Sự giảm giá mới của đồng yen xuống mức thấp nhất trong 34 năm đã ảnh hưởng tới các kế hoạch của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo, do chi phí nhập khẩu tăng cao đẩy lạm phát tăng nhưng cũng ảnh hưởng đến mức tiêu dùng và hoạt động của nền kinh tế.
Các nguồn tin cho biết BoJ sẽ nâng dự báo giá hàng hóa trong năm nay tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 26/4 và dự báo lạm phát sẽ ở gần mục tiêu 2% cho đến năm 2026, nhấn mạnh sự sẵn sàng tăng lãi suất từ 0 vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, BoJ cũng có khả năng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay trong các dự báo hàng quý mới, một phần do tiêu dùng và hoạt động sản xuất của các nhà máy trì trệ, các nguồn tin cho biết.
Theo cựu quan chức BoJ, Nobuyasu Atago, cách tiếp cận "phụ thuộc vào dữ liệu" mới của BoJ có nghĩa là họ sẽ đợi số liệu Tổng sản phẩm quốc nội từ tháng 4 đến tháng 6/2024 công bố vào ngày 15/8, để xác nhận liệu tăng trưởng kinh tế có thực sự phục hồi hay không trước khi quyết định điều chỉnh lãi suất.
Nhà kinh tế trưởng Atago tại Viện nghiên cứu kinh tế chứng khoán Rakuten cho rằng trừ khi đồng yen giảm giá nhanh chóng, khả năng BoJ tăng lãi suất vào mùa Hè là rất thấp.
Một quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản cũng cho rằng: “Tiêu dùng yếu và không rõ liệu lạm phát có tiếp tục tăng hay không như vậy không có lý do gì để BoJ lại vội vàng tăng lãi suất”./.
Đồng yen giảm giá xuống mức thấp nhất trong 34 năm
Ngay sau diễn biến về việc đồng yen giảm giá kỷ lục, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết Nhật Bản sẽ hành động phù hợp và không loại trừ bất cứ phương án nào để ngăn đồng yen biến động quá mức.