Dự báo thế giới 2021: Chưa hết sóng gió với Triều Tiên

Bình Nhưỡng bước vào năm 2021 trong tình thế tuyệt vọng về hoạt động kinh tế tài chính như vậy, khiến ông Kim Jong-un phải công khai xin lỗi người dân vì không thực hiện được mục tiêu đặt ra.
Dự báo thế giới 2021: Chưa hết sóng gió với Triều Tiên ảnh 1Các đại biểu tại ngày họp thứ 4 Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng, ngày 9/1/2021. (Ảnh: KCNA/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, năm 2020 có thể coi là một năm thảm khốc đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Kim Jong-un vẫn nắm vững quyền lực chính trị, không bị nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, ông vẫn xuất khẩu đủ lượng than đá cần thiết để cứu vớt một năm hoạt động kinh tế nghèo nàn và khó khăn nhất kể từ những năm 1990.

Tuy nhiên, khi Bình Nhưỡng chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, những triển vọng của nhà lãnh đạo họ Kim trong năm 2021 không còn tươi sáng như những gì chúng hiện hữu hồi đầu năm 2020.

Bị vắt kiệt về tài chính và phải tìm cách xoay xở nguồn thu ngân sách trong bối cảnh bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt không còn là tình huống mới mẻ đối với chính phủ Triều Tiên.

Tuy nhiên, điều mới mẻ ở đây là Triều Tiên chấp nhận khó khăn và quyết tâm vượt qua thời kỳ này trong khi phải chứng kiến trao đổi thương mại với Trung Quốc sụt giảm mạnh gần 75% và tổng sản lượng nội địa (GDP) của Triều Tiên suy giảm 8,5%.

Mặc dù chắc chắn các lệnh trừng phạt quốc tế đã gây nên tình trạng kinh tế này, song “thủ phạm” thực sự là đại dịch COVID-19, vốn khiến nhà lãnh đạo họ Kim phải đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nghiêm ngặt.

Bình Nhưỡng đang bước vào năm 2021 trong tình thế tuyệt vọng về hoạt động kinh tế tài chính như vậy, khiến bản thân Kim Jong-un phải công khai xin lỗi người dân vì không thực hiện được những mục tiêu kinh tế đã đặt ra.

[Triều Tiên: Ban Chấp hành Trung ương họp phiên toàn thể đầu tiên]

Một nguồn tin giấu tên từ chính phủ Hàn Quốc tiết lộ rằng ông Kim Jong-un đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất trên cương vị lãnh đạo kể từ khi tiếp nối quyền lực từ người cha Kim Jong-il cách đây gần một thập kỷ.

Trước tình hình kinh tế của Triều Tiên hiện nay, một số chuyên gia đã đưa ra 3 kết luận. Thứ nhất, chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden sẽ có nhiều ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng hơn họ nghĩ.

Thứ hai, trong tình thế tuyệt vọng như vậy, Bình Nhưỡng có thể chỉ cần thử thêm một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa nữa để kéo Washington quay trở lại bàn đàm phán.

Thứ ba, chế độ Kim sẽ tập trung chương trình nghị sự năm 2021 của mình vào nhiệm vụ giải quyết những vấn đề nội tại trong nước. Kết luận thứ ba khá hợp lý và chính xác.

Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên sắp tới có thể sẽ đề ra một chương trình phát triển kinh tế mới, có thể bao gồm khả năng tái mở cửa biên giới với Trung Quốc trên cơ sở từng bước, theo từng giai đoạn và được kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài ra, chương trình kinh tế mới này có thể bao gồm việc nới lỏng kiểm soát và hạn chế đối với các giao dịch cá nhân không chính thức trên thị trường chợ đen nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, kết luận thứ nhất và thứ hai nói trên lại không mấy hợp lý. Về lập luận, khi nền kinh tế Triều Tiên ngày càng suy yếu, nhiều khả năng ban lãnh đạo Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng thỏa hiệp với Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, lập luận đó chỉ đúng nếu Washington sẵn sàng từ bỏ những yêu cầu tối đa tương tự đối với Bình Nhưỡng mà Triều Tiên lâu nay phản đối một cách kiên quyết, mạnh mẽ và rõ ràng.

Triều Tiên sẽ muốn Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, để hoạt động thương mại của họ được khai thông và bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều. Tuy nhiên, dù Triều Tiên mong muốn những điều trên thì cũng không có bằng chứng nào cho thấy nước này muốn hủy bỏ công cụ răn đe hạt nhân của mình để đạt được những mong muốn đó.

Thực ra, nếu sức ép kinh tế là nhân tố huyền ảo thì Triều Tiên đáng nhẽ ra đã phi hạt nhân hóa từ lâu rồi. Đối với Bình Nhưỡng, đảm bảo an ninh tối thượng về cơ bản vẫn quan trọng hơn sự thịnh vượng kinh tế và sẽ không một đòn trừng phạt nào hoặc tập trận quân sự nào của Mỹ sẽ làm thay đổi tính toán cơ bản này.

Nói cách khác, chính quyền của ông Biden sẽ rơi vào tình trạng tự lừa gạt mình nếu cho rằng một nền kinh tế nghèo nàn sẽ thúc đẩy Triều Tiên làm những gì mà họ đã từ chối làm trong nhiều năm qua: từ bỏ chương trình hạt nhân.

Điều này không có nghĩa là Chủ tịch Kim Jong-un sẽ phản đối những can dự ngoại giao khác với Washington, ví dụ tiến tới một thỏa thuận theo đó Bình Nhưỡng ngừng chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lại Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt hoặc tiến tới một thỏa thuận theo phương thức cũ về kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Mặc dù vậy, điều này có nghĩa là tiến trình phi hạt nhân hóa nhanh chóng, hoàn toàn và được kiểm chứng khó có thể xảy ra trong năm 2021 như năm 2020.

Liệu Triều Tiên sẽ tiến hành thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào đầu năm 2021? Phương Tây thường có xu hướng đặt những giả định về hành động của Triều Tiên vào những viễn cảnh tồi tệ nhất.

Một trong những viễn cảnh kinh hoàng nhất đối với giới quan sát Triều Tiên là việc nước này sẽ thử nghiệm ICBM ở đâu đó trên Thái Bình Dương. Cộng đồng hoạch định chính sách đối ngoại ở Washington lâu nay có lối tư duy theo lối mòn rằng vì Bình Nhưỡng thử tên lửa vào năm đầu tiên của thời chính quyền Barack Obama và Donald Trump nên họ sẽ làm tương tự như vậy đối với chính quyền Biden trong những tháng đầu tiên lên nắm quyền.

Mặc dù tư duy khôn khéo lâu nay cho rằng một vụ thử ICBM sẽ giúp gia tăng vị thế mặc của của Bình Nhưỡng đối với Mỹ, song có những lý do ngoại giao, quân sự và chiến lược khiến Chủ tịch Kim phải kiềm chế tiến hành hành động khiêu khích như vậy, ít nhất cho đến khi Bình Nhưỡng biết được chính xác chính quyền ông Biden có chính sách đối ngoại như thế nào về nước này.

Chủ tịch Kim Jong-un không hề khù khờ. Ông hiểu rằng cái giá phải trả đi kèm nếu tiến hành vụ thử ICBM. Một trong những cái giá đó là sự hủy hoại mối quan hệ khá tốt đẹp của Bình Nhưỡng với Trung Quốc và Nga, vốn là hai nước ủng hộ chính của Bình Nhưỡng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đã không ít lần phủ quyết việc thông qua các lệnh trừng phạt mới đối với quốc gia Đông Bắc Á này.

Bên cạnh đó, việc tiến hành thêm một vụ thử ICBM cũng không đem lại lợi ích gì nếu nhìn từ góc độ ngoại giao. Vào thời điểm Triều Tiên đang kiểm soát chặt chẽ các nhà ngoại giao của mình làm việc trong các phái bộ nước ngoài, đồng thời phát tín hiệu đến Nghị viện châu Âu rằng Bình Nhưỡng vẫn muốn phát triển mối quan hệ tích cực với phương Tây, việc tiến hành thử tên lửa tầm xa sẽ chỉ phát đi một thông điệp trái chiều.

Vụ thử này cũng sẽ gây phiền toái cho các kế hoạch của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, khiến Seoul gặp nhiều khó khăn hơn khi không thể triển khai bất kỳ sáng kiến liên Triều nào do vướng phải bất đồng về chính sách đối phó với Bình Nhưỡng.

Mọi quan tâm sẽ đổ dồn về những đường hướng hành động mà Chủ tịch Kim đưa ra tại đại hội. Tuy nhiên, thay vì ngồi yên một chỗ để dự đoán, cách tốt nhất là nên bình tĩnh chờ đợi và lắng nghe những gì nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra tại đại cuộc họp này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục