Dự báo chính sách Trung Đông của chính quyền ông Joe Biden

Một câu hỏi liên quan đến chính sách đối ngoại vẫn đang còn mơ hồ là liệu chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden có hủy bỏ tất cả các chính sách Trung Đông thời ông Donald Trump không?
Dự báo chính sách Trung Đông của chính quyền ông Joe Biden ảnh 1Ông Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, Mỹ, ngày 10/11/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng thehill.com đưa tin bỏ cuộc bầu cử lại sau lưng, một câu hỏi liên quan đến chính sách đối ngoại vẫn đang còn mơ hồ là liệu chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden có hủy bỏ tất cả các chính sách Trung Đông thời ông Donald Trump không?

Hay các cố vấn của Biden sẽ khôn ngoan và sáng suốt, sử dụng những chính sách này làm đòn bẩy để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của họ?

Chính quyền Tổng thống Trump đã tập trung vào Trung Đông nhiều hơn hầu hết khu vực nào khác trên thế giới, trừ Trung Quốc, vì vậy có một danh sách dài các hành động mà chính quyền tiếp theo có thể lựa chọn để hành động.

Vấn đề nổi bật nhất là Iran và thỏa thuận hạt nhân thời Obama, được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).

[Ông Biden chỉ định một số vị trí quan trọng trong Nhà Trắng]

Nhóm chính sách đối ngoại của ông Biden cho biết họ sẽ tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran nếu Tehran trở lại tuân thủ đầy đủ, vì những người ủng hộ thỏa thuận tuyên bố rằng họ đã “hoàn thành mục tiêu đã nêu (trong thỏa thuận).”

Mặc dù thỏa thuận này đã làm chậm khả năng phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iran, nhưng nó không chấm dứt khả năng phát triển và chuyển giao vũ khí hạt nhân của Iran như đã quảng cáo.

Thay vào đó, nó đã mở đường cho một chương trình vũ khí hạt nhân quy mô công nghiệp với sự chấp thuận của quốc tế chỉ trong vài năm.

Với tư cách tổng thống, ông Biden nên chống lại áp lực buộc phải gấp rút dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của ông Trump để đổi lấy việc Iran tuân thủ JCPOA trong thời gian ngắn, trừ khi có một cuộc đàm phán lại để giải quyết những sai sót nghiêm trọng trong thỏa thuận.

Nền kinh tế Iran đang bên bờ vực sụp đổ, một phần do các lệnh trừng phạt cứng rắn, và Mỹ nên sử dụng lợi thế này để yêu cầu thanh sát có ý nghĩa các cơ sở quân sự, chấm dứt nghiên cứu và phát triển máy ly tâm tân tiến, đóng cửa lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak (nơi có thể chế tạo plutoni) và ngừng chương trình phát triển tên lửa mà JCPOA không giải quyết được.

Việc chấm dứt các lệnh trừng phạt của Mỹ với kỳ vọng Iran sẽ đáp lại bằng các hành động thiện chí là không thực tế; Iran về cơ bản là một chế độ Hồi giáo cách mạng chống Mỹ.

Đây có lẽ là quyết định chính sách đối ngoại quan trọng nhất của chính quyền mới trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tới.

Tổng thống Trump đã giảm số lượng binh sỹ Mỹ đóng ở Iraq và Syria xuống mức chưa từng thấy kể từ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nổi lên. Đây là một chính sách thiển cận, nguy hiểm cần được đảo ngược.

Sự hiện diện quân sự không đáng kể của Mỹ sẽ ảnh hưởng xấu đến việc thúc đẩy lợi ích của Mỹ hay việc cản trở Iran biến Iraq thành nước ủy nhiệm của mình, và một lực lượng nhỏ ở Syria sẽ đặt Mỹ vào tình thế khó có thể ngăn cản Iran đuổi một kế hoạch hành lang Shi’ite kéo dài đến Biển Địa Trung Hải.

Chính quyền mới có thể phải đối mặt với một quyết định lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng quân sự lớn thứ hai trong NATO.

Từng là một đồng minh đáng tin cậy, giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ đang được lãnh đạo bởi một tổng thống Hồi giáo chính trị chuyên quyền, chống Mỹ, người đã phá hoại hệ thống phòng thủ của NATO và đe dọa các đồng minh của Mỹ ở Địa Trung Hải-Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Israel.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã dọa đóng cửa căn cứ không quân của Mỹ tại Incirlik.

Ông Biden cần dùng “thủ đoạn” để thắng Erdogan, vì Incirlik có thể thay thế bằng một căn cứ mới ở Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Mục tiêu của chính quyền mới là đưa ra một chính sách khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở lại vị trí một đồng minh đáng tin cậy của NATO.

Ông Biden có lịch sử lâu dài chống đối các khu định cư của Israel, bắt đầu từ các cuộc gặp gỡ giữa ông với các thủ tướng Meir và Begin hồi thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước.

Chính quyền Obama/Biden trong những ngày cuối cùng đã chọc giận Israel khi thông qua Nghị quyết 2334 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó gọi tất cả các khu định cư nằm trên “Ranh giới Xanh,” bao gồm cả Bức tường phía Tây của Israel, là tội ác chiến tranh.

Hy vọng chính quyền mới sẽ nhận thấy việc xoa dịu các nhà lãnh đạo Palestine không còn là điều quan trọng như trước đây, bằng chứng là hiện nay một số chính phủ Arab đã sẵn sàng bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Israel.

Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris đã tuyên bố sẽ lập tức đảo ngược quyết định của ông Trump đóng cửa phái bộ PLO ở Washington và khôi phục tài trợ cho người Palestine, mà không đòi hỏi bất kỳ nhượng bộ nào từ phía Palestine. Đây sẽ là một sai lầm.

Chính quyền Biden nên yêu cầu Chính quyền Palestine (PA) tuân thủ Đạo luật Lực lượng Taylor của Mỹ, theo đó buộc PA phải chấm dứt khuyến khích khủng bố thông qua việc dùng số tiền viện trợ của Mỹ để trả cho những kẻ khủng bố và gia đình chúng thực hiện các vụ tấn công người Israel và cả binh sỹ Mỹ trong khu vực.

Ông Biden cần gây sức ép buộc người Palestine phải chấm dứt kích động và chuẩn bị thiết thực để người dân Palestine chấp nhận sống bên cạnh một quốc gia Do Thái trước khi thay đổi hướng đi.

Tài trợ cho UNWRA, cơ quan về người tị nạn Palestine, sẽ không được khôi phục trừ khi định nghĩa về người tị nạn Palestine được thay đổi và việc tái định cư của họ được ưu tiên. Đây sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi, thúc đẩy tiến độ giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel.

Dự báo chính sách Trung Đông của chính quyền ông Joe Biden ảnh 2Người dân tham gia biểu tình phản đối kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây, tại quảng trường Rabin ở Tel Aviv, Israel, ngày 6/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với Trung Quốc, chính quyền ông Biden không chỉ đối mặt với sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong các vấn đề thương mại, mà còn sẽ bị thách thức bởi mục tiêu của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhằm giành ảnh hưởng trên khắp Trung Đông.

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, các công ty liên quan đến con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc “có thể chèn các cơ chế cửa hậu để thông tin tình báo/tuyên truyền ở các nước đối tác Vành đai và Con đường.”

Nhiều cố vấn chính sách đối ngoại của ông Biden muốn trừng phạt Saudi Arabia vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi và sự can dự của quốc gia Arập này trong Chiến tranh Yemen.

Chính quyền ông Biden nên khuyến khích Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel, một lợi ích an ninh quan trọng hơn nhiều của Mỹ, và khuyến khích họ tiến tới hiện đại hóa và cải thiện chính sách nhân quyền.

Cần nhớ rằng ở khu vực này của thế giới, chúng ta chia sẻ lợi ích, thay vì giá trị, với hầu hết các người chơi.

Chính quyền ông Biden nên trì hoãn sáng kiến của ông Trump nhằm biến Qatar thành một đồng minh chính của Mỹ bên ngoài NATO.

Đã đến lúc cần đánh giá lại mối quan hệ này. Bất chấp việc Mỹ sử dụng căn cứ không quân Al Udeid, Qatar cần Mỹ hơn là Mỹ cần họ để bảo vệ họ khỏi “kẻ săn mồi” Iran, quốc gia mà họ chia sẻ mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.

Một mục tiêu của tổng thống tiếp theo của Mỹ là đưa Qatar xích lại gần phương Tây và tránh xa Iran hơn.

Động lực mới ở Trung Đông là sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo chính trị, với Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar-Iran, người Sunni và người Shi’ite hợp tác để phá hoại lợi ích của Mỹ.

Một chính sách Trung Đông hiệu quả sẽ phải tính đến thực tế mới này. Trung Đông là khu vực mà các tổng thống Mỹ của cả hai đảng chính trị (Cộng hòa và Dân chủ) đều hối hận về quyết định của họ, và người Mỹ sẽ vui hơn khi bỏ nó lại sau lưng mà không phải hối tiếc.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn có những lợi ích đáng kể ở đó và chính quyền tiếp theo sẽ cần phải tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa các phương pháp tiếp cận, với các mục tiêu thực tế. Hãy nhớ rằng việc tiếp tục can dự không nhất thiết có nghĩa là can dự về mặt quân sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục