Đưa cây sâm Lai Châu trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm đạt khoảng 3.000ha, sản lượng khoảng 30 tấn/năm; đến năm 2035, trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao.

Những cây sâm Lai Châu đã được ươm thành công, tạo tín hiệu vui trong việc phát triển và bảo tồn nguồn dược liệu quý để phát triển kinh tế dưới tán rừng. (Ảnh: Quý Trung/ TTXVN)
Những cây sâm Lai Châu đã được ươm thành công, tạo tín hiệu vui trong việc phát triển và bảo tồn nguồn dược liệu quý để phát triển kinh tế dưới tán rừng. (Ảnh: Quý Trung/ TTXVN)

Phát triển sâm Lai Châu thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung chính của dự thảo Nghị quyết về phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035.

Theo dự thảo Nghị quyết về phát triển sâm Lai Châu được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ 19 diễn ra ngày 19/4/2024, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.000ha, tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên và một số vùng có khả năng thích ứng.

100% diện tích trồng sâm Lai Châu được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Sản lượng khai thác sâm Lai Châu năm 2030 đạt khoảng 30 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 100 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO hoặc tương đương.

Đến năm 2035, phát triển sâm Lai Châu cùng với sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tiến tới mang thương hiệu quốc tế, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh.

TTXVN_1904samlaichau2.jpg
Nhờ có sự vào cuộc của một số doanh nghiệp đầu tư và bảo tồn, cây sâm Lai Châu đã cho ra quả để nhân giống trên đất Mường Tè. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Việc tỉnh Lai Châu thông qua Nghị quyết về phát triển sâm là bước cụ thể hóa quyết định Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã có đánh giá: Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam gồm các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên.

Cụ thể là phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu. Như vậy, tỉnh Lai Châu trở thành địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ về phát triển Sâm.

Có thể nói, đây chính là điều kiện, cơ hội để tỉnh “ấp ủ giấc mơ” xây dựng thương hiệu quốc gia đối với Sâm Lai Châu, đưa cây Sâm Lai Châu thành một trong những cây chủ lực giá trị cao gắn vào quá trình phát triển kinh tế, xóa nghèo cho người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng sâu tại những nơi có điều kiện phát triển Sâm dưới tán rừng.

Sáu nhiệm vụ phát triển Sâm Việt Nam được Thủ tướng nêu rõ gồm: Bảo tồn và phát triển Sâm Việt Nam; nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống Sâm Việt Nam; phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam tập trung; thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm Sâm Việt Nam bền vững theo chuỗi giá trị; xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại; phát triển hạ tầng vùng trồng Sâm Việt Nam gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.

TTXVN_1904samlaichau3.jpg
Du khách được mục sở thị củ Sâm Lai Châu tại gian trưng bày sản phẩm tại Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Không để người dân phát triển tự phát, tỉnh Lai Châu chủ trương thúc đẩy liên kết “4 nhà” nhà nông - nhà quản lý-nhà khoa học-doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sớm cùng người dân bản địa liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành những tổ chức kinh doanh có năng lực; chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận độc quyền cho Sâm Lai Châu; tăng cường quảng bá để không ngừng nâng cao vị thế, giá trị của Sâm Lai Châu.

Với khí hậu vùng nhiệt đới và một số nơi có độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, Lai Châu có tiềm năng về nguồn dược liệu quý như lan kim tuyến, sâm vũ diệp, bảy lá một hoa, tam thất, thất diệp nhất chi mai, thổ hoàng liên, hoàng tinh; trong đó có sâm Lai Châu.

Sâm Lai Châu là cây đặc hữu, ưa ẩm, ưa khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Loại cây này phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung, các xã Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ của huyện Mường Tè và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa huyện Sìn Hồ và Tam Đường.

Theo một số tài liệu nghiên cứu, Sâm Lai Châu có nguồn gene đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Đây là loại dược liệu quý hiếm được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (năm 2007) với tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress. Lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hoá, an thần.

Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm. Trong thân rễ Sâm Lai Châu có saponin “MR2” chiếm tỷ lệ lớn, đặc trưng có trong Sâm Ngọc Linh.

Chính vì vậy giá trị kinh tế trên thị trường của Sâm Lai Châu rất cao. Giá thu mua 01 kg sâm tươi giá trung bình 20 triệu đồng/kg, 01 kg sâm tươi 10 tuổi giá khoảng 50 triệu đồng, những lúc khan hiếm có thể lên tới 60-70 triệu đồng/kg./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục