọng đã thường xuyên bị giới truyền thông phanh phui trong những năm gần đây.

Ví dụ, vào năm 2018, diễn viên Phạm Băng Băng đã bị phạt 884 triệu nhân dân tệ vì các vấn đề liên quan đến thuế như "hợp đồng ma" và "mức lương trên trời."

Gần đây, tháng 5/2021, việc diễn viên Trịnh Sảng "nhận được giá trị mức thù lao bất thường lên tới 160 triệu nhân dân tệ " liên quan đến việc bồi thường phim và sử dụng 'hợp đồng ma' để tăng vốn của một công ty lên 112 triệu nhân dân tệ, bị nghi ngờ là trốn thuế, điều này một lần nữa khiến dư luận dậy sóng.

Việc "hợp đồng ma" giữa các doanh nghiệp và cá nhân trong ngành điện ảnh và truyền hình ngày càng phổ biến không chỉ góp phần tạo ra "thù lao với mức giá trên trời" mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn thuế, rửa tiền, tạo ra sự sai lệch đối với ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Trung Quốc.

Theo các nhà lãnh đạo Trung Quốc, điều đó cũng có ảnh hưởng xấu đến trật tự kinh tế và các giá trị xã hội của đất nước.

Ngày 16/7/2021, Cơ quan Quản lý không gian mạng Nhà nước Trung Quốc cùng với Bộ Công an, Bộ An ninh, Bộ Tài nguyên thiên nhiên, Bộ Giao thông vận tải, Cục Quản lý Nhà nước về Thuế và Cục Quản lý Nhà nước về Giám sát thị trường đã tiến hành giám sát an ninh mạng đối với công ty gọi xe công nghệ - Didi chuxing.

Việc Chính phủ Trung Quốc giám sát và xử lý những "người khổng lồ dữ liệu" này không chỉ vì dữ liệu lớn liên quan đến an ninh quốc gia mà còn vì ảnh hưởng đến chủ trương phân phối thu nhập công bằng của Trung Quốc.

Một mặt, khối tài sản vốn hiện tại của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng, mặt khác, quỹ an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và các quỹ khác của nhà nước đang phải đối mặt với áp lực tài chính trong một thời gian dài.

Hiện nay, việc phân chia không đồng đều trong tiến trình cải cách, phát triển đã trở thành nhân tố chính dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng trong xã hội Trung Quốc.

Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ ra rằng "để người dân được hưởng thành quả của phát triển thì phải đi sâu vào cải cách hệ thống phân phối thu nhập."

Để đạt được mục tiêu này, các nhà lãnh đạo cao nhất của Bắc Kinh không chỉ cần tăng cường sự hỗ trợ của chính phủ và huy động tất cả các lực lượng xã hội, bao gồm cả chính quyền các cấp, để hoàn thành các dự án xóa đói giảm nghèo, mà còn phải tiến hành điều chỉnh phân phối thu nhập một cách toàn diện, đặc biệt là tăng cường điều chỉnh chênh lệch thu nhập bất hợp lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục