Đồng Tháp: Vụ lúa Đông Xuân thu hoạch hơn 1,39 triệu tấn

Giá thành sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 tại Đồng Tháp dao động từ 3.268-3.643 đồng/kg, tăng 163-182 đồng/kg, lợi nhuận tăng từ 5,5-8,1 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng Tháp: Vụ lúa Đông Xuân thu hoạch hơn 1,39 triệu tấn ảnh 1Thu hoạch lúa Đông Xuân 2022-2023 tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 tại tỉnh Đồng Tháp kết thúc, diện tích gieo trồng đạt 190.174ha, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Năng suất bình quân đạt 73,1 tạ/ha, sản lượng hơn 1,39 triệu tấn.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, cho biết sản lượng lúa đạt cao, giá trị sản xuất ngành hàng lúa ở Đồng Tháp tăng do diện tích sản xuất tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022; đồng thời, cơ cấu giống dịch chuyển sang nhóm lúa chất lượng cao và nếp.

Cơ cấu giống có xu hướng dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao, nếp và tập trung trên một số nhóm giống chính, năng suất cao như Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa chín, nếp Long An IR 46-25.

Tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao đạt 69,6%, tỷ lệ nhóm Nếp đạt 17,1% (tăng 5,5% so với cùng kỳ), tỷ lệ nhóm lúa thường đạt 13,3% (giảm 1% so với cùng kỳ).

[Lúa Đông Xuân ở Tiền Giang được giá, nông dân lãi 30 triệu đồng mỗi ha]

Giá thành sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 dao động từ 3.268-3.643 đồng/kg, tăng 163-182 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Giá bán tăng từ 950-1.300 đồng/kg, lợi nhuận tăng từ 5,5-8,1 triệu đồng/ha so với cùng kỳ.

Để lúa đạt chất lượng và sản lượng cao, ở huyện Tam Nông có mô hình hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) ở xã Phú Thành B, ông Trần Thanh Nam - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tam Nông, cho biết huyện tham gia mô hình có 6 hộ tham gia sản xuất với 50ha giống Zasmine 85, liên kết cung cấp vật tư, lúa giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với Tập đoàn Lộc Trời.

Phương thức liên kết, khi thu mua mỗi ký lúa đạt tiêu chuẩn SRP theo giá thị trường, Tập đoàn cộng thêm 800 đồng. Theo đó, vụ Đông Xuân, nông dân thu lãi 32 triệu đồng/ha.

Vụ lúa Đông Xuân vừa qua, huyện Tháp Mười đã thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại các cánh đồng sản xuất lúa lý tưởng (xã Thạnh Lợi). Mô hình giúp nông dân nắm bắt được các khâu quan trọng trong quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ.

Đặc biệt, sử dụng phân hữu cơ vào canh tác lúa, giúp lúa đẻ nhánh tốt, bộ rễ ăn sâu, ít đổ ngã... giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập.

Sản xuất theo mô hình này, nông dân bón phân theo phương pháp phân vùi; áp dụng quy trình quản lý dịch tổng hợp IPM, “3 giảm, 3 tăng,” “1 phải, 5 giảm” nên chi phí thuốc bảo vệ thực vật đều giảm so với sản xuất truyền thống, năng suất đạt 6 tấn/ha (tương đương với ruộng đối chứng).

Khi áp dụng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nông dân sẽ thu được lợi nhuận cao hơn so với ruộng đối chứng là 1.208.000 đồng/ha.

Sản lượng lúa ở tỉnh Đồng Tháp với số lượng lớn, do đó tỉnh chú trọng chất lượng hạt lúa để cho chất lượng hạt lúa ngày càng vươn xa trên thị trường thế giới.

Tỉnh Đồng Tháp được cấp 355 mã số vùng trồng lúa với tổng diện tích là 48.963ha, chiếm 25% diện tích canh tác lúa. Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hơn 6.675ha; diện tích được chứng nhận VietGAP hơn 4.057ha./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục