Bình luận về quyết định của Chính phủ Australia hủy thỏa thuận của chính quyền bang Victoria tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc với lý do thỏa thuận này không phù hợp với chính sách ngoại giao của Canberra, Giáo sư Chen Hong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, nói với tờ Thời báo Hoàn cầu hôm 22/4: “Bằng cách sử dụng luật quốc gia này, về cơ bản, Australia đã bắn phát súng lớn đầu tiên chống lại Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả một cách tương ứng."
Trong thông báo tối 21/4, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết bà đã hủy 4 thỏa thuận của chính quyền bang Victoria, trong đó có hai thỏa thuận liên quan tới BRI là Bản ghi nhớ năm 2018 giữa chính quyền bang và Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc và Thỏa thuận khung năm 2019, được xây dựng dựa trên Bản ghi nhớ năm 2018. Hai thỏa thuận còn lại là thỏa thuận năm 2004 giữa Bộ Giáo dục và đào tạo của bang với Iran và thỏa thuận hợp tác khoa học năm 1999 với Syria.
Bà Payne cho biết Australia tìm kiếm một cam kết rõ ràng và thiết thực với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang trỗi dậy từ đại dịch COVID-19.
Bà nói: "Chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng triển vọng của Trung Quốc, bản chất từ sự can dự bên ngoài của Trung Quốc, cả trong khu vực của chúng tôi và trên toàn cầu, đã thay đổi trong những năm gần đây và mối quan hệ đối tác đòi hỏi chúng tôi phải thích ứng với những thực tế mới đó."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố động thái này sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh, nói rằng Australia là quốc gia đầu tiên hủy một thỏa thuận BRI đã ký.
[Australia hủy thỏa thuận của bang Victoria tham gia BRI]
Ông Uông Văn Bân nói rằng Trung Quốc kêu gọi Australia ngay lập tức sửa chữa sai lầm của mình, rút lại ngay quyết định sai lầm và "không tiếp tục xát muối vào vết thương của mối quan hệ Trung-Australia vốn đã căng thẳng," nếu không Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả một cách kiên quyết và mạnh mẽ.
Phát biểu trên đài ABC sáng 22/4, Ngoại trưởng Australia Marise Payne khẳng định quyết định này không nhằm mục đích làm tổn hại đến mối quan hệ của Australia với bất kỳ quốc gia nào. Australia sẽ tiếp tục coi trọng cam kết hợp tác với Trung Quốc.
Bà nhấn mạnh Australia đang hành động vì lợi ích quốc gia và rất thận trọng, cân nhắc trong cách tiếp cận này, đảm bảo một cách tiếp cận nhất quán trong chính sách đối ngoại. Ngoại trưởng Australia cũng bác bỏ bình luận cho rằng các nhà sản xuất Australia nên chuẩn bị cho việc trả đũa nhiều hơn từ Trung Quốc.
Mối quan hệ song phương đã trở nên căng thẳng vào năm 2018 khi Australia trở thành quốc gia đầu tiên công khai cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tiếp cận mạng 5G của họ.
Mối quan hệ hai bên đã trở nên tồi tệ vào năm ngoái khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của sự bùng phát COVID-19.
Tháng 12/2020, Quốc hội liên bang Australia đã trao cho chính phủ quyền phủ quyết đối với các thỏa thuận nước ngoài do các bang ký kết trong bối cảnh cuộc canh cãi ngoại giao với Trung Quốc ngày một trở nên gay gắt.
Bắc Kinh đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với các mặt hàng xuất khẩu của Australia, từ rượu vang đến than đá.
Trước đây, Thủ tướng Scott Morrison và người tiền nhiệm của ông Malcolm Turnbull từng không đồng ý với một biên bản ghi nhớ (MOU) cấp quốc gia với Trung Quốc về BRI. Tuy nhiên, Thủ hiến bang Victoria Dan Andrews đã ký các thỏa thuận với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc để thúc đẩy sáng kiến này trong năm 2018 và năm 2019.
Một số quốc gia lo ngại kế hoạch cho vay trong chương trình BRI có thể dẫn đến mức nợ không bền vững tại các quốc gia đang phát triển, trong đó gồm cả các đảo ở Thái Bình Dương.
Chính phủ của ông Morrison đã phủ nhận rằng quyền phủ quyết mới của họ là nhằm vào Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất và là nơi đóng góp nhiều sinh viên nước ngoài nhất tại Australia trước khi đại dịch xuất hiện buộc Australia phải đóng cửa biên giới.
Liên quan đến những diễn biến mới này, ông Michael Shoebridge, Giám đốc chương trình quốc phòng của Viện Chính sách Chiến lược Australia, đưa ra bình luận cho rằng Australia hiện đã có một chính sách quốc gia chặt chẽ hơn về can dự kinh tế với Trung Quốc.
Theo ông Shoebridge, quyết định hủy thỏa thuận BRI cho thấy chính phủ liên bang Australia xác định rằng việc giúp Chính phủ Trung Quốc “tạo ra một trật tự kinh tế toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm, trong đó nước này có thể gây ảnh hưởng kinh tế lớn hơn đối với các nước khác” là không phù hợp với lợi ích của Australia.
Ông Shoebridge còn cho rằng về mặt chính trị, quyết định hủy BRI giúp Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews có một lối thoát sau khi đã có bước đi “lạc nhịp” với công chúng và Chính phủ liên bang Australia.
Quyết định này cũng là một minh họa thực tế cho thấy rằng “các lợi ích an ninh và ngoại giao hiện luôn đan xen với các lợi ích kinh tế và bất kỳ quyết định nào không tính đến thực tế này đều dẫn đến những quyết định như hai thỏa thuận BRI của Victoria.”
Về phần mình, chuyên gia thương mại Jeffrey Wilson của Trung tâm Perth USAsia nhận xét rằng quyết định hủy thỏa thuận BRI khiến Trung Quốc “không thể tức giận hơn.”
Ông Wilson cho rằng Trung Quốc đã áp dụng tất cả các biện pháp trừng phạt thương mại có thể đối với Australia và sẽ gặp chút rắc rối khi không còn nhiều cách trừng phạt Australia nữa.
Tuy nhiên, theo ông Wilson, quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai nước sẽ gây ra những hậu quả kinh tế dài hạn và giáo dục là khu vực dễ bị tổn thương khi biên giới mở cửa trở lại.
Trong tương lai, Bắc Kinh có thể từ chối cấp thị thực xuất cảnh cho sinh viên đi du học tại Australia. Hiện sinh viên Trung Quốc đóng góp tới 60% trong tổng số doanh thu 5 tỷ AUD (3,9 tỷ USD) mà Australia thu được mỗi năm từ sinh viên quốc tế.
Mặt khác, Giáo sư James Laurenceson, Giám đốc Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, lại cho rằng mặc dù Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison có lý khi khó chịu với Bắc Kinh vì đã đạt được thỏa thuận với một chính quyền cấp bang, Australia không cần phải hủy thỏa thuận này mà chỉ cần đợi các thỏa thuận này tự hết hạn.
Theo ông, trước khi quyết định được đưa ra, hai bên đã có "vài tháng kiềm chế tương đối" sau khi quan hệ giữa hai nước trong năm ngoái đã giảm xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Trong khi đó, thỏa thuận tham gia BRI của bang Victoria không ràng buộc về mặt pháp lý cũng như không buộc chính quyền bang Victoria phải làm bất cứ điều gì, chứ chưa nói đến chính phủ quốc gia.
Về phần doanh nghiệp, các công ty Australia làm ăn với Trung Quốc đang chuẩn bị tinh thần đối mặt nhiều khó khăn lớn hơn trong thời gian tới. Chủ tịch quốc gia của Hội đồng Doanh nghiệp Trung Quốc-Australia (ACBC) David Olsson nhận định rằng các công ty Australia xuất khẩu sang Trung Quốc đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường nước ngoài đồng thời tiếp tục duy trì hợp tác với các đối tác thương mại Trung Quốc.
Ông Olsson nói: “Một số đang theo đuổi các chiến lược đa dạng hóa thị trường, trong khi nhiều doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại và nhà cung cấp vốn, do đó tích cực phát triển các chiến lược để đảm bảo sự kết nối với thị trường này."
Ông Olsson cho biết thêm, các thành viên của ACBC không quá quan tâm đến riêng BRI mà tập trung vào các cơ hội thương mại thực sự từ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong khi giới kinh doanh Australia-Trung Quốc dự báo quyết định hủy BRI trên sẽ làm căng thẳng thêm các mối quan hệ chính trị với Trung Quốc cũng như khả năng phải đón nhận các biện pháp trả đũa nặng nề hơn từ phía Trung Quốc, ông Olsson cho rằng, quyết định chấm dứt thỏa thuận BRI không phải là điều bất ngờ, dù ở Australia hay ở Bắc Kinh, trong bối cảnh địa-kinh tế đang có những thay đổi nhanh chóng./.