Du lịch ngon, bổ, rẻ

Du lịch Tết 2013: Khách hàng chọn: "ngon, bổ, rẻ"

Sau một năm kinh tế khó khăn, nên du khách khá dè dặt và "chắc tay" khi chọn tour du lịch Tết Quý Tỵ, bởi thế, tour "ngon, bổ, rẻ" lên ngôi.
Tour Tết là "mùa thu hoạch" của các doanh nghiệp lữ hành chờ đợi nhưng với  tình hình kinh tế khó khăn năm qua,  du khách rất dè dặt đi tour, nếu có đi cũng đắn đo chọn những điểm đến “ngon, bổ, rẻ."


Khách “chắc tay” mùa khó

“Tết này, thay vì cả đi du lịch nước ngoài, chúng tôi quyết định cả gia đình sẽ tự lái xe đi Quảng Ninh, vừa kết hợp thăm hỏi họ hàng vừa du xuân nghỉ dưỡng ở vịnh Hạ Long,” chị Phạm Mai ở Đội Cấn chia sẻ về kế hoạch nghỉ Tết Nguyên Đán của gia đình.

Trong khi đó, gia đình Ngọc Tú ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, thay vì đi các nước châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản như nhiều năm trước thì nay chỉ chọn tour bốn ngày ở Đà Lạt.

Tú thật thà bảo, cô “hết tiền rồi!” Chả là “mớ” cổ phiếu mấy năm trước còn quy đổi được ra ngoại tệ chứ nay thành “mớ giấy lộn” cả, dự định về những chuyến đi cũng theo đó mà tan thành mây khói.

Không chỉ chị Mai hay Ngọc Tú có lựa chọn tiết kiệm hơn cho gia đình mà đây cũng là tâm lý chung của khá nhiều người có mức thu nhập trung bình khi được hỏi về kỳ nghỉ Tết chín ngày năm nay.

Các điểm đến trong nước được khách du lịch “hạng trung” quan tâm và ưa thích vẫn là những tour nghỉ dưỡng kết hợp với khám phá văn hóa, lịch sử ở Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Bà Nà, Hà Nội, Sa Pa…

Ngoài ra, với một bộ phận khách hàng “VIP” có khả năng chi trả cao dù vẫn tiếp tục chọn các điểm đến nước ngoài nhưng theo đại diện một số hãng lữ hành, phần lớn họ đều tham khảo và cân nhắc khá kỹ, không vội vàng mua tour, thay vì các tour xa xỉ đường xa nhiều người chọn đi các nước gần giá rẻ lại được khuyến mãi như Hong Kong, Đài Loan, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Australia, Dubai…

Như chị Hoài Nam ở Bạch Mai (Hà Nội) cho biết chị đã mua tour cho chín người trong nhà đi Campuchia. “Tính ra chi phí còn rẻ hơn đi Nha Trang hay Mũi Né… mà mẹ con bà cháu vẫn được xuất ngoại. Các con tôi còn có cơ hội để hiểu biết thêm về các di sản thế giới ở Campuchia,” chị tính toán.

Và tâm tư lữ hành…

Bản thân các doanh nghiệp lữ hành cũng ý thức được thực trạng này, khi mà mức tăng lượng khách vào dịp Tết năm nay được dự đoán sẽ không đạt tới 15% - 25% như Tết các năm trước. Suy thoái kinh tế đang đẩy nhiều khách hàng đến quyết định tự đi thay vì mua tour. Họ đã quen với việc tự “săn” tour giá rẻ nội địa và cả quốc tế nên không mấy mặn mà với doanh nghiệp lữ hành.

Vì thế, để giữ chân khách Tết năm nay, nhiều công ty du lịch tung chiêu giữ nguyên thậm chí giảm giá tour. Như Công ty du lịch Thế hệ trẻ giảm 10-15% giá một số tour trọn gói, Vietravel liên kết với đối tác giảm giá từ 1,6 triệu-6 triệu với những tour khởi hành sau ngày mùng 5 Tết.

Nhận định về thị trường, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị-Truyền thông Vietravel ông Nguyễn Minh Mẫn cho rằng lợi thế của tour đi nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực đang có chính sách giá tốt hơn, dịch vụ tại nơi đến cũng chu đáo hơn. Còn giá các dịch vụ trong nước như hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển quá cao kéo theo giá tour thường tương đương thậm chí cao hơn giá tour nước ngoài.

Thêm nữa, hễ cứ đến ngày lễ, tết thì giá các dịch vụ lại tăng cao khiến các doanh nghiệp lữ hành muốn “hụt hơi” khi tổ chức, ổn định giá tour. Mặt khác, về phần khách hàng, dù có nhu cầu du lịch trong nước nhưng nỗi lo bị “làm giá” khiến nhiều người chỉ muốn xuất ngoại, nếu đi trong nước cũng chỉ chọn một số tour ngắn ngày để nghỉ ngơi.

Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, ngành du lịch nhận được hỗ trợ rất lớn từ các đối tác cung cấp dịch vụ và phía cơ quan chức năng nên luôn có được chính sách giá hợp lý. Đặc biệt, các hãng hàng không nước ngoài rất tích cực liên kết với đối tác ngoài quốc gia để quảng bá du lịch.

Thực tế cho thấy, phân khúc khách hàng có thu nhập bậc trung trở lên thường đã “mòn gót” với các điểm đến trong nước-những nơi giá cả đã cao lại thường xuyên phải đối mặt cảnh “chặt chém,” nên quay sang chọn những tour đi các nước gần trong khu vực.

Vì thực tế này, ngành du lịch Việt đang thua ngay trên sân nhà và tạo tâm lý bức xúc trong chính giới làm lữ hành.

Giữa dòng chảy đó, cũng có những doanh nghiệp chọn cho mình con đường riêng, dẫu biết “lạc nhịp” với thị trường chung. Như Công ty Dịch vụ Lữ hành Nam Cường là một ví dụ. Trong khi hàng nghìn công ty du lịch khác mải mê với cuộc đua cạnh tranh khốc liệt thì công ty Nam Cường vẫn “bình chân như vại,” như chẳng màng tới thời cuộc.

Giám đốc đơn vị này, ông Trương Tường Lân chia sẻ công ty có chính sách rất rõ ràng là cho nhân viên nghỉ hoàn toàn vào các dịp lễ, tết mà vẫn đảm bảo doanh thu.

“Nếu vẫn làm việc vào những thời điểm đó, tôi vừa thương nhân viên của mình lại vừa thương khách hàng nhiều hơn. Bởi tôi không muốn họ phải chịu một mức giá dịch vụ ‘trên trời’ trong khi chất lượng chẳng ra sao,” ông Lân nói.

Tuy nhiên, giữa không khí ảm đạm của nền kinh tế không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lực để “chơi ngông” như công ty ông Lân!/.

Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục