Dòng vốn FDI đổ vào Trung Quốc vẫn tăng bất chấp căng thẳng thương mại

Các tín hiệu lạc quan về FDI có thể coi là một điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc sau một loạt số liệu không mấy tươi sáng về sản lượng công nghiệp, bán lẻ và xuất khẩu.
Dòng vốn FDI đổ vào Trung Quốc vẫn tăng bất chấp căng thẳng thương mại ảnh 1Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Nikkei)

Theo báo cáo mới nhất do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố ngày 18/11, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này trong giai đoạn từ tháng 1-10/2019 đã đạt mức 752,41 tỷ NDT (107,58 tỷ USD), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dòng vốn đổ vào các lĩnh vực công nghệ cao đã tăng 39,5%  so với cùng kỳ năm 2018, đạt 222,4 tỷ NDT (31,7 tỷ USD), tương đương 30% tổng lượng vốn FDI đổ vào Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết, trong giai đoạn từ tháng 1-10/2020, đã có khoảng 33.407 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại nước này.

Tính riêng trong tháng 10/2019 vừa qua, lượng vốn FDI đổ vào Trung Quốc đã tăng 7,4% so với một năm trước đó lên 69,2 tỷ NDT (9,68 tỷ USD). Giám đốc Vụ đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc Zong Changqing dự báo dòng vốn FDI sẽ ổn định trong cả năm nay.

Khi được hỏi về việc các công ty tại Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất sang nước khác để tránh tác động từ các hàng rào thuế quan, ông Zong cho rằng Bắc Kinh chưa ghi nhận tình trạng thoái vốn ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài.

[Kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục giảm tốc trong quý 4]

Các tín hiệu lạc quan về FDI có thể coi là một điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc sau một loạt số liệu không mấy tươi sáng về sản lượng công nghiệp, bán lẻ và xuất khẩu cho thấy nhu cầu trong nước và quốc tế suy yếu, cùng với ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đã tác động mạnh đến những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Trong quý 3/2019, kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 6% - mức yếu nhất trong gần 30 năm. Tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) cảnh báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm tốc xuống còn 5,8% trong quý 4/2019 so với mức tăng trưởng 6% trong quý 3.

Dư luận hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu, qua đó chấm dứt các biện pháp tăng thuế trả đũa lẫn nhau và thúc đẩy trao đổi thương mại, góp phần cải thiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đã chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa hai siêu cường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục