Đồng USD thêm động lực tăng giá trước niềm tin Fed giữ nguyên lãi suất

Đồng USD đang tăng giá mạnh hơn, khi lạm phát dai dẳng gây lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh lãi suất trong năm nay so với các ngân hàng trung ương khác.

Đồng tiền mệnh giá 100USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng tiền mệnh giá 100USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đồng USD đang tăng giá mạnh hơn, khi lạm phát dai dẳng gây lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh lãi suất trong năm nay so với các ngân hàng trung ương khác.

Chỉ số USD, đo giá trị của đồng tiền này so với rổ 6 đồng tiền mạnh khác, tăng 4,6% trong năm nay và gần mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2023. Chỉ số này tăng 1,7% trong tuần trước, mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2022.

Đồng bạc xanh tăng giá khi các nhà giao dịch ngày càng tin rằng Fed cần tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức hiện nay để tránh nguy cơ lạm phát tăng trở lại.

Số liệu công bố tuần trước cho thấy lạm phát mạnh hơn dự kiến đã đưa đến nhận định của thị trường về khả năng Fed sẽ hạ lãi suất chỉ 50 điểm cơ bản trong năm nay, so với mức 150 điểm cơ bản được đưa ra đầu năm.

Ngược lại, các nhà đầu tư tin rằng một số ngân hàng trung ương trên toàn cầu, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Canada và Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Riksbank có thể linh hoạt hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, vài tháng trước, nhiều người cho rằng Fed sẽ nằm trong số các ngân hàng trung ương hạ lãi suất đầu tiên.

Chênh lệch lợi suất trái phiếu giữa Mỹ và các nền kinh tế khác đã nới rộng trong những tuần gần đây, góp phần vào đà phục hồi của đồng USD, khi lợi suất tăng làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản bằng đồng USD.

Theo số liệu của Tập đoàn Giao dịch Chứng khoán London, chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giữa Mỹ và Đức vào cuối phiên 12/4 là lớn nhất kể từ năm 2022, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu phát tín hiệu có thể hạ lãi suất sớm nhất vào tháng 6/2024.

Chính sách của các ngân hàng trung ương có những khác biệt trong những tháng gần đây liên quan đến những nỗ lực trong việc kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 3/2024, lần hạ đầu tiên trong 9 năm.

Ngân hàng trung ương Thụy Điển có thể hạ lãi suất vào tháng 5/2024 nếu lạm phát tiếp tục giảm, trong khi Ngân hàng Trung ương Canada cũng cho thấy việc sẵn sàng nới lỏng chính sách.

Trong khi đó, đồng yen của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong gần 34 năm so với đồng USD, dù nước này gần đây đã chấm dứt 8 năm áp dụng lãi suất âm. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bác bỏ khả năng tăng lãi suất để hỗ trợ đồng yen.

Giám đốc quản lý và là người đồng phụ trách các thị trường toàn cầu của tập đoàn tài chính Citizens, Eric Merlis, cho rằng đồng USD có thể tiếp tục tăng nhờ chính sách của Fed thắt chặt hơn so với Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Đồng euro giảm 3,6% so với đồng USD kể từ đầu năm 2024 đến nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục