Dự báo mức độ tổn thương để chống biến đổi khí hậu

Việc dự báo đúng mức độ tổn thương, tìm chiến lược giảm thiểu thiên tai, phát triển bền vững đới ven biển Việt Nam là rất cần thiết.
Theo giáo sư-tiến sĩ Mai Trọng Nhuận, Tổng hội địa chất Việt Nam, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc đánh giá, dự báo đúng mức độ tổn thương, tìm ra chiến lược chủ động giảm thiểu thiên tai, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững đới ven biển Việt Nam là rất cần thiết.

Dự báo mức độ tổn thương

Giáo sư Mai Trọng Nhuận cho rằng việc đánh giá và dự báo mức độ tổn thương cần dựa vào cả tai biến và các yếu tố tự nhiên-xã hội gồm động đất, trượt lở, đổ lở, xói lở bờ biển, bồi tụ biến đổi luồng lạch, bão và lũ lụt, dâng cao mực nước biển, ô nhiễm môi trường nước và trầm tích.

Diện tích mức độ nguy hiểm do các tai biến cao và tập trung nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng. Giai đoạn 2015-2020, vùng có mức độ nguy hiểm cao kéo dài hơn, do tác động của bão có cường độ và tần suất tăng. Mức độ nguy hiểm do dâng cao nước biển phụ thuộc rất lớn vào địa hình, địa hình thấp thì nguy hiểm cao và địa hình cao thì nguy hiểm thấp hơn.

Nước biển dâng là yếu tố tác động mạnh mẽ đến việc gia tăng mức độ tổn thương tài nguyên, môi trường. Diện tích vùng có mức độ tổn thương cao theo kịch bản nước biển dâng 1m sẽ tăng hơn 3 lần so với kịch bản 0,5m, đặc biệt tác động mạnh nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Mật độ đối tượng bị tổn thương cao tập trung ở các vùng có nhiều khu công nghiệp, đô thị, du lịch, diện tích đất ngập nước, rừng ngập mặn lớn, mật độ dân cư đông. Mức độ tổn thương cao tập trung ở các vùng chịu tác động mạnh bởi bão, lũ lụt, xói lở, mật độ đối tượng bị tổn thương cao và khả năng ứng phó thấp.

Khả năng ứng phó cao tập trung ở vùng có địa hình cao, hệ thống đô thị, cơ sở hạ tầng tương đối mạnh và trình độ dân trí cao.

So sánh mức độ tổn thương theo kịch bản phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2015 và 2020, có 4 vùng cơ bản. Vùng thấp ở vùng đất ven biển cách bờ từ 8-10 km. Vùng rung bình phân bố rải rác, không tập trung thành vùng lớn. Vùng tương đối cao chiếm phần lớn vùng biển ven bờ. Vùng cao tập trung ở một số khu bảo tồn có đa dạng sinh học cao ở đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng.

[Ứng phó biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ hàng đầu] 

Ở vùng thấp và trung bình, khả năng ứng phó xã hội sẽ tăng, ở vùng trung bình sẽ chuyển một số vùng từ mức cao về trung bình. Ở vùng tương đối cao, khả năng ứng phó gia tăng, riêng vùng biển Bạc Liêu-Cà Mau tăng theo thời gian.

Vùng cao sẽ chuyển một số vùng ven biển từ mức cao xuống tương đối cao và trung bình. Đến năm 2020, diện tích các vùng tương đối cao và cao giảm dần do các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội làm tăng khả năng ứng phó của hệ thống tự nhiên-xã hội.

"Trốn chạy khôn ngoan"

Theo giáo sư Mai Trọng Nhuận, dựa vào các dự báo, quy hoạch "chủ động", tìm kiếm các “giải pháp mềm” để giảm mức độ tổn thương, là cách "trốn chạy khôn ngoan".

Đây không phải là vấn đề mới nhưng cần phải có tầm nhìn xa, trong đó có vấn đề quy hoạch sử dụng đất nói riêng, sử dụng tài nguyên và phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Các quy hoạch phải dựa vào đánh giá và dự báo mức độ tổn thương để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như các tai biến, hơn là bị động như hiện nay.

Phần cứng là giải pháp công trình như xây dựng và triển khai các trạm quan trắc, mô hình dự báo biến động tài nguyên, môi trường, mức độ tổn thương theo các kịch bản biển đổi khí hậu, nước biển dâng với độ tin cậy cao…

Phần mềm là giải pháp phi công trình, cần vận dụng linh hoạt từ đánh giá, dự báo, quy hoạch đến tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

Dựa vào đặc thù vùng kinh tế-sinh thái và mức độ tổn thương, quy hoạch sử dụng bền vững tài nguyên-môi trường nên chia thành 6 vùng với các ưu tiên phát triển phù hợp. Vùng ven biển Móng Cái-Đồ Sơn ưu tiên hệ thống cảng biển, du lịch sinh thái như các dự án phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái đặc biệt (rừng ngập mặn, san hô, cỏ biển...).

Vùng ven biển đồng bằng sông Hồng (Đồ Sơn-cửa Lạch Trường) nuôi trồng thủy sản, phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn và đất ngập nước cửa sông, cải tạo hệ thống đê biển, phòng chống xói lở và bão lũ.

Vùng ven biển Bắc Trung bộ (cửa Lạch Trường - mũi Hải Vân) với du lịch kỳ quan địa chất, khu công nghiệp ven biển, cảng biển.

Vùng ven biển Nam Trung bộ (mũi Hải Vân-mũi Hồ Tràm) có cảng, trung tâm nghề cá, các khu kinh tế ven biển, du lịch biển. Vùng ven biển Đông Nam bộ (mũi Hồ Tràm- Gành Rái) phát triển các khu công nghiệp, khai khoáng hoạt động trong lĩnh vực dầu khí và cảng biển, du lịch sinh thái. Vùng ven biển Tây Nam bộ (Gành Rái-Hà Tiên) nuôi trồng thủy sản, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển.

Hai vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng rất quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh lương thực nhưng bị tổn thương cao nhất, bởi vậy phải có chiến lược thích ứng khi nước biển dâng cao.

Giải pháp quan trọng nhất là quy hoạch sử dụng đất, quản trị thích ứng phù hợp với các kịch bản dâng cao mực nước biển ở mức 0,5m và 1m. Với tầm nhìn chiến lược và triết lý ứng phó khôn ngoan với biến đổi khí hậu, quỹ đất phải để dành cho việc di dân vùng đất thấp, sẽ bị ngập, cũng như phát triển các công trình liên quan …

Về khoa học công nghệ, với phương châm “tiên đoán nhằm ngăn chặn và chủ động thích ứng,” Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp cứng và mềm để hạn chế tác động bất lợi, tận dụng cơ hội nếu có của biến đổi khí hậu. Tinh hoa truyền thống của văn minh trị thủy, văn minh lúa nước của người Việt Nam cũng cần được nghiên cứu và vận dụng, ứng phó phù hợp từng vùng, miền về điều kiện tự nhiên, thiên tai, trình độ phát triển kinh tế -xã hội, nguồn lực.

Các giải pháp ứng phó với thiên tai, nước biển dâng, biến đổi khí hậu cũng cần đưa vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển của từng vừng phù hợp với mức độ tổn thương hiện tại và cả trong tương lai./.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục