Trong bối cảnh cả nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và góp phần chuẩn bị Đại hội XIII, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Bangkok về những ưu tiên của Đại sứ quán nhằm đóng góp vào việc triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng XIII sẽ đề ra.
- Xin Đại sứ đánh giá về những bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Thái Lan năm 2020 cả trên bình diện song phương và đa phương? Việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Thái Lan góp phần như thế nào vào việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XII?
Đại sứ Phan Chí Thành: Đại hội XII của Đảng chủ trương triển khai chính sách đối ngoại vì lợi ích quốc gia dân tộc, tiếp tục đưa quan hệ đối tác vào chiều sâu, nhất là các đối tác chiến lược. Năm 2020, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan tiếp tục có những bước phát triển thực chất, thể hiện trên những điểm sau.
Thứ nhất, đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức song lại là cơ hội để các nước láng giềng, các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam và Thái Lan thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, cùng chia sẻ khó khăn và giúp đỡ nhau vượt qua đại dịch. Thái Lan đã chia sẻ kinh nghiệm năm Chủ tịch ASEAN cho Việt Nam.
Trong năm qua, lãnh đạo hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi trực tuyến, qua đó khẳng định quyết tâm chính trị của hai bên trong việc đưa quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chia sẻ một cách tin cậy về kinh nghiệm phòng chống dịch, nghiên cứu-sản xuất và phân phối vắcxin cũng như các biện pháp phục hồi kinh tế. Các cơ quan, ban ngành và địa phương hai nước thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ nhau về khẩu trang, vật tư y tế... Đây là nền tảng vững chắc để hai nước thắt chặt hơn nữa sự tin cậy chính trị và tình hữu nghị bền chặt, tạo đà cho phát triển hợp tác về mọi mặt.
Thứ hai, hợp tác hai bên trong nhiều lĩnh vực tiếp tục đi vào chiều sâu hiệu quả. Hai bên tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Thái Lan là điểm sáng trong quan hệ song phương.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 và giao thương giữa các nước bị hạn chế, kim ngạch thương mại hai nước vẫn giữ được đà tăng trưởng, giúp Thái Lan giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.
Đầu tư của Thái Lan sang Việt Nam tiếp tục khởi sắc với nhiều dự án lớn như Hạ Long Amata City, Móng Cái Smart City của Tập đoàn Amata; các nhà máy năng lượng tái tạo của các tập đoàn năng lượng hàng đầu Thái Lan như PTT, SCG, Banpu, B.Grim, Gulf...; các doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan như CP, Central, ThaiBev... coi Việt Nam là một trong những thị trường chủ đạo để phát triển kinh doanh.
Thứ ba, Việt Nam và Thái Lan đã tích cực phối hợp và khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thái Lan ủng hộ các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam cả trong khuôn khổ ASEAN cũng như tại các diễn đàn quốc tế, như sáng kiến về thành lập Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, sáng kiến về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam...
Thứ tư, Thái Lan tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan làm ăn, sinh sống ổn định và ngày càng hội nhập, đóng góp cho sự phát triển của đất nước Thái Lan và quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Các bạn Thái Lan trân trọng và kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tạo điều kiện xây dựng ba khu tưởng niệm Bác Hồ tại Phichit, Udon Thani và Nakhon Phanom, trong đó khu tưởng niệm tại Nakhon Phanom là khu di tích về Bác lớn nhất ở nước ngoài.
Ngoài ra, các bạn Thái Lan tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, tạo điều kiện xây dựng, duy trì hoạt động 23 ngôi chùa Việt ở Thái Lan.
Phía bạn cũng đang tạo điều kiện cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan. Số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh của Việt Nam tại các trường đại học Thái Lan lên đến hơn 1.000 người, biến Thái Lan trở thành một địa chỉ du học phù hợp cho người Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam-Thái Lan phát triển tốt đẹp đã và đang góp phần khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong đó có việc không ngừng đưa quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.
- Cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan là một cộng đồng vững mạnh, luôn hướng về quê hương đất nước và góp phần thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước. Được biết vừa qua Đại sứ đã có chuyến thăm cộng đồng kiều bào khu vực Đông Bắc Thái Lan, xin Đại sứ cho biết ý kiến về việc này?
Đại sứ Phan Chí Thành: Vài tuần sau khi nhận nhiệm vụ tại Thái Lan, tôi đã có hai chuyến thăm kiều bào các tỉnh Đông Bắc Thái Lan trong tháng 12/2020. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi trong nước tổ chức Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị 45 ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Do đó, đây không chỉ là dịp để Đại sứ thăm hỏi kiều bào, mà còn là dịp để khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam," lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, góp phần tiếp tục đóng góp cho việc bổ sung, cập nhật Chỉ thị 45 trong tình hình mới.
[Cộng đồng Việt kiều góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Thái Lan]
Thông qua chuyến đi này, Đại sứ quán cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của kiều bào đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới, nhất là trong triển khai những chủ trương, định hướng và kế hoạch mà Đại hội XIII sắp đề ra.
Có thể nói, cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Thái Lan là một cộng đồng mạnh, đoàn kết và có lòng yêu nước, yêu kính Bác Hồ. Rất nhiều hoạt động ý nghĩa nhân các ngày lễ lớn của dân tộc đã được tổ chức trong năm qua nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn, duy trì phong trào dạy và học tiếng Việt, duy trì hoạt động tôn giáo, tâm linh của người Việt.
Vừa qua, chính quyền tỉnh Nakhom Phanom và cộng đồng người Việt tại Thái Lan đã long trọng kỷ niệm 60 năm Tháp Việt kiều lưu niệm tại Nakhom Phanom, là một biểu tượng sinh động tình hữu nghị Việt-Thái. Tấm lòng hướng về đất nước của kiều bào rất đáng trân quý.
Việt kiều tại Thái Lan đã đóng góp về nước tiền mặt hơn 870.000 baht và trang thiết bị y tế trị giá hơn 4 triệu baht trong đợt dịch COVID-19 và hơn 6 triệu baht ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Đây là số tiền mặt đóng góp lớn nhất trong các cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ những chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đối với người Việt nam ở nước ngoài đã thực sự đi vào cuộc sống.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của bà con, thời gian tới, Đại sứ quán sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đổi mới công tác về người Việt Nam ở nước ngoài theo đúng tinh thần Chỉ thị 45, đặc biệt làm sao để huy động hơn nữa nguồn lực quan trọng của đội ngũ doanh nhân, trí thức kiều bào trẻ đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, đổi mới các hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm tạo không gian thực sự cho bà con trong gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, cũng như tạo động lực mới cho phong trào dạy và học tiếng Việt của người Việt Nam ở nước ngoài.
- Xin Đại sứ cho biết những ưu tiên của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan trong năm 2021 nhằm triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII sẽ đề ra? Đại sứ có ý kiến tham vấn gì với Đảng và Nhà nước về chính sách đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước?
Đại sứ Phan Chí Thành: Trong năm 2021 và những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục phức tạp và tác động nhiều mặt tới môi trường an ninh và phát triển của đất nước trước hết là do tác động của đại dịch COVID-19. Tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá Việt Nam chưa bao giờ có cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín như ngày nay. Đất nước ngày càng hội nhập và phát triển, vai trò và vị trí của hoạt động đối ngoại ngày càng quan trọng. Xây dựng một nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện và hiện đại là một yêu cầu cấp bách nhằm tiếp tục bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố và tăng cường quan hệ với các nước và hội nhập quốc tế sâu rộng vào khu vực và thế giới.
Trên cơ sở đó, Đại sứ quán đặt ra những ưu tiên sau nhằm đóng góp vào việc triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII sẽ đề ra.
Thứ nhất, tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam-Thái Lan phát triển thực chất hơn nữa thông qua các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (6/8/1976-6/8/2021). Nếu tình hình COVID-19 được kiểm soát tốt, Đại sứ quán sẽ nỗ lực thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước, cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, giao lưu giữa các địa phương.
Thứ hai, nâng tầm công tác đối ngoại đa phương ở sở tại, thúc đẩy quan hệ với các tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn các nước ở sở tại nhằm chuyển tải những thông điệp đối ngoại của Đảng và Nhà nước tại Đại hội XIII, góp phần khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế.
Thứ ba, đổi mới hình thức triển khai ngoại giao kinh tế nhằm mang lại hiệu quả thực chất hơn nữa, đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trong nước. Đại sứ quán sẽ chú trọng hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, kết nối doanh nghiệp hai nước, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Thái Lan mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao như kinh tế số, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Thứ tư, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, công tác bảo hộ công dân, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm của năm 2021. Đại sứ quán sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tổ chức các chuyến bay hồi hương đưa công dân về nước trong điều kiện cho phép, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan phòng chống dịch an toàn, ổn định cuộc sống và tiếp tục là cầu nối hữu nghị giữa hai nước.
Thứ năm, Đại sứ quán cũng sẽ đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực cán bộ ngoại giao theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại trong tình hình mới, hướng tới cùng với trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xây dựng một nền ngoại giao “toàn diện, hiện đại."
Cuối cùng, thay mặt Đảng ủy tại Thái Lan và cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, tôi xin được bày tỏ niềm tin và kỳ vọng lớn vào Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sẽ đề ra chủ trương, đường lối, phương hướng, nhiệm vụ nhằm đưa Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn, tiến tới mục tiêu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại vào năm 2030 - kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ đã trả lời phỏng vấn./.