Đức đánh giá cao vai trò của Ai Cập trong tháo gỡ khủng hoảng Libya

Ngày 15/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abel Fattah Al-Sisi thảo luận về các biện pháp nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Libya. 
Đức đánh giá cao vai trò của Ai Cập trong tháo gỡ khủng hoảng Libya ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ai Cập Abel Fattah Al-Sisi. (Nguồn: Getty)

Ngày 15/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abel Fattah Al-Sisi thảo luận về các biện pháp nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Libya. 

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Merkel bày tỏ hy vọng sớm đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Libya trong các cuộc đối thoại giữa các đảng phái ở quốc gia Bắc Phi này.

Bà cho biết Đức đánh giá cao vai trò then chốt của Ai Cập trong khu vực cũng như sự lãnh đạo hiện nay của Liên minh châu Phi (AU) - mà hiện Cairo đang là chủ tịch - đối với những tiến triển gần đây ở Libya.

Theo Thủ tướng Merkel, Đức đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị với sự tham gia của các đảng phái ở Libya vào cuối năm nay để có thể nhanh chóng tìm được một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua tại quốc gia Bắc Phi này.

[Ai Cập, Nga nhấn mạnh giải pháp chính trị cho khủng hoảng khu vực]

Trong khi đó, về phần mình, Tổng thống Ai Cập Al-Sisi đã khẳng định lập trường cứng rắn của Cairo đối với cuộc khủng hoảng Libya.

Ông nhấn mạnh chống khủng bố, ổn định tình hình an ninh là những ưu tiên hàng đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Nhà lãnh đạo Ai Cập cũng cảnh báo sự can thiệp bất hợp pháp từ nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Libya sẽ càng làm tình hình xấu thêm cũng như gây ra mối đe dọa đối với an ninh và ổn định cho toàn bộ khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang.

Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng.

Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Trong khi đó, lực lượng LNA của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông.

GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Tháng Tư vừa qua, lực lượng của Tướng Hafta đã phát động chiến dịch tấn công nhằm giành kiểm soát thủ đô Tripoli.

Xung đột leo thang kể từ đó đến nay đã làm 1.000 người thiệt mạng và 120.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Liên hợp quốc đã ra nghị quyết kêu gọi các quốc gia có ảnh hưởng với các bên tham chiến tại Libya hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột./.
 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục