Dù trời rét nhưng chăn điện và túi sưởi vẫn bị "ế"

Thị trường chăn điện, đệm sưởi Hà Nội đang khá “nguội lạnh” do tâm lý lo ngại về chất lượng cũng như độ an toàn của sản phẩm.
Những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới ở Thủ đô Hà Nội rét đậm. Nếu như mọi năm, đây là dịp để các sản phẩm làm ấm như chăn điện, đệm, túi sưởi "lên ngôi," nhưng trái ngược với dự đoán, thị trường này lại đang khá “nguội lạnh” do tâm lý lo ngại về chất lượng cũng như độ an toàn của sản phẩm.

Người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm miếng dán giữ nhiệt với giá khá rẻ và khó có nguy cơ gây bỏng.

Chăn điện, túi sưởi ế ẩm

Dạo qua các tuyến phố chuyên bán các loại chăn điện, đệm, túi sưởi tại Hà Nội như Phương Mai, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Bạch Mai ai cũng có thể thấy các sản phẩm túi sưởi, chăn điện được bày bán la liệt nhưng không nhiều người mua.

Theo anh Nguyễn Sỹ Khánh, chủ cửa hàng bán đồ sưởi trên phố Phương Mai, các sản phẩm chăn điện, túi, đệm sưởi có ưu điểm là dễ sử dụng và khả năng làm ấm nhanh, lại không khói, bụi nên được nhiều gia đình mua về cho trẻ nhỏ và người già sử dụng. Đặc biệt, những người hay bị các bệnh xương khớp, đau thần kinh, chân tay tê cóng rất thích sử dụng vì chỉ cần nạp điện khoảng 20 phút là có thể giữ ấm suốt 4 đến 6 giờ.

Giá một chiếc túi sưởi trên thị trường dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng/chiếc tùy loại. Túi sưởi của Trung Quốc giá 120.000-150.000 đồng/chiếc nhưng không có bảo hành. Chăn điện Hàn Quốc có giá 1-1,2 triệu đồng/chiếc, trong khi chăn Trung Quốc có giá chỉ bằng một nửa 600.000-700.000 đồng/chiếc.

Tuy nhiên, theo anh Khánh, sức mua trong những ngày qua khá hạn chế so với những năm trước, chủ yếu do tâm lý lo ngại về độ an toàn của sản phẩm, đặc biệt là sau thông tin túi sưởi bị vỡ khiến một cháu bé 8 tuổi ở Tuyên Quang bị bỏng, phải nhập viện.

Theo các chuyên gia về dụng cụ điện, các loại túi sưởi, chăn điện là thiết bị sưởi ấm bằng nhiệt, vì thế không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là vấn đề về chất lượng và độ an toàn của mặt hàng này, đặc biệt là các sản phẩm không rõ xuất xứ. Nguy cơ điện giật, cháy do nhiệt độ quá cao là có khả năng xảy ra.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, trước khi cắm điện, người dùng cần kiểm tra túi xem có rách mép, rò rỉ nước hay không và tuyệt đối không dùng khi đang cắm điện. Nếu thấy túi sưởi đã đạt độ nóng cần thiết, cần ngắt điện, không nên vừa cắm điện vừa ôm gối hoặc ôm túi sưởi...

Đối với các loại chăn điện, người dùng cần tránh đắp trực tiếp chăn điện khi đang có dòng điện chạy qua. Đồng thời, nên ngắt dòng điện làm nóng chăn khi sử dụng qua đêm bởi nhiều trường hợp hộp cảm ứng biến nhiệt xảy ra sự cố chập điện, hỏng hóc, dòng điện 220V sẽ vẫn chạy trong chăn và gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Miếng dán giữ nhiệt “lên ngôi”

Trái với tình trạng chăn điện, túi sưởi trên thị trường đang rơi vào cảnh ế ẩm, miếng dán giữ nhiệt đang trở thành “mốt” trong những ngày giá lạnh nhờ sự gọn nhẹ, tiện dụng và giá cả phải chăng.

Theo chị Mai Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội), một người chuyên phân phối sản phẩm miếng dán giữ nhiệt Kairo của Nhật Bản, trên thị trường có 2 loại miếng giữ nhiệt, loại dán được và không dán được. Với loại dán được thì dùng để dán lên quần áo và tất chân, không được dán trực tiếp lên da. Còn loại không dán được thì để trong túi áo, túi quần...

Chị Mai Hiền cũng cho biết, miếng dán có kích thước nhỏ, rất tiện lợi để bỏ vào túi quần áo khi ra đường, hay chơi thể thao. Miếng dán giữ nhiệt có thể đạt nhiệt độ 53-66 độ C, đủ để làm ấm cơ thể mà không gây bỏng. Mỗi miếng dán có thể giữ ấm từ 20 đến 30 giờ.

Giá cả của các loại miếng dán giữ nhiệt cũng khá đa dạng. Miếng dán Kairo chỉ khoảng 250.000 đồng/10 miếng, các loại sản phẩm khác không rõ xuất xứ có giả rẻ hơn, từ 75.000-120.000 đồng/10 miếng.

Thành phần chủ yếu của miếng dán này là bột sắt, nước, vamiculite, than hoạt tính, muối, hoạt động theo nguyên tắc thẩm thấu ôxy qua màng ngăn với những lỗ nhỏ để thực hiện phản ứng tỏa nhiệt, sau đó dùng túi đóng gói để cách ly hoàn toàn với không khí.

Tuy nhiên, giới chuyên môn khuyến cáo, khi sử dụng các sản phẩm miếng dán giữ nhiệt cho trẻ em, phải hết sức cảnh giác bởi da trẻ rất mỏng và nhạy cảm nên dễ bị bỏng. Đối với trẻ nhỏ và người già, nhiệt độ miếng dán chỉ nên dao động ở khoảng 42-46 độ C; không nên dùng miếng dán có nhiệt độ cao quá 55 độ C. Với nhiệt độ cao này chỉ nên dùng cho người lớn khi nhiệt độ môi trường hạ thấp như đại hàn hoặc những nơi có băng tuyết.

Tuy nhiên, cả với người lớn, nếu dán liên tục ở một vùng da vẫn có thể gây kích ứng da, thậm chí bị bỏng nhẹ. Người dùng chỉ nên dán lên quần áo, bít tất. Ngoài ra, để tăng hiệu quả sử dụng, nên dính miếng dán sưởi ấm cơ thể lên lớp quần áo bó sát người./.

Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục