Giá vé máy bay tăng tới 200%, thậm chí 300-400% so với ưu đãi một số điểm đến “hot” như Phú Quốc vào thời điểm nghỉ lễ 30/4 khiến khách Việt choáng váng và “quay xe” xuất ngoại tới các nước có chính sách giá hấp dẫn, dịch vụ tốt như: Thái Lan, Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bởi các đường bay đến những quốc gia này đều được hàng không nước sở tại trợ giá.
“Tour Thái Lan 4 ngày chưa đến 8 triệu đồng/người, trong khi vé máy bay khứ hồi đi Phú Quốc đã 10 triệu đồng thì chẳng lý do gì tôi phải chọn du lịch nội địa,” chị Mai Phương (Vĩnh Tuy, Hà Nội) cho biết sau khi quyết định cọc tiền cho cả gia đình đi Thái Lan.
Đáng nói, chị Mai Phương có cùng lựa chọn với gần 70% du khách Việt sẽ xuất ngoại trong kỳ nghỉ lễ sắp tới (theo thống kê của các doanh nghiệp lữ hành lớn trên cả nước). Vô hình chung, du lịch Việt đã thua ngay trên sân nhà.
[Làm gì để loại ô nhiễm rác thải, trả lại môi trường xanh cho du lịch?]
Vậy mức tăng giá vé máy bay này có hợp lý trong bối cảnh hiện nay và cần giải pháp nào để cân đối giữa giá vé máy bay với mong muốn bình ổn của người dân nhằm thúc đẩy du lịch nội địa phục hồi? Đặc biệt, người dân cần lưu ý gì để tránh rơi vào “bẫy lừa” mùa nghỉ lễ cao điểm?
Đẩy khó khăn về phía khách hàng?
Trước thông tin giá vé máy bay tăng cao, Giám đốc điều hành Rustic Hospitality Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ quan điểm: “Đứng trên góc độ khách hàng, tôi tin người dân rất ‘sốc,’ do họ không biết vì sao giá vé máy bay tăng khiếp vậy. Đây là chính sách của chính phủ trong việc tăng trần giá vé, nhưng chúng ta sẽ không bàn đến chính sách mà vấn đề tôi muốn nói ở câu chuyện này, là doanh nghiệp muốn tồn tại phải phụ thuộc vào khách hàng. Không có khách hàng, doanh nghiệp chết.”
Theo ông Ngọc Bích, vấn đề doanh nghiệp tăng giá vé máy bay mà không khảo sát nhu cầu và sự chấp nhận của khách hàng, chỉ đơn thuần cho rằng cần phải bán giá như thế thì đương nhiên không được ủng hộ, điều đó dễ dẫn tới không có doanh thu và nhiều hệ lụy khác.
Mặc dù đồng cảm giai đoạn này doanh nghiệp nào cũng khó khăn, kể cả những “ông lớn” như Vietnam Airlines, Bamboo Airways hay Vietjet Air, nhưng ông Ngọc Bích cho rằng: “không thể vì thế lại đẩy khó khăn cho khách hàng, mà làm sao để cùng đồng hành với khách, xây dựng môi trường kinh doanh bền vững cho thị trường du lịch và cả nền kinh tế Việt Nam.”
Thực tế, du lịch và hàng không được ví như hai cánh chiếc máy bay. Khi du lịch phát triển thì hàng không sẽ phát triển theo và khi hàng không có những chính sách ưu đãi sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch.
Vậy làm thế nào để cân đối giữa giá vé máy bay và mong muốn bình ổn của người dân, vừa nhằm thúc đẩy du lịch nội địa phục hồi, phát triển vừa giúp “giảm nhiệt” tình trạng tăng giá phi mã mùa cao điểm nghỉ lễ?
Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, Trưởng ban truyền thông của Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Công Hoan chia sẻ: “Trong câu chuyện làm sao hài hòa giữa việc có vé rẻ để cấu thành giá tour ưu đãi, nhằm kích thích nhu cầu xê dịch thì cần sự hợp tác giữa hàng không với các công ty du lịch, các đơn vị vận chuyển tại điểm đến, bằng cách đưa ra các chính sách giá vé khác nhau.”
Theo ông Hoan, chính sách giá vé ưu đãi cho các công ty du lịch là cần thiết để xây dựng sản phẩm tour trọn gói và chỉ những khách du lịch trọn gói mới được hưởng ưu đãi này, hoặc combo kết hợp vé máy bay-khách sạn với hành trình cố định trong khoảng thời gian cố định. Giải pháp này giúp phân loại được tệp khách hàng, để khách du lịch có giá vé tốt còn những đối tượng khách khác vẫn áp dụng mức giá đa dạng.
Các chuyên gia đều chung quan điểm du lịch rất cần sự chung tay chia sẻ của địa phương bằng cách phối hợp với các điểm đến để có thêm chính sách ưu đãi hỗ trợ ngành hàng không tiết giảm chi phí. Điều này thực tế ở Việt Nam đã có rồi.
Như trước đây khi mở đường bay đến Bình Định, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ du khách tiền đặt vé đến đất võ; hay Vietjet mở đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Thọ Xuân, Thanh Hóa thì địa phương cũng hỗ trợ kinh phí cho hàng không bay tuyến này.
Bên cạnh đó, theo đại diện các đơn vị lữ hành, hàng không cũng nên có chính sách khuyến khích khách mua vé sớm, có khuyến mại trong tuần nhằm thu hút đối tượng khách có nhiều lựa chọn thời gian hơn như người hưu trí, lao động tự do. Như vậy, các hãng hàng không cũng chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch bay.
Làm sao để tránh bẫy lừa?
Du lịch sắp bước vào mùa cao điểm nghỉ lễ, sau đó là du lịch Hè, để có những tour phù hợp túi tiền và cũng để tránh trường hợp là nạn nhân của những vụ lừa đảo vé máy bay, tour hay voucher giá rẻ như nhiều trường hợp đã xảy ra, các chuyên gia đưa ra nhiều khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, du khách khi có nhu cầu du lịch hãy đặt dịch vụ sớm, để vừa có giờ bay và dịch vụ như ý vừa mua được giá bình ổn so với đặt dịch vụ sát ngày khởi hành.
Để chuyến đi “dễ thở,” các chuyên gia khuyên tùy theo điều kiện và khả năng hãy chọn đi du lịch trong tuần, tránh những ngày nghỉ cao điểm để né giá cao, tránh quá tải điểm đến.
“Không phải cứ chuyến bay nào giữa giờ sáng, giữa trưa hay giữa chiều mới là phù hợp mà khách du lịch hoàn toàn có thể chọn các chuyến bay đầu giờ hoặc cuối ngày vừa để có mức giá rẻ hơn vừa có thêm thời gian tham quan trải nghiệm ở điểm đến,” ông Hoan nói.
Đặc biệt, khi mua tour, khách hàng nên “chọn mặt gửi vàng” cho những công ty du lịch lớn, uy tín, tránh trường hợp mua phải sản phẩm thông tin thiếu minh bạch dẫn đến giá tour tưởng rẻ nhưng cuối cùng dịch vụ nghèo nàn, chất lượng thấp.
Thực tế, du khách thường ham tour rẻ nên có thể thiếu tỉnh táo để nhận ra những gì rẻ bất thường lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Họ cần hiểu, giữa mặt bằng chung của thị trường mà có những đơn vị đưa ra mức giá thấp hơn 30-40%, thậm chí 50% mà không chứng minh được giá rẻ như vậy vì sao gì thì cũng chớ ham, vì dễ bị mua phải tour lừa,” ông Hoan cảnh báo.
Đáng nói, hiện nay khách du lịch có xu hướng mua tour, voucher online, vé máy bay giá rẻ… trên facebook của các cá nhân và dễ đặt niềm tin vào những “cá nhân ảo.” Các chuyên gia khuyến cáo người dân hãy cân nhắc, có thể tham khảo thông tin trên facebook hay các trang tổng hợp điện tử, còn khi giao dịch thì nên trực tiếp đến công ty du lịch hoặc vào các website chính thức để xác thực thông tin có phải chính thống của đơn vị uy tín hay không, tránh trường hợp nhầm lẫn những tên miền na ná nhau.
“Quan trọng hơn, với những công ty uy tín, không trốn thuế thì khi khách thanh toán bao giờ cũng là chuyển tiền vào số tài khoản công ty. Đây là sự đảm bảo an toàn nhất cho khách hàng. Trong trường hợp chuyển vào tài khoản cá nhân thì du khách cần hết sức thận trọng, cân nhắc để vừa tránh lừa đảo vừa tránh tiếp tay cho hành vi trốn thuế,” Tổng Giám đốc Flamingo Redtours nhấn mạnh./.