Dự luận quốc tế quan ngại về chính sách đối với phụ nữ của Taliban

Cộng đồng quốc tế coi quyền được giáo dục của phụ nữ là một điều kiện quan trọng trong các cuộc đàm phán về viện trợ và sự công nhận đối với Taliban.
Dự luận quốc tế quan ngại về chính sách đối với phụ nữ của Taliban ảnh 1Phụ nữ Afghanistan chờ nhận lương thực cứu trợ tại tỉnh Kandahar ngày 28/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ khi trở lại lãnh đạo đất nước vào tháng 8/2021, Taliban đã áp đặt cách diễn giải hà khắc nhất giáo lý của đạo Hồi, trong đó phụ nữ bị cấm đi học đại học.

Đến nay, chưa có quốc gia nào chính thức công nhận Taliban là lực lượng nắm quyền hợp pháp tại Afghanistan.

Cộng đồng quốc tế coi quyền được giáo dục của phụ nữ là một điều kiện quan trọng trong các cuộc đàm phán về viện trợ và sự công nhận đối với Taliban.

Khủng hoảng nhân đạo

Afghanistan đang chìm trong khủng hoảng nhân đạo khi có tới 28,3 triệu người (tương đương 2/3 dân số) cần được hỗ trợ để tồn tại.

Gần 1/4 số hộ gia đình ở Afghanistan có chủ hộ là nữ giới. Việc chính quyền hiện nay tại Afghanistan tước bỏ quyền được tiếp cận giáo dục và tham gia kinh tế-xã hội của phụ nữ và trẻ em gái sẽ gây ra vết thương ngày càng lớn và khó lành cho chính đất nước này.

[Chính quyền Taliban cấm phụ nữ làm việc cho phái bộ Liên hợp quốc]

Liên hợp quốc hiện có khoảng 3.900 nhân viên làm việc tại Afghanistan, trong đó khoảng 400 phụ nữ là người Afghanistan và 200 nhân viên nữ từ các quốc gia khác.

Ông Ramiz Alakbarov - Phó đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Afghanistan - khẳng định Liên hợp quốc đang nỗ lực tạo điều kiện để nhân viên nữ của Liên hợp quốc tại Afghanistan có thể trở lại làm việc bình thường. Ông cũng cho biết các nhân viên nữ này vẫn nhận được lương, ngay cả khi họ bị buộc phải ở nhà.

Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước, Taliban đã đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Tháng 12 năm ngoái, Taliban ban hành sắc lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, song Liên hợp quốc được miễn trừ khỏi lệnh cấm này.

Phụ nữ Afghanistan cũng bị cấm đi học đại học, trong khi phần lớn nữ sinh trung học không được đến trường.

Nữ giới tại Afghanistan không được phép lui tới công viên hay vườn hoa và không được đi du lịch nếu không có người thân là nam giới đi cùng.

Dư luận lên tiếng

Dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ phản đối các biện pháp hạn chế mà chính quyền Taliban tại Afghanistan áp đặt đối với nữ giới.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 14/4 đưa tin Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho biết nước này "quan ngại" về tác động do các chính sách của chính quyền Taliban ở Afghanistan gây ra đối với quyền của phụ nữ.

Tuyên bố được ông Tần Cương đưa ra tại một hội nghị khu vực được tổ chức tại Uzbekistan, sau khi Taliban cấm phụ nữ làm việc cho Liên hợp quốc.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Tần Cương nói: "Trung Quốc và các nước láng giềng thân thiện khác lo ngại về các chính sách và biện pháp gần đây của Afghanistan, cũng như tác động của chúng đối với quyền và lợi ích cơ bản của phụ nữ Afghanistan."

Tuy nhiên, ông Tần nói thêm rằng mặc dù vấn đề quyền và lợi ích của phụ nữ rất quan trọng nhưng "nó không phải là toàn bộ vấn đề của Afghanistan, cũng không phải là nguyên nhân cốt lõi hay gốc rễ của các vấn đề của Afghanistan."

Trước đó, ngày 6/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ việc chính quyền Taliban tại Afghanistan cấm phụ nữ làm việc cho phái bộ của Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi chính quyền rút lại quyết định này.

Ngày 5/4, người phát ngôn Stephane Dujarric dẫn lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: "Đây là hành vi vi phạm các quyền con người cơ bản, không thể thay đổi của phụ nữ. Quyết định này cũng vi phạm các nghĩa vụ của Afghanistan theo luật nhân quyền quốc tế và vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử - là nguyên tắc cốt lõi làm nền tảng cho Hiến chương Liên hợp quốc."

Ông Dujarric nêu rõ Tổng Thư ký kêu gọi Taliban ngay lập tức thu hồi quyết định và đảo ngược tất cả các biện pháp hạn chế quyền làm việc, tiếp cận giáo dục và tự do đi lại của phụ nữ và trẻ em gái.

Cùng chung quan điểm trên, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Korosi đã lên án lệnh cấm của Taliban.

Người phát ngôn của bà Korosi - bà Paulina Kubiak - cho biết: "Hành động này là một sự vi phạm trắng trợn nhân quyền của phụ nữ và làm suy yếu các công tác của Liên hợp quốc tại Afghanistan, trong khi những người dân tại đây đang rất cần được hỗ trợ nhân đạo."

Hồi cuối năm 2022, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông cáo phản đối việc chính quyền Taliban tại Afghanistan cấm nữ giới làm việc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO), cho rằng biện pháp này là hành vi xâm phạm quyền của nữ giới và gây rủi ro cho các hoạt động viện trợ.

Văn bản của Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh Paris lên án mạnh mẽ lệnh cấm trên, đồng thời cho rằng chính sách này của Taliban sẽ cản trở nghiêm trọng các chuyến hàng viện trợ nhân đạo trong thời điểm quốc gia Nam Á này đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo nặng nề.

Ngoài ra, Đức cũng kêu gọi "phản ứng tập thể rõ ràng ở cấp độ toàn cầu" đối với các lệnh cấm của Taliban nhằm vào nữ giới.

Chỉ trích lệnh cấm này, Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ đánh giá thận trọng các tác động của lệnh cấm đối với hoạt động nhân đạo tại Afghanistan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục