Đưa trần an sinh xã hội vào chiến lược phát triển

Liên hợp quốc kêu gọi các nước thực hiện các mức trần an sinh xã hội một cách hiệu quả khi nhu cầu công bằng xã hội đang tăng lên.
Chủ tịch Nhóm tư vấn Liên hợp quốc về trần an sinh xã hội và Giám đốc chấp hành Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) Michelle Bachelet đã kêu gọi các nước trên thế giới thực hiện các mức trần an sinh xã hội một cách hiệu quả trong bối cảnh nhu cầu công bằng xã hội đang tăng lên trên toàn cầu.

Lời kêu gọi được đưa ra tại Hội nghị tư vấn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ở Geneva, Thụy Sĩ.

Bà Bachelet nhấn mạnh, bất chấp những tiến bộ trong thập kỷ qua, 1,44 tỷ người trên thế giới vẫn đang sống trong điều kiện cùng khổ, 1,75 tỷ người, chiếm 1/3 dân số thế giới vẫn không có các cơ hội về kinh tế, y tế và những điều kiện sống thích hợp để thoát khỏi đói nghèo.

75% dân số thế giới vẫn không được tiếp cận an sinh xã hội thích hợp. Tất cả những số liệu này báo động các mối đe dọa xã hội, có thể làm bùng nổ bất ổn chính trị và phá hoại thịnh vượng kinh tế.

Các cuộc nổi dậy ở Bắc Phi và Trung Đông là bằng chứng rõ ràng nhất về mối đe dọa này, nhấn mạnh nguyện vọng chính đáng của người dân về các cơ hội bình đẳng kinh tế, công bằng và an sinh xã hội.

Thực hiện các trần an sinh xã hội có thể đáp ứng nhu cầu gắn kết xã hội, ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế năng động. Các trần an sinh xã hội là giải pháp bền vững và khả thi rất phù hợp với thực tế thời đại trong bối cảnh nhiều nước đang đứng trước nguy cơ bất ổn xã hội và phục hồi kinh tế trì trệ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây cho thấy những nước đầu tư và tiếp tục đầu tư tăng chi phí xã hội trong thời gian khủng hoảng đã phục hồi và ổn định tốt hơn so với những nước cắt giảm chi phí xã hội.

Ngoài tác động xã hội, những chính sách an sinh xã hội đã tác động tích cực đến các thị trường lao động và xử lý rủi ro kinh doanh tốt hơn, góp phần tăng cường nền kinh tế vĩ mô và tăng năng suất lao động xã hội.

Cũng theo bà Bachelet, trong khi các nước cần đưa trần an sinh xã hội vào chiến lược phát triển quốc gia, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các ngân hàng phát triển khu vực và cộng đồng tài trợ cũng có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy những sáng kiến này.

Trần an sinh xã hội là chiến lược thực tế nhất để định hình thế giới trong sự gắn kết xã hội tốt hơn, mở lối thoát cho các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội, đồng thời cũng là công cụ để xây dựng xã hội công bằng và thịnh vượng bền vững trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục