Đằng sau việc Trung Quốc điều tra các "gã khổng lồ" công nghệ

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang “bất an” về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các ông lớn công nghệ, đặc biệt là tình trạng cạnh tranh độc quyền và sử dụng dữ liệu người dùng.
Đằng sau việc Trung Quốc điều tra các "gã khổng lồ" công nghệ ảnh 1Ứng dụng đặt xe của Didi Global Inc trên điện thoại tại Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg)

Theo AP, các nhà chức trách Trung Quốc đã có hành động trấn áp mạnh tay với ứng dụng đặt xe lớn nhất của nước này - Didi Global, chỉ vài ngày sau khi cổ phiếu của Didi bắt đầu được giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán New York.

Bắc Kinh đã yêu cầu Didi ngừng đăng ký người dùng mới và ra lệnh gỡ bỏ ứng dụng khỏi cửa hàng ứng dụng cho tới khi có kết quả đánh giá an ninh mạng.

Chính phủ Trung Quốc khẳng định họ hành động như vậy nhằm ngăn chặn các rủi ro an ninh và bảo vệ lợi ích cộng đồng. Didi hiện là công ty lớn nhất phải đối mặt với một cuộc điều tra quy mô của chính phủ nhằm vào các "gã khổng lồ" công nghệ của nước này.

Didi là gì?

Didi Global là một trong những ứng dụng đặt xe lớn nhất toàn cầu. 3/4 trong số 493 triệu người dùng trên thực tế hàng năm của Didi đến từ Trung Quốc. Công ty này có trụ sở tại Bắc Kinh và hoạt động tại 14 quốc gia khác, trong đó có cả Brazil và Mexico.

Vài năm trước, Didi và Uber cùng cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Đến năm 2016, sau một cuộc chiến về giá kéo dài 2 năm, Didi đã “nuốt chửng” thị phần của Uber tại quốc gia này.

Didi đã huy động được 4,4 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng hôm 30/6 tại New York. Công ty này có giá trị vốn hóa thị trường vào khoảng 74,5 tỷ USD.

Tại sao Didi gặp rắc rối?

Cơ quan giám sát không gian mạng Trung Quốc cho biết họ nghi ngờ Didi có liên quan tới hoạt động thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân bất hợp pháp, nhưng không chỉ ra sai phạm cụ thể.

Tờ Thời báo Hoàn cầu đã đăng một bài xã luận hôm 5/7 khẳng định Didi sở hữu nhiều thông tin chi tiết lịch trình di chuyển của người dùng nhất trong tất cả các công ty công nghệ lớn.

[Trung Quốc yêu cầu gỡ bỏ ứng dụng đặt xe của Didi Global Inc]

Tờ báo này cho rằng Didi còn thực hiện “phân tích dữ liệu lớn” các thói quen và hành vi của người dùng, từ đó tạo ra nguy cơ tiềm ẩn đối với các cá nhân.

Cuộc trấn áp các công ty công nghệ

Hiện vẫn chưa rõ liệu còn lý do nào khác khiến chính phủ Bắc Kinh nhắm vào Didi. Các quan chức Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về tình trạng sử dụng dữ liệu người dùng của các ông lớn công nghệ nước này.

Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc thông báo hôm 5/7 rằng cơ quan này đã tiến hành đánh giá an ninh mạng đối với nền tảng đặt xe tải Huochebang và Yunmanman, và trang mạng tuyển dụng Boss Zhipin. Việc đăng ký người dùng mới sẽ bị tạm ngưng cho tới khi có kết quả đánh giá an ninh mạng.

Full Truck Alliance, công ty điều hành nền tảng Huochebang và Yunmanmna, và Kanzhun Ltd., công ty điều hành Boss Zhipin, cũng vừa niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thời gian gần đây.

Luật An ninh Dữ liệu ban hành hồi tháng 6/2021 quy định rằng các doanh nghiệp và cá nhân cần sự phê chuẩn của các cơ quan hữu quan để chuyển dữ liệu lưu trữ tại Trung Quốc cho các thực thể nước ngoài, chẳng hạn các cơ quan thực thi pháp luật.

Đạo luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9. Doanh nghiệp hoặc cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đến 10 triệu Nhân dân tệ (khoảng 310.000 USD đến 1,5 triệu USD) và bị đình chỉ kinh doanh.

Điều gì đang thực sự diễn ra?

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang “bất an” về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các ông lớn công nghệ. Các vấn đề chính liên quan tới những "gã khổng lồ" công nghệ này là tình trạng cạnh tranh độc quyền và sử dụng dữ liệu người dùng.

Cho tới gần đây, các công ty công nghệ vẫn hoạt động trong “vùng xám” pháp lý. Họ được tự do tương đối khi xây dựng mô hình kinh doanh, yêu cầu các trung gian và đại lý ký những hợp đồng độc quyền với nền tảng của họ và thu thập dữ liệu người dùng để hiểu rõ hơn về khách hàng.

Theo Shaun Rein, nhà sáng lập của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Thượng Hải, sau khi Trung Quốc giới thiệu ứng dụng theo dõi sức khỏe và cách ly trong giai đoạn đại dịch, có thể thấy rõ rằng những công ty công nghệ như gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và công ty giải trí Tencent đã kiểm soát được một khối lượng dữ liệu khổng lồ.

Ông Rein nói: “Tôi cho rằng trong khoảng một năm rưỡi qua, các bạn có thể thấy những công ty công nghệ này sở hữu quyền lực lớn tới mức nào.”

Alibaba Group Holding gần đây đã phải chịu khoản phạt kỷ lục lên tới 2,8 tỷ USD do các vi phạm liên quan tới độc quyền. Các công ty công nghệ lớn khác cũng vấp phải án phạt hoặc bị điều tra về các hành vi phi cạnh tranh và sai sót trong báo cáo tài chính.

Theo ông Rein, 2 năm trước, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn thờ ơ bởi họ cho rằng sự tiện dụng của các ứng dụng này lớn hơn bất kỳ tác động tiêu cực nào.

Tuy nhiên, hiện nay người dân Trung Quốc lại khá quan tâm tới dữ liệu cá nhân, bởi Alibaba và Tencent nắm giữ khối lượng dữ liệu thậm chí nhiều hơn cả chính phủ.

Ông Rein tin rằng việc giám sát chặt chẽ hơn ngành công nghệ sẽ giúp ngành này trở nên bền vững hơn và cạnh tranh công bằng hơn. Đây là những yếu tố đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Các tác động đối với Didi

Trong thông báo của mình, Didi đã khẳng định việc ứng dụng bị gỡ bỏ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận của công ty tại Trung Quốc. Didi cam kết sẽ sữa chữa bất kỳ vấn đề nào, bảo vệ an ninh dữ liệu và quyền riêng tư, và tiếp tục cung cấp các dịch vụ tiện lợi và an toàn cho khách hàng.

Theo Didi, ứng dụng của công ty hiện không còn có thể tải xuống tại Trung Quốc. Tuy nhiên, những người đã tải xuống và cài đặt vẫn có thể sử dụng ứng dụng. Giá cổ phiếu của Didi đã sụt giảm 5,3% hôm thứ 6 sau khi Bắc Kinh thông báo về việc rà soát an ninh mạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục