Du lịch Ai Cập thiệt hại

Du lịch Ai Cập thiệt hại lớn vì khủng hoảng chính trị

Cuộc khủng hoảng chính trị đang kéo dài ở Ai Cập đang gây ra những thiệt hại không nhỏ tới ngành du lịch ở quốc gia Bắc Phi này.
Hơn 1 triệu du khách đã rời khỏi Ai Cập, hơn 80% lượng đặt tour đã bị hủy, 200 triệu USD đầu tư cho ngành du lịch bị mất và hơn 2 triệu người làm việc trong ngành công nghiệp không khói này có nguy cơ mất việc làm vì những cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài hơn hai tuần nay.

Những con số đáng báo động trên đã khiến Bộ Du lịch Ai Cập phải thành lập một ủy ban quản lý ngành du lịch trong cuộc khủng hoảng hiện nay vì những thiệt hại về tài chính đã lên tới hơn 1 tỷ USD.

Ông Hissam Zaazoue, Trợ lý Bộ trưởng Du lịch Ai Cập, cho biết: "Vai trò của ủy ban này là đánh giá tình hình và tỷ lệ giảm số lượng du khách tại Ai Cập. Ủy ban này cũng sẽ đề ra nhiều biện pháp nhằm làm giảm nhẹ những thiệt hại tài chính và liên quan đến số lượng khách đang tìm cách rời khỏi Ai Cập nhằm sớm giải quyết tình trạng khủng hoảng này."

Một đường dây điện thoại nóng hoạt động 24/24 giờ nhằm tiếp nhận những khiếu nại liên quan đến an ninh cho du khách cũng như các cơ sở du lịch nhằm phối hợp với nhà chức trách hay các sứ quán nước ngoài tại Ai Cập để giải quyết mọi vấn đề khúc mắc.

Ông Zaazoue nhấn mạnh: "Một cơ quan khác cũng đã được thành lập tại nhiều sân bay nhằm tạo thuận lợi hóa các thủ tục để họ có thể lên máy bay về nước, vì số lượng du khách muốn quay trở về nước họ quá đông nên đã gây ra tình trạng ùn ứ tại các sân bay. Bảo đảm an ninh cho du khách vẫn còn đang ở tại Ai Cập là ưu tiên số một của chúng tôi lúc này."

Mặt khác, Cơ quan xúc tiến du lịch Ai Cập (ETA) đang liên lạc trực tiếp với các văn phòng xúc tiến tại nhiều nước trên thế giới. Ông Amr Al-Ezabi, Chủ tịch ETA, khẳng định: "Chúng tôi phải cập nhật diễn biến tác động của tình hình hiện nay đến các thị trường du lịch của Ai Cập và những phản ứng khác nhau từ những thị trường này theo những đặc trưng và xu hướng của mỗi thị trường."

Ông Amr Al-Ezabi cho biết thêm, ETA đang phải tạm dừng các chiến dịch quảng bá Ai Cập như là một điểm đến du lịch của nhiều thị trường lúc này, đồng thời duy trì tiếp xúc trực tiếp với các đối tác quốc tế như những liên đoàn du lịch, các hãng lữ hành.

Ông Amr Al-Ezabi khẳng định: "Các cuộc tiếp xúc này giúp chúng tôi tăng cường những nỗ lực quảng bá hình ảnh của Ai Cập khi tình hình khủng hoảng hiện nay kết thúc. Mặt khác, một kế hoạch cũng đã được thực hiện nhằm hút trở lại du khách đến Ai Cập sau khi các cuộc biểu tình chấm dứt."

Những nét chính của kế hoạch này đó là tham dự những hội chợ du lịch quốc tế lớn nhất được tổ chức vào tháng Hai và Ba tại Italy và Đức. Ông Khaled Al-Manaoui, Chủ tịch hiệp hội các hãng du lịch cho biết: "Chúng ta phải tham dự tất cả những hội chợ này. Hiệp hội sẵn sàng trợ giúp tài chính cho tất cả các công ty tham dự những sự kiện trên và không còn khả năng tài chính vì bị thiệt hại do cuộc khủng hoảng hiện nay."

Theo ông Al-Manaoui, mục tiêu tham dự các sự kiện trên không phải là xúc tiến du lịch, mà là để đánh dấu sự có mặt của Ai Cập và không để bị mất thị phần.

Ai Cập đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng trong ngành du lịch, trong đó cuộc khủng hoảng nặng nề nhất đã xảy ra sau khi hàng loạt vụ khủng bố nằhm vào nước này trong những năm 1990. Những cuộc khủng hoảng này chỉ làm ngành du lịch phát triển hơn. Ai Cập đã thành công khi vượt qua tất cả với những nỗ lực không mệt mỏi.

Ngành du lịch chiếm 6% GDP của Ai Cập. Du lịch đem lại doanh thu 13 tỷ USD cho Ai Cập trong năm 2010, với lượng khách kỷ lục 14,7 triệu du khách./.
 
Thanh Bình/Cairo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục