Đức điều tra việc tình báo Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi các công dân

Văn phòng công tố Liên bang Đức ngày 28/3 đã mở cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc tình báo Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi những người được cho là ủng hộ Giáo sỹ Fethullah Gulen tại Đức.
Đức điều tra việc tình báo Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi các công dân ảnh 1Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen tại Saylorsburg, bang Pennsylvania, Mỹ ngày 18/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Văn phòng công tố Liên bang Đức ngày 28/3 đã mở cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc tình báo Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi những người được cho là ủng hộ Giáo sỹ Fethullah Gulen tại Đức.

Cuộc điều tra được tiến hành sau khi Bộ trưởng Nội vụ bang Hạ Saxony của Đức Boris Pistorius​ cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện hoạt động theo dõi bí mật "không thể chấp nhận được" đối với những người Thổ Nhĩ Kỳ đang sống ở Đức, được cho là ủng hộ phong trào do ông Gulen lãnh đạo.

Ông Gulen là nhân vật hiện đang sống lưu vong ở Mỹ và bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7 năm ngoái nhằm lập đổ Tổng thống Recep Tayip Erdogan.

Ông Pistorius nhấn mạnh có bằng chứng rõ ràng cho thấy Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ MIT đang theo dõi những công dân đang sống tại Đức. Ông này cho biết Ankara đã đề nghị Berlin hỗ trợ theo dõi 300 người được cho là ủng hộ ông Gulen, cho rằng đây là "điều không thể chấp nhận."

Trong khi đó, truyền thông Đức cũng đưa tin các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn giao danh sách các mục tiêu theo dõi tại Đức (bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại và hình ảnh của nhiều người) tới những đồng nghiệp Đức trong Hội nghị an ninh Munich hồi tháng 2 vừa qua.

Các công tố viên Liên bang Đức sẽ điều tra xem bằng cách nào Thổ Nhĩ Kỳ đã có được những thông tin chi tiết này.

Ông Pistorius cũng cáo buộc chính quyền Ankara hành động theo kiểu "quá đa nghi" khi cho rằng tất cả những người ủng hộ ông Gullen đều là khủng bố và kẻ thù của đất nước, thậm chí ngay cả khi không có những bằng chứng dù nhỏ nhất.

Hiện phía Đức không phát hiện bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những người trong danh sách Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật.

Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Thomas de Maiziere cùng ngày đã lên tiếng cảnh báo hoạt động gián điệp bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, cho rằng "mọi hoạt động do thám trên lãnh thổ Đức sẽ không được dung thứ và sẽ bị trừng phạt thích đáng."

Việc Đức mở cuôc điều tra liên quan tới hoạt động theo dõi của Thổ Nhĩ Kỳ lại một lần nữa khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này tiếp tục xấu đi.

Sau vụ chính biến tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi trung tuần tháng 7/2016, chính quyền Ankara đã bắt giữ hơn 41.000 người tình nghi liên quan tới phong trào của Giáo sỹ Gulen và sa thải hoặc đình chỉ công tác khoảng 100.000 người, trong đó có rất nhiều tướng lĩnh, cảnh sát, nhà báo, học giả, giáo viên...​

Mặc dù chính quyền Ankara cáo buộc ông Gulen là chủ mưu cuộc đảo chính quân sự hồi năm ngoái ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Mỹ và nhiều nước phương Tây cho rằng các báo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ là thiếu căn cứ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục