Trở ngại trong triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường tại Trung Á

Dịch bệnh COVID-19 chỉ tạm thời làm gián đoạn quá trình triển khai BRI, chứ không làm suy yếu BRI. Thậm chí, hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung Á trong khuôn khổ BRI vẫn còn dư địa phát triển.
Trở ngại trong triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường tại Trung Á ảnh 1(Nguồn: mei.edu)

Theo Tạp chí Russia Studies số ra kỳ 1 năm 2021, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn thế giới và các nước Trung Á nằm dọc tuyến đường Vành đai và Con đường (BRI) cũng không phải là ngoại lệ.

Đặc điểm chung của các nước Trung Á là đều xuất hiện các vấn đề như suy thoái kinh tế, căng thẳng an ninh, thu nhập giảm sút, tâm lý bất bình của người dân đối với chính quyền gia tăng… Mặc dù vậy ở một góc nhìn khác, đại dịch cũng mang đến cơ hội cho các nước này, nhất là trong việc phát triển kinh tế kỹ thuật số.

Ảnh hưởng của đại dịch đối với các nước Trung Á

Tính đến ngày 6/1/2021, Kazakhstan là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất (159.000 ca), trong đó tỷ lệ ca nặng là 6,8%; Kyrgyzstan có tỷ lệ tử vong cao nhất (16,66%) và tỷ lệ ca nặng là 3,8%; Tajikistan có tỷ lệ ca nặng là 1,16%, tỷ lệ tử vong là 6,76%; Uzbekistan có tỷ lệ ca nặng là 1,4% và tỷ lệ tử vong là 7,95%; trong khi Turkmenistan chưa công bố tin tức về tình hình dịch bệnh trong nước.

Nhìn chung, các nước Trung Á áp dụng nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19 với 3 đặc điểm lớn. Thứ nhất là siết chặt phong tỏa, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh với trọng điểm là đóng cửa biên giới, cảng khẩu, phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài trừ vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó là các biện pháp như hạn chế tụ tập đông người, tạm dừng hoặc hạn chế kinh doanh nơi công cộng, đóng của trường học, khuyến khích học trực tuyến, cấm các hoạt động tổ chức vui chơi lễ hội đông người; kiểm soát nguồn cung các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, thuốc men; nghiêm cấm lợi dụng tình hình để tăng giá hàng hóa; xử phạt nặng các hành vi vi phạm lệnh cấm của chính phủ, ngăn chặn và xử phạt hành vi tung tin bịa đặt gây hoang mang dư luận.

[Dấu chân Vành đai và Con đường ở khu vực hạ lưu sông Mekong]

Thứ hai, các nước Trung Á đã thực hiện tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch bệnh, bao gồm việc tìm kiếm sự hỗ trợ y tế quốc tế để giảm bớt áp lực trong nước và khắc phục tình trạng khan hiếm trong nước; phối hợp đưa đón công dân bị mắc kẹt về nước; kiến nghị tạm dừng hoặc gia hạn nợ, giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp; tích cực tham gia các hội nghị, điện đàm trực tuyến đa phương và song phương; duy trì quan hệ đối ngoại; bày tỏ chủ trương ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tăng cường hợp tác quốc tế.

Thứ ba là kế hoạch kiên trì chiến lược phát triển quốc gia, xây dựng các quyết sách chống khủng hoảng, vừa kiên định với chiến lược chung nhưng cũng có điều chỉnh tại một số lĩnh vực cho phù hợp, đặc biệt là tăng thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Ví dụ, trợ cấp tài chính, giảm thuế, tăng lượng vốn vay, gia hạn nợ và tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, qua đó kích thích sản xuất và bảo vệ đời sống người dân.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của chính phủ các nước Trung Á, tình hình dịch bệnh vẫn tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của các quốc gia này, được biểu hiện qua chỉ số tăng trưởng yếu.

Giới chuyên gia cơ bản đều nhận định đây là cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi các nước Trung Á giành độc lập. Quy mô và tác động của cuộc khủng hoảng này hiện khó có thể đánh giá đầy đủ, nhưng hậu quả sẽ được nhận thấy rõ ràng hơn vào năm 2021.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và GDP bình quân đầu người, chỉ số xuất nhập khẩu của các nước Trung Á đều chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như dịch bệnh, giá dầu quốc tế giảm, đồng nội tệ mất giá, phong tỏa thông thương và đi lại, vấn đề việc làm cho lao động hồi hương…

Các chỉ số kinh tế vĩ mô chính như thu nhập hộ gia đình, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lạm phát, thu ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài… đều giảm sút trên diện rộng và dự báo tương lai sẽ hồi phục yếu.

Trong khi đó, ngay cả khi tình hình được cải thiện vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng cũng sẽ không quá cao và cần thời gian để nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo ban đầu. Mặc dù Chính phủ các nước Trung Á đã thực hiện nhiều hỗ trợ ưu đãi và các biện pháp chống khủng hoảng khác, họ vẫn không thể bù đắp được những thiệt hại do nhu cầu giảm mạnh, chuỗi sản xuất và dòng vốn bị phá vỡ, đầu tư giảm, chi phí hoạt động cao và áp lực lớn về an sinh xã hội...

Mặc dù một số ít các ngành và công ty đã có được sức sống mới do sự thay đổi của thị trường như thương mại điện tử, dược phẩm…, nhưng hầu hết các công ty và tổ chức tài chính đều gặp khó khăn, thu nhập thực tế của người dân giảm, triển vọng cuộc sống bi quan, dẫn đến bức xúc dư luận ngày càng tích tụ.

Vấn đề tiếp theo, đó là tình hình an ninh phức tạp và rủi ro ngày càng cao. Cơ quan an ninh các nước Trung Á nhận định trong thời gian xảy ra dịch bệnh, nguy cơ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở Trung Á không những không suy giảm mà còn gia tăng.

Điều này được thể hiện qua việc các vấn đề an ninh không gian mạng thường xuyên xảy ra, những thay đổi về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các mối đe dọa về an toàn sinh học gia tăng, các thế lực cực đoan phát tán truyền bá quan điểm tôn giáo cực đoan tiếp tục phát triển thành các cuộc chiến phe cánh chính trị hoặc xung đột dân sự, gây nên không ít thương vong.

Ngoài ra, các tổ chức khủng bố hoặc chủ nghĩa cực đoan quốc tế bên ngoài cũng thực hiện tuyển dụng, tổ chức và chỉ huy các phần tử cực đoan trong nước thông qua Internet và nhập cư bất hợp pháp vào Trung Á.

Vấn đề thứ tư là những khác biệt trong quan điểm của hai nước Mỹ và Nga. Mặc dù các nước Trung Á vẫn chủ trương cân bằng quan hệ với các nước lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, nhưng do dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, các nước này vẫn phải phụ thuộc vào Nga để tiếp nhận nhân viên y tế, thuốc men, thiết bị y tế cũng như hỗ trợ công dân lao động ở Nga không quay trở về nước.

Điều này cũng thúc đẩy Tajikistan và Uzbekistan đàm phán gia nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Tuy nhiên ở một góc độ khác, sự hiện diện của Nga trong các vấn đề Ukraine, Belarus càng làm gia tăng sự nghi ngờ của các nước Trung Á về Nga.

Trong khi đó, các nước Trung Á bước đầu tỏ ra thân thiện với Mỹ và tích cực tham gia cơ chế hợp tác C5+1 do Mỹ khởi xướng. Song song với đó, có thể nhận thấy các nước Trung Á cũng cảnh giác với “chiến lược Trung Á” phiên bản mới do Mỹ đưa ra vào tháng 2/2020, chủ yếu nhằm mục đích chia rẽ mối quan hệ giữa các nước Trung Á với Nga và Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Mỹ thúc đẩy “Cách mạng màu” tại Belarus cũng khiến cho các nước này lo ngại về mối đe dọa từ phương Tây.

Những khó khăn trong việc thúc đẩy BRI ở Trung Á trong năm 2020

Thứ nhất, khối lượng giao dịch đã giảm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và 4 nước Trung Á (không tính Turkmenistan) trong nửa đầu năm 2020 chỉ đạt 13,78 tỷ USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc với Kazakhstan là 9,35 tỷ USD, giảm 1,7%; kim ngạch xuất nhập khẩu với Uzbekistan là 2,875 tỷ USD, giảm 20,3%; kim ngạch xuất nhập khẩu với Tajikistan là 422 triệu USD, giảm 34,4%; kim ngạch xuất nhập khẩu với Kyrgyzstan là 1,129 tỷ USD, giảm 52,8%.

Nhìn chung, mức giảm nhập khẩu tương đối nhỏ, chủ yếu là do các mặt hàng như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên được vận chuyển bằng đường ống và không bị ảnh hưởng bởi việc phong tỏa biên giới.

Điều này cho thấy xu hướng sụt giảm lớn trong hoạt động xuất khẩu chủ yếu do ảnh hưởng của việc đóng cửa cảng khẩu và suy giảm nhu cầu từ các nước Trung Á.

Thứ hai, tiến độ hợp tác song phương diễn ra chậm với một số nguyên nhân được chỉ ra là quá trình quản lý khép kín, không thể trao đổi và cung cấp nhân sự, thiết bị, vật tư. Điều này dẫn đến việc thi công nhiều dự án hợp tác bị buộc phải tạm dừng.

Thứ hai, đã xuất hiện dư luận phản đối các dự án của Trung Quốc, đặc biệt là ở Kyrgyzstan và Kazakhstan. Tất nhiên, không chỉ riêng Trung Quốc mà một số dự án của Mỹ và các nước châu Âu đầu tư cũng bị dừng lại.

Điều này xuất phát từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Tháng 2/2020, dự án Trung tâm Hậu cần và Thương mại Công nghiệp Naryn ở Kyrgyzstan được công ty của Trung Quốc đầu tư 280 triệu USD đã buộc phải đóng cửa do sự phản đối của cư dân địa phương.

Dư địa phát triển?

Mặc dù vậy, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, hợp tác trong khuôn khổ BRI vẫn còn nhiều dư địa phát triển vì những lý do sau đây. Thứ nhất, sự đồng thuận về hợp tác tiếp tục sâu sắc hơn và khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” được công nhận rộng rãi hơn.

Dịch bệnh COVID-19 đã củng cố thêm mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước Trung Á. Lãnh đạo các nước Trung Á nhất trí cao với quan điểm cho rằng chỉ có xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại mới là con đường đúng đắn để khôi phục kinh tế và phát triển đất nước.”

Thứ hai, liên thông về chính sách. Trong giai đoạn đầu, do tác động của dịch COVID-19, Trung Quốc và các nước Trung Á không thể tổ chức các hoạt động giao lưu trực tiếp, nhưng các hội nghị truyền hình trực tuyến thường xuyên diễn ra.

Nhìn chung, dịch bệnh chỉ làm thay đổi phương thức liên lạc chứ không làm gián đoạn sự kết nối giữa hai bên. Cơ chế hợp tác liên chính phủ và phi chính phủ song phương giữa Trung Quốc và các nước Trung Á luôn được duy trì và công khai. Ở góc độ đa phương, ngoài các cuộc họp trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Trung Quốc và 5 nước Trung Á đã thành lập cơ chế hội nghị Ngoại trưởng “Trung Quốc+5 nước Trung Á” vào tháng 7/2020.

Thứ ba, các chuyến tàu Trung Quốc-châu Âu tiếp tục đóng vai trò chiến lược, nhằm đảm bảo vận chuyển nguyên liệu và kết nối liên thông trong thời kỳ dịch bệnh.

Theo số liệu từ Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2020, có tổng cộng 5.122 chuyến tàu hàng Trung Quốc-châu Âu được thực hiện, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Khoảng một nửa số chuyến tàu tốc hành (2.381 chuyến tàu, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước) quá cảnh qua Kazakhstan thông qua hai cửa khẩu Alashankou và Horgos. Hàng hóa xuất đi chủ yếu là quần áo, sản phẩm điện tử, cơ điện, hóa chất... còn hàng hóa nhập vào chủ yếu là sợi bông, vật liệu xây dựng, phụ tùng và xe hơi nguyên chiếc.

Trong bối cảnh các quốc gia thực hiện quản lý khép kín và đóng cửa một phần cảng biển, phương thức vận tải container liên thông với đường bộ này đã trở thành tuyến đường “huyết mạch” của vận chuyển hàng hóa.

Thứ tư, Trung Quốc đã thể hiện thiện chí bằng cách chủ động giảm hoặc xóa các khoản nợ của các nước Trung Á. Trung Quốc đã thông báo tạm dừng trả nợ cho 77 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc diện đang phát triển, trong đó có các quốc gia Trung Á.

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2019, tổng dư nợ cho vay của Chính phủ Trung Quốc ở Trung Á là 24 tỷ USD (Kazakhstan 11 tỷ USD, Uzbekistan 3,006 tỷ USD, Kyrgyzstan 1,795 tỷ USD, Tajikistan 1,525 tỷ USD và Thổ Nhĩ Kỳ 6,7 tỷ USD). Số tiền lãi mỗi năm khoảng 500 triệu USD.

Trung Quốc đã miễn giảm nghĩa vụ trả nợ tương ứng với các khoản viện trở không hoàn lại dành cho các nước Trung Á.

Thứ năm, sự phát triển nhanh chóng của “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” đã giúp các nước đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Trước khi xảy ra dịch bệnh, các quốc gia Trung Á đều đã xây dựng chiến lược phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của riêng mình, và chính dịch bệnh đã thúc đẩy các quốc gia đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Do đó, hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực mạng Internet như làm việc trực tuyến, mua sắm trực tuyến, giáo dục trực tuyến, y tế trực tuyến… và mua sắm thiết bị tự động hóa và thiết bị liên lạc như máy bay không người lái, robot, điện thoại di động và vệ tinh… đang tăng lên nhanh chóng.

Thứ sáu, sự phát triển vượt bậc của “Con đường tơ lụa về y tế” đã thúc đẩy xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh về sức khỏe nhân loại.” Khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc đã nỗ lực sớm khống chế thành công dịch bệnh.

Sau đó, Trung Quốc cung cấp vật tư y tế, thuốc men, thiết bị và các vật liệu khác, cử các đội y tế đến trao đổi kinh nghiệm chống dịch... Y học cổ truyền Trung Quốc đã được công nhận rộng rãi hơn ở các nước Trung Á.

“Trung tâm y học cổ truyền Trung Quốc” ở Kazakhstan, Kyrgyzstan và Turkmenistan và “Trung tâm nghiên cứu và phát triển thuốc Trung Á” ở Uzbekistan đã trở thành một trong những cơ sở chẩn đoán lâm sàng, điều trị từ xa, và phát triển thị trường thuốc tại đây.

Thứ bảy, vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với sự phát triển kinh tế của các nước Trung Á ngày càng tăng. Các nước Trung Á hiểu rằng Trung Quốc là đối tác phù hợp nhất trong giai đoạn nỗ lực khôi phục và phát triển kinh tế.

Theo quan điểm của các nước Trung Á, Nga là đối tác quan trọng nhất và phụ thuộc về an ninh (an ninh nội địa, an ninh chế độ). Tuy nhiên, khả năng kinh tế và đầu tư của Nga tương đối yếu, rất khó để đáp ứng nhu cầu phát triển của các nước Trung Á.

Trong khi đó, mặc dù ảnh hưởng quốc tế của Mỹ và Liên minh châu Âu là rất lớn, song khoảng cách lại quá xa nhau và mục đích chính trị là khá rõ ràng.

Điều này thường đe dọa an ninh của chế độ chính phủ các nước Trung Á nên những nước này dù hoan nghênh hợp tác cũng vẫn đề phòng, do đó quy mô hợp tác còn hạn chế.

Ở chiều nguợc lại, Trung Quốc là một nước láng giềng gần gũi, có quỹ vốn và thị trường rộng lớn, có thể phát triển hợp tác kinh tế trên nguyên tắc bình đẳng mà không lo bị tổn hại chủ quyền.

Xét về tổng thể, dịch bệnh COVID-19 chỉ tạm thời làm gián đoạn quá trình triển khai BRI, chứ không làm suy yếu BRI. Thậm chí, hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung Á trong khuôn khổ BRI vẫn còn dư địa thúc đẩy phát triển chất lượng cao hơn nữa.

Trọng điểm hợp tác thời gian tới là nâng cao khả năng ứng phó với thảm họa, khủng hoảng trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giao thông, nông nghiệp, sản xuất, kỹ thuật số, giao lưu nhân dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục