Trung Quốc có đang tự làm khó mình trong cuộc đua công nghệ với Mỹ?

Đề xuất về bảo mật đối những công ty công nghệ có hơn 1 triệu người dùng trước khi niêm yết ở nước ngoài có thể ngăn cản khả năng tiếp cận vốn nước ngoài của các công ty công nghệ Trung Quốc.
Trụ sở Công ty Tencent ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 7/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Công ty Tencent ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 7/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đài BBC và hãng tin Reuters đưa tin, theo tạp chí Project Syndicate, trước lo ngại rằng Trung Quốc đang vượt qua Mỹ để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về khoa học và công nghệ, Thượng viện Mỹ vào đầu tháng Sáu đã thông qua một dự luật chi gần 250 tỷ USD trong thập kỷ tới để thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất công nghệ tiên tiến.

Nhưng các nhà lập pháp Mỹ có thể đã quá lo lắng một cách không cần thiết, bởi vì Chính phủ Trung Quốc dường như đang tự làm khó mình trong cuộc đua công nghệ với Mỹ.

Ngày 12/7, Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết cơ quan này đã công bố dự thảo kế hoạch hành động 3 năm để phát triển ngành an ninh mạng.

Ước tính, ngành này có thể đạt giá trị hơn 250 tỷ nhân dân tệ (38,6 tỷ USD) vào năm 2023.

Theo hãng tin Reuters của Anh, dự thảo trên được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan chức năng Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực soạn thảo những quy định nhằm quản lý tốt hơn việc lưu trữ dữ liệu, truyền dữ liệu và bảo mật dữ liệu cá nhân.

Cuối tuần qua, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc đã đề xuất soạn thảo quy định yêu cầu tất cả những công ty công nghệ có hơn 1 triệu người dùng phải trải qua các cuộc kiểm tra về bảo mật trước khi niêm yết ở nước ngoài.

Một khi được thực hiện đầy đủ, chính sách mới này có thể ngăn cản khả năng tiếp cận vốn nước ngoài của các công ty công nghệ Trung Quốc.

Mới đây, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) thông báo điều tra Didi Chuxing, công ty cung cấp ứng dụng gọi xe của Trung Quốc.

Didi Chuxing gần đây đã huy động được 4,4 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trên Sở giao dịch chứng khoán New York.

Vào ngày 2/7, chỉ hai ngày sau khi Didi “chào sàn” thành công ở Mỹ, CAC đã công bố đánh giá về bảo mật dữ liệu của công ty.

Hai ngày sau, CAC đột ngột ra chỉ thị, yêu cầu các kho ứng dụng cho điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng đặt xe của Didi, một động thái đã thổi bay gần 1/4 giá trị thị trường của công ty.

Trung Quốc có đang tự làm khó mình trong cuộc đua công nghệ với Mỹ? ảnh 1Ứng dụng Didi trên điện thoại. (Nguồn: Didi)

Động thái của Chính phủ Trung Quốc đối với Didi dường như chỉ là bước khởi đầu của một chiến dịch rộng lớn hơn nhằm khẳng định quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng của nước này.

Vào tháng 12/2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cho phép hủy niêm yết các công ty Trung Quốc tại các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu họ không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ. Giờ đây, dường như Chính phủ Trung Quốc sẽ làm công việc tương tự một cách hiệu quả và triệt để hơn.

Trung Quốc đã có luật bảo mật dữ liệu theo đó yêu cầu tất cả các công ty công nghệ phải lưu trữ dữ liệu ở trong biên giới nước này.

Nỗ lực kiểm soát của CAC đối với các công ty công nghệ thành công nhất của Trung Quốc là do ngại về việc rò rỉ dữ liệu của công dân Trung Quốc khi các công ty này niêm yết ở thị trường nước ngoài.

Bài viết trên Project Syndicate cho rằng bất kỳ đánh giá bảo mật dữ liệu nào được thực hiện bởi một cơ quan bí mật có ít chuyên môn kỹ thuật, không có trách nhiệm pháp lý và chỉ chịu trách nhiệm về chính trị sẽ tạo ra một rào cản pháp lý, ngăn cản hầu hết nếu không phải tất cả các nhà đầu tư nước ngoài.

[Đằng sau việc Trung Quốc điều tra các "gã khổng lồ" công nghệ]

Vì những công ty nước ngoài đầu tư cho các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc thường có kế hoạch thoái vốn thông qua việc niêm yết ở nước ngoài, mà trong trường hợp tốt nhất là ở các sàn giao dịch tại New York.

Khả năng một cơ quan của Chính phủ Trung Quốc có quyền phủ quyết đối với việc niêm yết cổ phiếu trong tương lai có thể khiến nhà đầu tư lưỡng lự khi rót vốn.

Các nhà đầu tư nước ngoài, thường là các công ty đầu tư mạo hiểm có tên tuổi, không chỉ mang lại nguồn tài chính cần thiết mà còn cả kiến thức chuyên môn có giá trị và các thông lệ quản trị tốt nhất, những yếu tố quan trọng đối với sự thành công của các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Hầu hết tất cả các “gã khổng lồ” công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Alibaba, Tencent và Baidu, đều dựa vào nguồn vốn nước ngoài để vươn lên và trở thành những công ty phát triển mạnh mẽ.

Nếu Chính phủ Trung Quốc yêu cầu tiến hành một cuộc đánh giá bảo mật dữ liệu tương tự cách đây hai thập kỷ, không có một công ty nào có thể tồn tại và tương lai công nghệ của Trung Quốc sẽ trở nên hoang tàn.

Theo thống kê, các công ty Trung Quốc đã huy động được 13 tỷ USD tại Mỹ trong năm nay và 76 tỷ USD trong thập kỷ qua.

Khoảng 400 công ty Trung Quốc có danh sách niêm yết tại Mỹ, gần gấp đôi so với năm 2016.

Trong giai đoạn đó, giá trị thị trường của các công ty này đã tăng từ dưới 400 tỷ USD lên 1.700 tỷ USD. Những khoản đầu tư này hiện đang gặp "nguy hiểm."

Việc nhà chức trách Trung Quốc thắt chặt các quy định đối với các công ty chuẩn bị niêm yết ở nước ngoài có thể coi là nỗ lực rõ ràng nhất nhằm "tách rời" các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các thị trường vốn của Mỹ.

Theo đài BBC, Mỹ và một số nước châu Âu liên tục nêu ra các cáo buộc rằng Trung Quốc không chỉ kiểm soát an ninh mạng nội địa mà còn xuất khẩu công nghệ này sang các quốc gia khác.

Trong khi đó, Trung Quốc không muốn để lợi nhuận béo bở từ khu vực kinh tế số liên kết với các công ty ở nước ngoài mà không được chính quyền xét duyệt.

Việc đưa an ninh mạng và luật bảo vệ dữ liệu vào cuộc chơi này sẽ khiến cho các quan hệ của nhiều tập đoàn công nghệ số Trung Quốc với đối tác Phương Tây trở nên phức tạp hơn.

Năm 2020, một số nghiên cứu quốc tế nói Trung Quốc không chỉ phát triển các dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” bằng cơ sở hạ tầng như giao thông đường bộ, cảng biển mà còn muốn làm chủ “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số.”

Bài phân tích của hai chuyên gia Robert Greene và Paul Tripolo trên trang của Viện Carnegie (5/2020) đã nhận định rằng cho đến thời điểm đó, Bắc Kinh tương đối thả lỏng việc kiểm soát ngành công nghệ số.

Nhưng với việc Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thay đổi chính sách, điều này đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có tham vọng kiểm soát Internet toàn cầu thông qua Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục